Người trăn trở với nông sản quê hương

Là người con sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất Gio An anh hùng mà nhạc sĩ Huy Thục đã nhắc tới trong ca khúc để đời 'Tiếng đàn Ta lư' vào năm 1968, Lê Phước Hiếu hiện đang là Phó Chủ tịch UBND xã Gio An. Anh là người luôn trăn trở với nông sản quê hương, có thể say sưa kể về thành phần dinh dưỡng, tác dụng chữa bệnh của hạt tiêu, củ nghệ hay những hoạch định để phát triển, xây dựng thương hiệu cho nông sản, giúp người nông dân quê anh có cuộc sống ổn định hơn…

 Anh Hiếu tại vườn sâm Bố Chính

Anh Hiếu tại vườn sâm Bố Chính

Anh Lê Phước Hiếu từng kinh qua vị trí Phó Công an xã, Trưởng Công an xã và từ năm 2015 đến nay là Phó Chủ tịch UBND xã Gio An. Có thể nói, anh là người văn võ song toàn khi có trong tay 2 tấm bằng cử nhân Luật và Quản trị kinh doanh. Ngoài ra, anh còn là võ sư Karate-Do Huyền đai Đệ Tam đẳng. Tháng 2/2005, anh bắt đầu dạy võ cho các em nhỏ ở độ tuổi thanh thiếu niên trong vùng và đến nay đã đào tạo được khoảng 600 võ sinh.

Người góp phần đưa nông sản Gio An ra thị trường lớn

Gio An là vùng trung du gò đồi với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 2.000 ha, trong đó diện tích trồng cây công nghiệp dài ngày gần 1.000 ha, diện tích còn lại trồng cây công nghiệp ngắn ngày và các loại cây khác. Ngoài các loại cây truyền thống, cây nghệ vàng đã được trồng ở Gio An từ rất lâu, nhưng phải đến những năm gần đây, người dân mới trồng đại trà loại cây này. Và người góp công sức trong việc mở rộng diện tích, phát triển sản phẩm tinh bột nghệ cung ứng ra thị trường là anh Hiếu. “Trước đó, nghệ vàng Gio An chưa được chú trọng đến chất lượng và chưa có nhãn mác, thương hiệu. Năm 2016, tôi lập đề án rồi đem toàn bộ hồ sơ vào Đông Hà để trình bày ý tưởng và vay vốn từ dự án KOICA. Thật may mắn khi đề án phát triển cây nghệ của tôi được hội đồng thẩm định của dự án KOICA xét duyệt và hỗ trợ cho vay 900 triệu đồng. Với số tiền này, 35 hộ dân trong xã có nguồn vốn để phát triển vùng nguyên liệu nghệ trên diện tích 30 ha. Đây là nguồn vốn hoàn lại 100%”, anh Hiếu nhớ lại.

Tiếp đó, vào tháng 5/2017, anh Hiếu phối hợp với 4 chị trong Hội Phụ nữ xã mở xưởng sản xuất tinh bột nghệ, đăng kí nhãn mác “Nghệ Gio An”. Mỗi năm, xưởng sản xuất được khoảng 3 tấn tinh bột nghệ. Sản phẩm đã có chỗ đứng ổn định tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2018 vừa qua, sản phẩm nghệ Gio An được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2018. “Hiện nay, toàn xã có khoảng 120 ha nghệ vàng với gần 200 hộ sản xuất tinh bột nghệ. Xã đang phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện tiến hành đăng kí thương hiệu tinh bột nghệ Gio An và tiến tới thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất nghệ hữu cơ”, Hiếu nói.

 Hiếu luôn trăn trở với nông sản quê hương

Hiếu luôn trăn trở với nông sản quê hương

Cũng trong năm 2016, anh Hiếu tiếp tục làm đề án vay vốn từ dự án KOICA và trải qua 6 vòng thẩm định gắt gao, anh Hiếu mang về trên 986 triệu đồng cho người dân Gio An phát triển cây rau liệt (xà lách xoong). Khi có nguồn vốn từ dự án KOICA hỗ trợ, anh Hiếu tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thành lập tổ hợp tác nông sản an toàn Hảo Sơn. Từ đây, người dân tuân thủ theo quy trình sản xuất rau sạch, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Tổ hợp tác này gồm có 20 hộ tham gia do chi hội trưởng phụ nữ thôn Hảo Sơn Võ Thị Xuân làm tổ trưởng. Nay, tổ hợp tác đã phát triển thành Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hảo Sơn. Ngoài cung ứng cho thị trường truyền thống tỉnh Thừa Thiên - Huế, siêu thị Co.opmark Quảng Trị và một số cửa hàng rau sạch trong tỉnh thì rau liệt Gio An hiện đã mở rộng thị trường vào Đà Nẵng.

“Rau liệt Gio An đã được đăng kí bảo hộ thương hiệu “Xà lách xoong Gio An vì sức khỏe cộng đồng” từ năm 2014. Nay rau liệt Gio An ngày càng được nhiều nơi biết đến. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục xúc tiến hoàn thành các giấy chứng nhận các tiêu chuẩn cần thiết và tìm kiếm nguồn liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài giúp người dân yên tâm canh tác”, anh Hiếu chia sẻ. Dẫn tôi xuống ruộng rau liệt xanh tốt nơi giếng Tép, anh Hiếu nói thêm, hiện tại, giá cả rau liệt vẫn ổn định với 5 ngàn đồng/bó (450 gam). Trung bình một năm, người dân thu được từ 3-5 tỉ đồng từ rau liệt, tùy thời tiết.

Cách đây chưa lâu, người dân xã Gio An nói riêng và huyện Gio Linh nói chung ai cũng phấn khởi vui mừng vì 18,2 tấn hồ tiêu hữu cơ Gio An đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ được bán cho Công ty Organics More để lên đường xuất ngoại sang châu Âu trong niên vụ 2018.

“Khoảng giữa năm 2016, qua bạn bè, tôi biết thông tin về Công ty Organics More, trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi chủ động liên lạc, trao đổi thông tin và sau đó ít lâu ông Vũ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty trực tiếp ra Gio An để đích thân khảo sát năng suất, sản lượng và chất lượng hồ tiêu trên diện tích 100 ha của xã”, anh Hiếu kể với tôi về cơ duyên cho hồ tiêu Gio An xuất ngoại. Sau khi khảo sát, Công ty Organics More và xã Gio An tiến hành trồng thí điểm và quản lí sản xuất hồ tiêu theo phương pháp hữu cơ tại 135/900 hộ trồng hồ tiêu của xã với tổng diện tích 64 ha. Sau thời gian tập huấn, đánh giá lại, có 62,6 ha được đưa vào quản lí sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ bền vững.

“Toàn xã hiện có 900 hộ dân trồng tiêu với tổng diện tích hơn 90 ha. Công ty Organics More chuyển giao kĩ thuật, công nghệ và đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân nên không còn phải thấp thỏm lo âu chuyện được mùa mất giá được giá mất mùa nữa. Năm nay, Gio An dự kiến sẽ xuất đi châu Âu 30 tấn tiêu hữu cơ”, anh Hiếu tự tin khoe với tôi.

Đưa sâm Bố Chính về Quảng Trị

Cuối tháng 5/2019, trong chuyến công tác kiểm tra mô hình thực nghiệm trồng sâm Bố Chính trên diện tích 3 ha ở thôn An Nha, xã Gio An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính cho biết, mặc dù mới trồng thí điểm nhưng hiện nay cây sâm Bố Chính đang sinh trưởng, phát triển rất tốt và hứa hẹn sẽ cho năng suất cao. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Gio Linh cùng với các ngành chức năng theo dõi để tổ chức tổng kết, đánh giá, nếu cây sâm Bố Chính mang hiệu quả kinh tế cao thì cần nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

 Nụ cười hạnh phúc của người dân trồng rau liệt ở thôn Hảo Sơn

Nụ cười hạnh phúc của người dân trồng rau liệt ở thôn Hảo Sơn

Mô hình sâm Bố Chính do anh Hiếu cùng 2 người bạn khác liên kết với Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm, trụ sở tại Quảng Bình trồng thí điểm với số vốn ban đầu là 1,2 tỉ đồng. “Nhận thấy trong những năm qua nhiều cây trồng truyền thống ở Gio An không mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định nên tôi quyết tâm tìm giống cây mới để trồng thử. Qua nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, tôi quyết định trồng cây sâm Bố Chính. Nếu đáp ứng đủ các yếu tố thì cây này cho thu hoạch trong 1 năm, lãi được 100 - 200 triệu/ha. Sau năm đầu kiến thiết cơ bản sẽ lãi khoảng 300 triệu/ha”, anh Hiếu kể về quyết định táo bạo của mình vì đây là mô hình trồng sâm Bố Chính quy mô đầu tiên tại Quảng Trị.

“Ban đầu, tôi ra tận Quảng Bình để học tập kinh nghiệm trồng rồi sau đó tự học thêm. Xác định là nếu thành công thì sẽ nhân rộng để người dân trồng, còn nếu thất bại thì mình có thêm một bài học quý giá”, anh Hiếu nói. Nay vườn sâm Bố Chính đã trồng được 6 tháng, cây phát triển tốt, cho củ to, tỉ lệ sống đạt trên 90%. Sau khi thu hoạch, 90% sâm củ sẽ được Công ty Tuệ Lâm thu mua.

Anh Hiếu chia sẻ rằng, anh đang kết nối với bạn bè ở Thành phố Hồ Chí Minh và 1 một số doanh nhân trong tỉnh để sản xuất các sản phẩm từ sâm Bố Chính như rượu sâm, sâm sấy khô, bột sâm, kẹo sâm, nước giải khát làm từ sâm… Riêng rượu sâm Bố Chính đã sản xuất và bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong tương lai không xa, nếu sâm Bố Chính được trồng đại trà thì sẽ liên kết mô hình trồng sâm Bố Chính với hệ thống giếng cổ Gio An để xây dựng tour du lịch kết hợp tham quan cảnh quan, nghỉ dưỡng.

Tin rằng, với niềm đam mê và nỗi trăn trở với nông sản quê hương, anh Hiếu sẽ thành công với những dự định, kế hoạch sắp tới, để nông sản, du lịch Gio An sẽ ngày càng phát triển, vươn xa.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=142477