Người trai xứ Huế trên đất Lâm Đồng

Từng là Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng rồi hiện nay là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam ở tỉnh Lâm Đồng nhưng trước đó, từ năm 1981, ông đã đi làm báo. Và cho đến giờ, khi đã nghỉ hưu, vẫn say sưa viết báo, làm thơ.

Gặp Nhà thơ Trần Ngọc Trác vừa dễ lại vừa khó, ông bận thì đương nhiên rồi nhưng bản tính lại không chịu ngồi yên một chỗ. Đấy, sáng nay ông đến Nhà sáng tác Đà Lạt chơi với chúng tôi, chỉ kịp uống vội ly cà phê đen là ông nhà thơ khoác chiếc ba lô màu đen lên rồi chào, ông hẹn chiều tối sẽ gặp lại.

Nhà thơ nữ Trần Hoàng Vũ Nguyên nhìn hút bóng ông nói: “Đến Đà Lạt các anh muốn hỏi gì về Lâm Đồng nói chung, về Đà Lạt nói riêng thì cứ gặp Trần Ngọc Trác. Ông được mọi người quý mến gọi là “Nhà Đà Lạt học” đấy ạ. Bữa nay chắc ảnh đi cơ sở lấy tư liệu. Ở Đà Lạt này có nhiều chuyện ngay đến người Đà Lạt cũng chưa biết. Vậy mà hỏi Trần Ngọc Trác là ra liền”.

Nhà thơ Trần Ngọc Trác.

Nhà thơ Trần Ngọc Trác.

Sinh năm 1958, năm 1979 tốt nghiệp khoa trồng trọt Trường Nông nghiệp Huế, chàng cán bộ kỹ thuật nông nghiệp trẻ Trần Ngọc Trác rời quê hương xứ Huế để vào Lâm Đồng công tác. Nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên ghé tai tôi nói nhỏ: “Đã thế sau khi cưới vợ ảnh còn “lôi” luôn cô gái cùng quê xứ Huế vô luôn. Hai anh chị giờ thành người Lâm Đồng thứ thiệt rồi”.

Ban đầu, anh chàng cán bộ kỹ thuật nông nghiệp Trần Ngọc Trác được phân công về công tác tại Nông trường quốc doanh Hà Lâm ở huyện Đạ Tẻh. Ông Trần Ngọc Trác cho tôi hay: “Trong tiếng Kho thì Đạ có nghĩa là nước anh ạ”. Nghe ông nói vậy, tôi sực nhớ ra dạo lên Đắk Lắk cũng được nghe nhắc tới nước qua tên địa danh và qua câu chuyện hằng ngày, nước đối với người bản địa trên cao nguyên thì luôn là điều quan tâm và trân quý.

Cho tới đầu năm 1981, Báo Lâm Đồng về tận nông trường kéo Trần Ngọc Trác lên Đà Lạt làm báo. Trần Ngọc Trác trở thành nhà báo của Báo Lâm Đồng. Gần hai năm công tác ở Báo Lâm Đồng, gặp thời kỳ Đà Lạt khó khăn, anh tình nguyện về vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng làm phóng viên, biên tập cho Đài Truyền thanh của vùng, trở thành cây bút chủ lực của Đài, kiêm luôn “phát thanh viên” giọng Huế. Chính những năm tháng sống và công tác ở vùng Kinh tế mới Hà Nội và huyện Lâm Hà đã giúp nhà báo trẻ Trần Ngọc Trác tích lũy được nhiều kiến thức văn hóa xã hội bản địa và học hỏi được nhiều điều bổ ích từ các “nguồn” văn hóa mới.

Thực ra Trần Ngọc Trác đã làm thơ viết báo từ khá sớm, dường như “cái máu văn chương” đã ngấm vào ông từ lâu lắm rồi, khi ông đang còn ngồi trên ghế nhà trường của Trường Trung học Hàm Nghi - Huế. Ông thành lập bút nhóm “Hương tình” quy tụ 8 gương mặt làm thơ ở Huế, do ông làm chủ bút. Nhưng phải cho đến khi ông theo học khóa 1 Đại học Đà Lạt ngành Ngữ văn (1986 - 1991), rồi Đại học Báo chí thì “nguồn lực” văn học và báo chí trong ông mới “cuồn cuộn”. Ông đã xuất bản 22 đầu sách, bao gồm 7 tập thơ, 1 tập ca khúc phổ thơ của ông, ký, hồi ký, ghi chép và sách nghiên cứu.

Nhà thơ Trần Ngọc Trác hào hứng kể cho tôi nghe chuyện hồi ông còn công tác ở Đài Truyền thanh kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Ông bảo: “Tôi có nghe phong thanh nói rằng ở khu phố Ba Đình thuộc thị trấn Nam Ban có nhà thơ Quang Dũng. Thế là tôi tìm đến thăm ông” (nhà thơ Quang Dũng vào Lâm Hà thăm cô con gái Bùi Phương Hà đang công tác ở đó). Và từ cuộc gặp gỡ với nhà thơ Quang Dũng mà sau này Trần Ngọc Trác đã viết thành tác phẩm “Nhà thơ Quang Dũng từ Tây Tiến đến Tây Nguyên”.

Cuối năm 1986, sau khi vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng tròn 10 năm thành lập và hợp nhất với 5 xã của huyện Đức Trọng thành huyện mới Lâm Hà (là tên ghép Lâm Đồng và Hà Nội), thì ông được Tỉnh đoàn Lâm Đồng mời về làm số Báo xuân Tuổi trẻ Lâm Đồng và đưa vào Ban biên tập của Báo. Gần hai năm sau, do kinh phí eo hẹp nên tờ Báo Tuổi trẻ Lâm Đồng giải tán, ông chuyển công tác về phòng biên tập văn nghệ của Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) Lâm Đồng.

Ông gắn bó với Đài PTTH Lâm Đồng suốt 20 năm với chức vụ Phó trưởng phòng Biên tập Văn nghệ của đài cho đến năm 2007. Đó cũng là năm ông được Đại hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh Lâm Đồng bầu vào chức danh Chủ tịch Hội. Ông đảm đương chức vụ Chủ tịch gần trọn một nhiệm kỳ thì xin nghỉ hưu trước tuổi. Tôi hỏi vui: “Sao anh không giữ chức Chủ tịch ấy?”. Nhà thơ Trần Ngọc Trác cười cho biết: “Một nhiệm kỳ đủ để mình trải nghiệm. Phần nữa, lâu nay, tôi là người thích đi đây đi đó để nghe và ghi chép tài liệu. Máu của tôi là muốn được nghe, được biết và quan trọng là được viết anh à”.

Một số tác phẩm của nhà thơ Trần Ngọc Trác.

Một số tác phẩm của nhà thơ Trần Ngọc Trác.

Nói về thơ và chuyện Đà Lạt, chuyện Lâm Đồng với Trần Ngọc Trác thì cả ngày cũng không hết. Đúng là chuyện gì ở xứ mù sương này ông cũng tìm đến tận nơi để biết cho bằng được. Biết rồi thì thể hiện bằng thơ. Biết rồi thì viết báo, viết nghiên cứu và viết còn để làm phim tài liệu nữa. Những bộ phim tài liệu truyền hình mà ông đã làm thì đều cho thấy “Ông một lòng một tâm nói về mảnh đất được chính ông coi là quê hương thứ hai của mình”.

Trong 33 tập phim tài liệu ký sự mà ông đã làm với VTV thì có tới 12 tập có tên là “Đà Lạt ký”. Điều đó chứng tỏ ông rất gắn bó với mảnh đất Lâm Đồng nói chung, với thành phố Đà Lạt nói riêng. Nhà thơ Trần Ngọc Trác kể cho tôi nghe tên một số phim tài liệu về Đà Lạt mà ông rất tâm đắc như: “Langbiang xứ sở ngàn hoa”; “Một người lính làm nên huyền thoại”; “Hương sắc Lâm Đồng”; cùng với series ký sự “Chuyện cũ Đà Lạt” (7 tập) và nhất là series ký sự “Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du” (5 tập).

Rồi series ký sự “Kỳ nhân xứ sương mù”, phim có 9 tập nói về những “con người kỳ lạ” từng gắn bó với mảnh đất Đà Lạt, làm nên hình hài Đà Lạt dưới một góc nhìn tích cực. Ví dụ, như nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, kiến trúc sư Đặng Việt Nga với “Ngôi nhà kỳ dị”, nhà sư Viên Như, Thích Huệ Đăng, kiến trúc sư Lữ Trúc Phương với “Ngôi nhà trăm mái; “Đường lên trăng”; Doanh nhân Trịnh Bá Dũng với “Đường hầm kiến trúc Đà Lạt” bằng đất sét; Với Mã Xuân Giang của quán cà phê nổi tiếng “Cung tơ chiều”; Người yêu rừng cuồng nhiệt, doanh nhân, trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc và nhiếp ảnh gia MPK “Phước Khùng” …

Tôi nhắc đến những tác phẩm và những con người Đà Lạt để muốn nói rằng: Nhà thơ Trần Ngọc Trác là người luôn không nói về mình. Ông dành tình cảm và sự trân quý để nói về những anh em văn nghệ sĩ Đà Lạt bởi họ đã cùng làm nên những giá trị văn hóa cho mảnh đất đẹp như hoa này. Trần Ngọc Trác cho dù viết ký hay làm phim tài liệu thì ông vẫn là một nhà thơ của xứ hoa đào. Với 7 tập thơ đã in, dù chưa phải là nhiều, nhưng cũng đủ để hồn thơ Trần Ngọc Trác chạm tới trái tim của người dân cao nguyên Lâm Viên, chạm tới trái tim người đọc cả nước. Tôi xin lấy tập thơ “Khuôn trăng” NXB Hội Nhà văn Việt Nam in năm 2007, để làm ví dụ.

Đánh giá về tập thơ này và về thơ Trần Ngọc Trác, Báo Giáo dục thời đại số ra ngày 5/8/2007, đã viết: “Thơ Trần Ngọc Trác chân tình, đằm thắm, đẹp như một thiếu nữ duyên dáng nhưng lại mang sự mạnh mẽ, khoáng đạt của chàng trai vùng đất lửa cao nguyên. Nhưng hơn cả, đó là ân tình với cuộc sống và tấm lòng trải rộng trước cuộc đời và con người”.

Với thơ, nhà thơ Trần Ngọc Trác không chỉ trải lòng mình với cuộc đời mà còn dẫn dắt người đọc đi vào những miền xa xôi, trầm lắng ký ức và làm thức dậy những điều ân nghĩa. Ông đã viết: “Vỡ vạc/ những cánh đồng/ lạnh lùng mùa đông thành mùa hạ/ vỡ vạc/ những dung nhan tàn úa/ khơi lên những khát khao sáng lóa” (Người đàn bà trầm như đá).

Nhà thơ Trần Ngọc Trác đúng như đã hẹn, chiều tối ông mướt mải đến quán cà phê Mot trên đường Hùng Vương, TP Đà Lạt, để trò chuyện với chúng tôi. Lại nâng ly cà phê lên, Trần Ngọc Trác uống vội để còn kịp kể cho chúng tôi nghe những điều mới lạ về thành phố “quê hương thứ hai” của mình.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nguoi-trai-xu-hue-tren-dat-lam-dong-i740685/