Người trạm trưởng giữa mây trời, gió núi - Bài 1: Mình xuống núi thì người khác phải lên thay
LTS: Trạm Thông tin V65, Đại đội 8, Tiểu đoàn 88, Lữ đoàn 134, Binh chủng Thông tin liên lạc nằm trên đỉnh núi cao thuộc huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Quanh năm mây mù bao phủ, Trạm V65 nhìn tựa như một hòn đảo giữa biển mây trời mênh mông hùng vĩ... Trách nhiệm, tận tâm với nhiệm vụ, gần 16 năm bám Trạm, là gần 16 năm Thiếu tá QNCN Phạm Ngọc Thuấn, Trạm trưởng Trạm Thông tin V65, luôn phải đối diện và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ... để giữ vững 'cánh sóng' thông tin, góp phần cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Khi chúng tôi đề xuất với Trung tá Nguyễn Xuân Cường, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 134 muốn đến với cán bộ, chiến sĩ ở các tổ, trạm lẻ để nắm bắt và hiểu rõ hơn những cống hiến, hy sinh của họ, anh Cường trầm ngâm suy nghĩ và trả lời: Năm 2016, tôi nhận nhiệm vụ Chính trị viên phó Tiểu đoàn 88, Lữ đoàn 134, lần đầu tiên đi thăm, kiểm tra, động viên cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ở Trạm V65, tôi rất cảm phục anh Thuấn (Trạm trưởng) về tinh thần trách nhiệm, cống hiến...
“Trường Sa nhỏ” giữa lòng Hà Nội
Trung tá Nguyễn Xuân Cường chia sẻ với chúng tôi: Trạm V65, đóng quân độc lập, ở xa vị trí chỉ huy Đại đội, Tiểu đoàn trên đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ, có độ cao hơn 1.120m so với mặt nước biển. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, cán bộ, chiến sĩ bám Trạm phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Ví như, vào mùa đông, cán bộ, nhân vichiến sĩ thường phải cõng nước sạch lên Trạm để phục vụ sinh hoạt... Trong đó, khó khăn nhất phải đối mặt là sự cô đơn luôn đeo bám hằng ngày. Chính vì những khó khăn, thiếu thốn như vậy nên cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn thường vui gọi Trạm V65 là “Trường Sa nhỏ giữa lòng Hà Nội”.
Chuyện Trung tá Nguyễn Xuân Cường kể, khiến mọi người thêm háo hức, tò mò đến thăm Trạm V65. Được sự nhất trí của chỉ huy đơn vị, tôi nhanh chóng khoác ba lô lên với cán bộ, chiến sĩ trên “đảo”.
Con đường đưa chúng tôi lên đỉnh núi, đến với cán bộ, chiến sĩ Trạm V65 dốc cao, khúc khuỷu. Dù đã là giữa mùa hè, dưới chân núi nóng như thiêu như đốt, nhưng càng lên cao, không khí trên núi càng mát mẻ. Có những đoạn mây mù kéo ra đặc quánh cản đường. Đưa ánh mắt nhìn sâu vào làn mây mù, Trung tá Nguyễn Xuân Cường kể chuyện để “giảm áp lực” tâm lý cho chúng tôi: Tuần nào, cán bộ của Trạm cũng phải đi xe gần 20km để đi chợ. Mua lương thực, thực phẩm dự trữ và những đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt trên Trạm. Có những lần cao điểm, như khi Lữ đoàn mở rộng đường lên Trạm, thì ngày nào cán bộ, nhân viên của Trạm cũng phải lên xuống đi chợ để nấu ăn cho cán bộ, chiến sĩ tham gia làm đường...
Đi lại trên đường xe chạy tưởng chừng đã vất vả, nhưng muốn lên Trạm, chúng tôi còn phải trải qua thử thách leo núi đường bộ. Xe vừa dừng, chúng tôi đã được Thiếu tá QNCN Phạm Ngọc Thuấn chào đón với nụ cười rạng rỡ. Khác với chúng tôi nghĩ về một cán bộ tầm vóc, mạnh mẽ mới có thể gồng gánh những khó khăn trong cuộc sống để bám Trạm, thì anh lại có dáng người mảnh khảnh, nhỏ bé. Duy chỉ có đôi mắt sáng và gương mặt rắn rỏi là điều chúng tôi mường tượng đúng về anh. Thấy mọi người đưa mắt ái ngại nhìn con đường mòn với gần 400 bậc thang cao vút, luồn sâu dưới tán cây rừng âm u. Anh Thuấn mỉm cười: “Nhìn thế thôi, nhưng leo một lúc là quen ngay, ngày nào tôi cũng đi lên đi xuống vài lần. Có lần, hai tay phải vác hai can nước, mỗi can 20 lít lên Trạm để lấy nước ăn, uống. Mùa này còn đỡ, khổ nhất là vào mùa đông, những thanh lan can sắt lạnh như tảng nước đá, bám vào là cóng đôi bàn tay”.
Hít một hơi thở sâu, chúng tôi vừa bắt chuyện với anh, vừa theo chân bước trên những viên đá tảng lớn xếp thành bậc thang to, nhỏ, cao, thấp khác nhau. Mùa mưa nên các tảng đá mọc rêu khiến tôi trượt chân ngã. Vừa đỡ tôi đứng dậy, anh Thuấn mỉm cười chia sẻ: "Chúng tôi leo quen mà nhiều khi cũng bị trượt chân. Năm 2008, khi tôi mới nhận nhiệm vụ ở Trạm, đường lên chỉ rộng bằng một nửa đường bây giờ, mỗi lần lên xuống là cũng sợ ngã lắm, nhiều chỗ bậc cao phải ngồi bệt để đưa chân xuống. Được sự quan tâm của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn, năm 2019 đã cho mở rộng đường lên Trạm để đỡ vất vả và nguy hiểm hơn".
Càng leo bậc thang, hơi thở của chúng tôi càng nặng nề phá tan sự tĩnh lặng của rừng già bao phủ. Gần 6.000 ngày đêm gắn bó với Trạm, anh Thuấn đã đi lên xuống bậc thang hàng chục nghìn lượt. Có nhiều chỗ, viên đá nhẵn nhụi và giờ thêm sáng bóng bởi đôi bàn chân của anh và nhân viên, chiến sĩ của Trạm và giờ là đến đôi bàn chân tôi đặt vào đó. Cũng phải mất vài lần nghỉ để dưỡng sức, chúng tôi đã chinh phục được điểm cao cần đến. Hít một hơi thở sâu, nhìn xuống thung lũng bao phủ mây trắng với bậc thang dốc đứng, chúng tôi càng hiểu vì sao Trạm V65 lại được ví là “Trường Sa nhỏ giữa lòng Hà Nội”.
Như xương rồng bám núi
Quang cảnh xung quanh Trạm được cán bộ, nhân viên, chiến sĩ dọn dẹp sạch, đẹp. Ngoài những cây rừng che phủ sườn núi, ngay ở giữa sân bê-tông trên đỉnh, có những cây xương rồng to, như những lưỡi lê vươn sừng sững giữa trời xanh. Cây xương rồng gắn bó với anh Thuấn từ ngày đầu lên Trạm. Hàng nghìn ngày gắn bó với nhau, cây xương rồng trở thành người bạn thân thiết, chứng kiến và chia sẻ những vui buồn với người cán bộ trên đỉnh Tản Viên. “Khi tôi lên đây, cây mới cao hơn đầu người một chút, giờ thì cao đến 6-7m rồi. Mỗi khi gặp khó khăn, nhìn cây xương rồng vươn mình từ nền bê tông, tôi lại tự động viên phải trấn tĩnh, từ từ tìm biện pháp giải quyết khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ và niềm tin của cấp trên giao phó”, anh Thuấn nói.
Thiếu tá QNCN Phạm Ngọc Thuấn quê ở Kiến Xương, Thái Bình, nhập ngũ tháng 3-1997. Hồi đó, sau khi nghe xong nguyện vọng của con, bố anh-bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 chỉ nhắc nhở: “Con vào bộ đội thì phải rèn luyện, học tập tốt, có khó khăn thì đã có gia đình cùng gánh vác, đừng làm ảnh hưởng đến truyền thống của gia đình...”. Vâng lời bố, trong thời gian quân ngũ, anh luôn là quân nhân cần mẫn, trách nhiệm với nhiệm vụ. Hơn thế nữa, với ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ, anh đã phấn đấu học và thi đỗ Trường Trung cấp Kỹ thuật thông tin. Ngày 23-8-2001, anh được phong quân hàm Thiếu úy QNCN để phục vụ lâu dài trong Quân đội. Trải qua nhiều vị trí công tác, tháng 11-2007, anh được điều động từ miền Nam về Trạm V65 để gần với gia đình hơn.
“Bao lâu anh mới được nghỉ phép tranh thủ về thăm gia đình?”-tôi hỏi.
“Tuy cách nhà gần 50km và được thủ trưởng đơn vị rất quan tâm, tạo điều kiện về phép, tranh thủ, nhưng có thời điểm ví như đợt dịch Covid-19 vừa qua thì phải vài tháng tôi mới được về thăm nhà. Tôi an tâm công tác ở Trạm cũng là nhờ một phần gia đình nội, ngoại quan tâm giúp đỡ và vợ tôi-Lê Ngọc Mai, bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đã một tay quán xuyến tốt việc nhà và chăm sóc, dạy bảo các con...”, anh Thuấn cho biết.
Nhắc đến chị Mai, giọng anh Thuấn đầy phấn khởi và tự hào. Anh chị quen nhau khi chị còn là công nhân Nhà máy Sợi Nha Trang. Bằng tình yêu, sự quan tâm... anh đã động viên và giúp chị thực hiện ước mơ tiếp tục hành trình tri thức và trở thành bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Thấu hiểu nhiệm vụ của chồng, chị Mai luôn là hậu phương vững chắc để chồng an tâm tư tưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó phải kể đến hai lần sinh nở, chị đều phải vượt cạn một mình, lần đầu do anh Thuấn đang công tác ở miền Nam không ra được; còn lần thứ hai, anh đang công tác tại Trạm V65, nhưng mãi gần 2 giờ sáng mới nhận được tin, và đến sáng hôm sau đến viện thì đã “mẹ tròn con vuông”. Dù vậy, nhưng chị chưa một lời trách móc anh mà luôn nhìn chồng bằng ánh mắt hạnh phúc. Anh Thuấn chia sẻ: "Tuy đã quen cuộc sống ở Trạm, nhưng nhiều khi tôi cũng bị áp lực tâm lý. Nhất là thời điểm cả nước vào cao điểm bùng phát dịch Covid-19, tôi thì phải bám Trạm 24/24; vợ tôi cũng ngày đêm túc trực ở Bệnh viện để cứu người. Lúc đó ở nhà chỉ còn hai con gái (sinh năm 2007, 2013), tự chăm sóc nhau... Rất may, gia đình đã kịp thời lắp camera để quan sát và chỉ bảo các cháu trong ăn uống, học tập, sinh hoạt. Ngày ngày thấy các con nghe lời, ngoan ngoãn, chăm chỉ và tự lập nên vợ chồng tôi cũng an tâm tư tưởng, động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ".
“Gần 16 năm bám Trạm, có khi nào anh nghĩ mình cần xuống núi để có điều kiện dành nhiều thời gian hơn cho gia đình không?”-tôi hỏi.
“Mình xuống thì có đồng đội phải lên thay. Dù sao gia đình, người thân cũng thông cảm, ủng hộ và quen với công việc của mình phải làm nên dù gì cũng có điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ hơn các đồng chí khác. Cho nên, tôi luôn sẵn sàng gắn bó với Trạm và cố gắng tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên tin tưởng giao phó”, anh Thuấn bộc bạch.
Bài và ảnh: VIỆT HÀ - ANH MINH
(còn nữa)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự - Điều tra xem các tin, bài liên quan.