Người trẻ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp ngay sau khi ra trường

Tốt nghiệp đại học là cột mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi sinh viên. Trước đây, đại học luôn được coi là mục tiêu lớn của học sinh, mở ra cánh cửa đến những công việc mơ ước trong tương lai. Tuy nhiên, khi rời khỏi giảng đường, nhiều bạn trẻ lại phải đối mặt với một thử thách không nhỏ – thất nghiệp.

Cầm bằng cử nhân ra trường ... chạy grab, làm bồi bàn

Cầm tấm bằng trong tay, nhưng việc có tìm được công việc như mong muốn hay không vẫn là câu hỏi lớn với nhiều sinh viên vừa ra trường. Nguyễn Minh Quân (sinh năm 2001) đã tốt nghiệp hơn một năm chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Thương mại, vẫn đang loay hoay tìm kiếm công việc đúng ngành nghề. Quân chia sẻ: "Mỗi ngày mình đều gửi CV đến nhiều công ty và kiên nhẫn chờ đợi phản hồi. Tuy nhiên, tỷ lệ được gọi phỏng vấn rất thấp, và nếu có, mình thường bị loại vì thiếu kinh nghiệm". Hiện tại, Quân đang làm phục vụ tại một quán cà phê để trang trải cuộc sống trong khi tiếp tục tìm kiếm cơ hội phù hợp hơn.

Tư vấn, hướng nghiệp cho lao động trẻ. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Tư vấn, hướng nghiệp cho lao động trẻ. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Không chỉ là vấn đề tài chính, thất nghiệp còn tác động mạnh đến tâm lý. Lê Tuyết Minh, cử nhân ngành Quản trị khách sạn đang chịu áp lực tinh thần nặng nề khi chưa tìm được việc làm phù hợp với đúng chuyên môn. Mỗi khi gia đình hay bạn bè hỏi thăm về công việc, cô gái trẻ lại rơi vào trạng thái căng thẳng, mất ăn mất ngủ. Minh cho biết ngày nào cô cũng lùng sục tất cả các nguồn tin tuyển dụng với hy vọng sớm tìm được việc làm.

"Không chỉ áp lực về tài chính, mà tâm lý của mình cũng bị ảnh hưởng không ít. Mỗi khi gia đình hay bạn bè hỏi về công việc, mình cảm thấy vô cùng căng thẳng, nhiều đêm mất ngủ vì lo lắng. Dù đã cố gắng tìm kiếm việc làm thêm trên các trang tuyển dụng, nhưng việc tìm được một công việc đúng với chuyên môn dường như rất khó khăn. Mình chỉ mong sớm tìm được vị trí phù hợp để ổn định cuộc sống", Minh chia sẻ.

Hoàng Thị Thảo, sinh viên năm cuối chuyên ngành Kế toán, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, đã bắt đầu tìm kiếm việc làm trong ngành dù còn gần một năm nữa mới tốt nghiệp.

Thảo chia sẻ, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, công việc kế toán truyền thống đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế. Những nhiệm vụ lặp đi lặp lại và có tính chất cơ bản có thể dễ dàng được thực hiện bởi phần mềm và hệ thống tự động, khiến các doanh nghiệp cắt giảm nhân lực ở vị trí này.

“Nhà tuyển dụng thường ưu tiên những ứng viên có kinh nghiệm hoặc có thể đóng góp ngay từ những ngày đầu làm việc, điều này tạo ra rào cản lớn cho sinh viên mới ra trường,” Thảo cho biết.

Nhiều sinh viên cầm tấm bằng cử nhân ra trường nhưng vẫn chọn làm nghề không đúng với chuyên môn của bản thân. (Ảnh: NVCC)

Nhiều sinh viên cầm tấm bằng cử nhân ra trường nhưng vẫn chọn làm nghề không đúng với chuyên môn của bản thân. (Ảnh: NVCC)

Cô nàng cũng lo ngại về mức lương dành cho sinh viên mới tốt nghiệp, vốn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí công việc, quy mô doanh nghiệp, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế. Mức lương khởi điểm trung bình của kế toán viên mới vào nghề dao động từ 7 đến 8 triệu đồng – một con số mà theo Thảo là chưa đủ hấp dẫn, khó có thể đáp ứng mức sống tại các thành phố lớn như TPHCM.

Việc lựa chọn lối đi nghề nghiệp là điều mỗi cá nhân tự quyết định, nhưng hiện nay không ít sinh viên vẫn đang loay hoay tìm kiếm công việc đúng với đam mê, trong khi một số khác lại chấp nhận "nhảy nghề", chuyển sang những công việc không liên quan gì đến ngành học của mình.

Nguyễn Hoài Thu (sinh năm 2000), cựu sinh viên Học viện Tài chính, sau khi nghỉ công việc bàn giấy tại một công ty bất động sản, hiện đang kinh doanh online. Thu chia sẻ rằng công việc này không bị bó buộc thời gian, thu nhập khá ổn định: "Mỗi ngày mình live trực tiếp tư vấn và chốt đơn khoảng 4-5 tiếng, thu nhập hàng tháng khoảng 15 triệu đồng, vì thế mình đã quyết định gắn bó với công việc này", Thu cho biết.

Nhiều bạn trẻ sau khi ra trường lại lựa chọn trở thành tài xế công nghệ vì nghề này mang lại thu nhập cao dù vất vả. Trong khi đó, lương cơ bản cho người mới ra trường làm việc tại cơ quan nhà nước chỉ khoảng 3,4 đến 4,2 triệu đồng/tháng, theo hệ số 2,34. Sự chênh lệch thu nhập này khiến nhiều sinh viên không còn mặn mà với việc tìm kiếm việc làm đúng ngành mà chuyển sang chạy xe ôm công nghệ.

Bạn Nguyễn Văn Quốc chia sẻ dù đã tốt nghiệp gần một năm, nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với ngành học. Trong thời gian chờ đợi, Quốc tạm làm nghề xe ôm công nghệ để trang trải cuộc sống.

“Công việc này linh hoạt về thời gian, mình có thể làm khi rảnh rỗi, còn khi có lịch phỏng vấn thì chỉ cần tắt app nghỉ, không cần xin phép ai cả. Thu nhập cũng khá ổn, nếu chăm chỉ chạy xe, mình có thể kiếm được không dưới 10 triệu đồng mỗi tháng,” Quốc cho biết thêm. Chàng trai chia sẻ, chạy xe ôm công nghệ giúp mình có "tiền tươi thóc thật" ngay sau mỗi chuyến, đảm bảo nhu cầu chi tiêu hàng ngày.

Cần chủ động định hướng nghề nghiệp cho bản thân

Trao đổi về vấn đề việc làm cho tân cử nhân, chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Tuấn nhắn nhủ: “Mỗi sinh viên cần chủ động định hướng nghề nghiệp cho bản thân, dựa trên chính sự nỗ lực cá nhân. Để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt sau khi tốt nghiệp, điều đầu tiên là các bạn cần hiểu rõ và chọn ngành học phù hợp với bản thân. Việc chọn ngành không chỉ dựa trên sở thích và khả năng, mà còn phải xem xét đến nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành đó”

Các bạn có thể tham khảo ý kiến từ thầy cô, bạn bè hoặc tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh của các trường đại học. Trong suốt quá trình học, hãy không ngừng trau dồi kỹ năng và kiến thức, hoàn thiện bản thân" – chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp, cho rằng những tổ chức uy tín cung cấp dịch vụ hỗ trợ hướng nghiệp hiệu quả có thể giúp sinh viên tìm ra con đường thành công cho mình.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp cao đẳng là hơn 3% và cử nhân đại học là 2,8%, trong khi con số này ở trình độ trung cấp chỉ là 1,1%, còn với những người chưa từng đi học là 1,5%. Nhóm nghiên cứu cho rằng một phần nguyên nhân là do sinh viên có trình độ cao hơn thường mất nhiều thời gian hơn để tìm được công việc phù hợp với ngành học. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn ghi nhận sự thiếu hụt sinh viên thuộc nhóm chất lượng cao ở tất cả các cấp học.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nguoi-tre-doi-mat-voi-nguy-co-that-nghiep-ngay-sau-khi-ra-truong-post1669753.tpo