Người trẻ bước qua 'khủng hoảng tuổi 22': Vừa làm, vừa chơi nhưng vẫn tạo ra giá trị
Có người gắng gượng duy trì, có người đã làm chủ ở những công việc mới nhưng quan trọng là bạn cảm thấy vui vẻ với cuộc sống của chính mình.
H.B là một người sếp trẻ với 6 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực marketing của một tập đoàn truyền thông và quảng cáo lớn tại TP.HCM. Một công việc tốt, vị trí đáng mơ ước, thu nhập cao hóa ra không làm H.B vui vẻ bằng tự chủ cuộc sống của mình. Tản mạn về 6 năm làm nghề của H.B trở thành một câu chuyện chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ vừa ra trường và bước vào giai đoạn “khủng hoảng tuổi 22”.
“Gần đây, mình nghe nhiều tin tức về những người trẻ đột quỵ và ra đi, họ cũng tầm tuổi mình. Có người đang ở đỉnh cao sự nghiệp có người không nhưng họ đều trẻ. Khi mình nghe những tin đó, mình đều thẫn thờ một lúc. Vậy nên mình muốn viết một chút gì đó, để những người ở gần mình, làm cùng mình, có thể cùng nhau thu xếp công việc, để cuộc sống thật sự là cuộc sống hạnh phúc và mình tạo ra giá trị từ công việc mình yêu thích”, H.B mở đầu.
Thời điểm mới bắt đầu đi làm sẽ vắt kiệt sức người trẻ?
Mình đi làm hơn 7 năm, thì 3 năm đầu tiên là những năm mình đi làm một cách mê muội. Lúc đó dù chẳng ai ép nhưng mình thức dậy lúc 6 giờ sáng, ở công ty lúc 6 giờ 30 và ra khỏi công ty lúc 11 giờ.
Từ năm thứ tư thì mình bắt đầu có team và mình trở thành 1 người sếp tham công tiếc việc. Mình nhớ mãi sau này khi mình nói chuyện với nhân viên cũ, em ấy nói lúc đó 2h sáng em gửi mail mà chị còn trả lời. Khi mình hăng say với thành tích, đôi lúc là chút ảo tưởng về bản thân thì nhà mình có chuyện. Sau đó một nhân sự của mình bị ốm nặng, phải nghỉ 6 tháng...
Từ đây mình nghiệm lại rốt cuộc thì sau 5 năm mình vẫn hối hả, mọi người xung quanh mình vẫn gấp gáp trong vòng xoay công việc. Mình bỏ lỡ gia đình còn em nhân viên vì công việc mà bỏ lỡ sức khỏe.
Nâng cấp bản thân từ những điều đơn giản nhất
Từ một người bạn, mình bắt đầu nghĩ đến việc hoàn thiện những gì mình còn yếu. Kể cả việc làm 1 người sếp tốt hay là 1 nhân viên làm việc tốt, thì mình bắt đầu cắt bớt thời gian làm việc ngoài giờ để tập trung làm nhiều điều khác giúp hoàn thiện bản thân mình hơn. Mình bắt đầu học ngoại ngữ, đi tập thể dục, đi du lịch, đi trải nghiệm những điều mình chưa từng nghĩ đến. Mình đã thử đi lặn, đi trekking, đi nhảy dù lượn, bắt đầu ra ở riêng, tự nấu ăn, nuôi mèo, và dành nhiều khoảng thời gian 1 mình để không làm gì cả.
Và rồi mình hiểu rằng không chỉ tập trung vào chuyên môn mới là làm việc, khi mình làm ít đi, quan sát nhiều hơn sẽ mở rộng tầm nhìn, cho mình nhiều hướng giải quyết. Mình biết thương mình hơn, lắng nghe cơ thể khi nào cần nghỉ ngơi.
Việc yêu thương bản thân giúp mình có cái nhìn thiện cảm và bao dung hơn với tất cả mọi người. Mình tôn trọng thời gian của mình nên mình cũng tôn trọng thời gian của người khác. Mình cố gắng ít làm phiền nhân sự ngoài giờ làm (và ngược lại), điều này khiến mọi người thoải mái hơn, nhiều năng lượng hơn khi bắt đầu một ngày mới.
Cân bằng để tìm niềm vui từ công việc
Nói thì nói vậy nhưng cũng có lúc mình bận phát khóc: ranh giới giữa “làm việc quá sức đến mất cân bằng” và “nỗ lực vượt qua giới hạn để tăng sức chịu đựng cho một trách nhiệm lớn hơn” rất mong manh.
Mình vẫn dành thời gian cân bằng bản thân nhưng không quá dài để mình lỡ nhịp công việc và cũng đủ để phục hồi về tinh thần, thể chất. Mình luôn cố gắng tranh thủ học thêm, đọc thêm và đặt thêm mục tiêu. Việc bạn hoàn thành những điều nhỏ bé sẽ giúp bạn có thêm động lực để thực hiện nhiều mục tiêu lớn hơn.
Mình hy vọng có thể giúp những người xung quanh mình “lớn lên”, biết cách cân bằng cuộc sống, vừa làm vừa chơi nhưng cũng tạo ra nhiều giá trị. Mong mọi người có thật nhiều thời gian, sức khỏe và nhiệt thành, để có thể hồn nhiên và vui vẻ với cuộc đời.