Người TPHCM đi nhiều chùa trong đêm giao thừa để cầu may mắn
Hàng nghìn người dân TPHCM đã đổ về các ngôi chùa nổi tiếng tại trung tâm để thực hiện các nghi thức cầu bình an, sức khỏe cho bản thân, gia đình trong đêm giao thừa Giáp Thìn 2024.
Đồng hồ vừa điểm qua 0h, gia đình anh Việt (34 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) đã bày biện xong mâm cúng giao thừa để cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Ngay sau đó, anh đưa gia đình đến Chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TPHCM) để làm lễ.
Người đàn ông xếp hàng cùng dòng người để được dâng hương, cúng dường và cuối cùng là đánh một hồi chuông chào đón năm mới. Anh Việt vẫn có thói quen này vào đêm giao thừa suốt 10 năm qua.
"Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa nổi tiếng nhất nhì ở TPHCM, vì vậy người dân thường sẽ đến đây để cúng giao thừa. Bên cạnh cầu may, đây là dịp để gia đình ở bên nhau, vui chơi cùng nhau…", anh Việt nói.
Sau một lần tình cờ được bạn dẫn đến chùa Vĩnh Nghiêm vào năm 2023, chị Nguyễn Thị Yến (44 tuổi, ngụ quận 12) quyết định quay trở lại đây lần nữa vào năm mới. Nhà cách trung tâm thành phố hơn 10km, vì vậy chị đã phải chuẩn bị đồ cúng từ đêm hôm trước, và di chuyển hơn 40 phút sau khi giao thừa qua 0h.
"Mình chỉ cầu mong may mắn cho mọi người chứ không riêng gì bản thân. Đến chùa luôn tạo cho mình cảm giác thong thả, vì vậy đây là hoạt động luôn duy trì mỗi năm", chị Yến nói.
Ghi nhận của phóng viên báo Dân trí , 1h ngày 10/2 (tức mùng 1 Âm lịch) hàng nghìn người dân TPHCM đã đổ về các ngôi chùa nổi tiếng của thành phố như Vĩnh Nghiêm (quận 3), Pháp Hoa (quận 3), Nam Quốc Tự (quận 10) … Bên cạnh nghi thức dâng hương, cúng dường truyền thống, nhiều người đã đánh chuông, xin quẻ với mong muốn cầu bình an, sức khỏe cho một năm mới.
Trong khuôn viên của chùa luôn chật kín người, không còn chỗ trống. Thế nhưng với quy định từ trước, người dân luôn xếp hàng ngay ngắn, không để tình trạng kẹt xe gây ảnh hưởng đến giao thông. Đồng thời, nhằm giảm thiểu nhang khói, các phật tử liên tục túc trực để rút hương, giúp người dân có thể vãn cảnh chùa một cách thoải mái và hoàn thành các thủ tục cần thiết.
Anh Văn ((37 tuổi, ngụ quận 10) chia sẻ, gần 20 năm anh luôn giữ thói quen đến chùa cầu phúc vào mỗi đêm giao thừa. Sau khi dâng hương tại chùa Pháp Hoa, anh sẽ tiếp tục di chuyển đến chùa Nam Quốc Tự và trở về nhà sau hơn 2h. Theo anh, hoạt động đi chùa không phải là để mong mỏi mọi việc sẽ trở nên may mắn, mà bản thân phải có lòng tin và thực hiện theo lời Phật dạy.
"Mình đến vào thời điểm này để được chứng nhận lòng thành, ngoài ra bản thân cũng cố gắng rất nhiều. So với mọi năm thì năm nay người dân đổ về các chùa lớn có phần đông đúc hơn", anh Văn cười kể.