Người trẻ giữ lửa đậu bạc Định Công

Giữa nhịp sống đô thị hối hả, nơi những giá trị truyền thống dễ dàng bị lãng quên, ở làng Định Công, một thanh niên trẻ đã chọn gắn đời mình với nghề đậu bạc - một tinh hoa thủ công từng một thời rực rỡ trên đất Thăng Long, không chỉ để giữ lửa một nghề xưa, mà còn để thắp lên niềm tin rằng bản sắc văn hóa Việt có thể trường tồn nếu có thế hệ tiếp nối mang trong mình tình yêu đủ lớn.

Trong căn nhà nhỏ nơi góc làng Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội), tiếng lửa lách tách nơi lò nung, tiếng kim loại chạm khẽ vào nhau như những nhịp thở âm thầm của một nghề cổ xưa đang được hồi sinh. Ở đó, nghệ nhân trẻ Quách Tuấn Anh - một trong số rất ít người trẻ còn gắn bó với nghề đậu bạc, đang cần mẫn bên khối bạc nóng đỏ, kiên nhẫn nắn từng sợi chỉ bạc, uốn từng đường nét hoa văn với đôi mắt tập trung và đôi tay tinh xảo.

Người kể chuyện bằng kim loại quý

Sinh ra không trong gia đình có truyền thống làm nghề, Quách Tuấn Anh đến với đậu bạc như một mối nhân duyên. Ban đầu là sự tò mò trước những sản phẩm trang sức thủ công tinh xảo, sau là niềm đam mê lớn dần khi anh bước sâu hơn vào thế giới của nghề kim hoàn. Trải qua nhiều năm học hỏi và rèn luyện, anh trở thành một trong số ít nghệ nhân trẻ thành thạo các kỹ thuật đậu bạc truyền thống - nghề thủ công đã tồn tại hơn 1.400 năm tại làng Định Công.

Đậu bạc là nghề của sự nhẫn nại và tinh tế. Mỗi sản phẩm được hoàn thiện không chỉ đòi hỏi kỹ năng uốn sợi bạc thuần thục mà còn cần sự hiểu biết về vật lý, khả năng điều chỉnh nhiệt độ nung, kiểm soát độ giãn nở, cũng như con mắt thẩm mỹ và đôi bàn tay đầy kinh nghiệm. Một chi tiết sai lệch có thể khiến người thợ phải bắt đầu lại từ đầu.

Nghệ nhân đang cẩn thận đưa những sợi chỉ bạc vào khuôn (Ảnh: Phương Trang)

Nghệ nhân đang cẩn thận đưa những sợi chỉ bạc vào khuôn (Ảnh: Phương Trang)

Chính vì sự kỳ công ấy mà ngày nay, không dễ để tìm được người trẻ đủ đam mê và kiên nhẫn theo đuổi nghề. Quách Tuấn Anh thấu hiểu điều đó. Không chỉ làm nghề, anh còn mang trong mình trách nhiệm giữ gìn nghề và lan tỏa giá trị của nghề tới cộng đồng. “Làm nghề không chỉ để mưu sinh. Làm nghề là giữ một phần bản sắc, một phần hồn của văn hóa dân tộc,” anh chia sẻ.

Các sản phẩm được người thợ trau chuốt từng chút một (Ảnh: Phương Trang)

Các sản phẩm được người thợ trau chuốt từng chút một (Ảnh: Phương Trang)

Trăn trở trước thực trạng ngày càng ít người trẻ theo nghề, Tuấn Anh đã chủ động mở các lớp đào tạo miễn phí tại nhà, không giới hạn độ tuổi, sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ ai có niềm đam mê với thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, anh tổ chức các buổi workshop trải nghiệm làm đậu bạc cho người dân và khách du lịch, tạo cơ hội để công chúng tiếp cận gần hơn với nghề truyền thống, từ đó khơi gợi sự quan tâm, yêu thích và trân trọng đối với các sản phẩm thủ công.

Kiên trì trên hành trình giữ nghề

Dù có những chuyển biến tích cực, hành trình truyền nghề của anh Tuấn Anh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Lượng học viên trẻ đăng ký theo học nghề vẫn còn rất khiêm tốn. Phần lớn người học là người trưởng thành, học nghề để mở rộng kỹ năng cá nhân chứ chưa thật sự cam kết gắn bó lâu dài. Trong khi đó, các bạn trẻ, lực lượng cần thiết để duy trì và phát triển nghề lại chưa mặn mà với một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và thời gian dài để thành thạo.

Không nản lòng, anh tiếp tục kiên trì đăng tải thông tin về các lớp học, các buổi trải nghiệm nghề trên mạng xã hội, chủ động kết nối với các tổ chức du lịch, các trường đại học để mở rộng đối tượng tiếp cận. Với anh, chỉ cần còn người quan tâm đến nghề, thì vẫn còn cơ hội để hồi sinh.

Các tác phẩm đến từ những đôi tay vô cùng khéo léo của các nghệ nhân. (Ảnh: Phương Trang)

Các tác phẩm đến từ những đôi tay vô cùng khéo léo của các nghệ nhân. (Ảnh: Phương Trang)

Không chỉ là người trực tiếp chế tác, Quách Tuấn Anh còn góp phần đưa sản phẩm đậu bạc Định Công vươn xa hơn trên thị trường. Các mẫu trang sức do anh chế tác vừa giữ được hồn cốt truyền thống, vừa có thiết kế hiện đại, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng đương thời. Chính sự kết hợp hài hòa giữa giá trị xưa và tinh thần thời đại đã giúp các sản phẩm thủ công của anh được nhiều khách hàng trong và ngoài nước đón nhận.

Giữ nghề bằng tâm, truyền nghề bằng lửa

Trong nhịp sống hiện đại đầy gấp gáp, việc một người trẻ lựa chọn sống chậm lại, kiên trì giữ gìn một nghề cổ có phần “ngược dòng thời đại” là điều không dễ. Nhưng chính những người như Quách Tuấn Anh đã và đang góp phần thắp sáng niềm tin vào sự hồi sinh của các làng nghề truyền thống.

Làm nghề là cả một quá trình mà người thợ kim hoàn phải tỉ mẩn, cẩn thận mỗi ngày để đưa đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng nhất. Điều này không đơn giản là xuất phát từ tính chất công việc rằng những người thợ chỉ làm và làm để trang trải cuộc sống; nó đến từ cái tâm làm nghề, hay còn gọi là ngọn lửa giữ nghề được khắc lên trong từng khâu để tạo nên sản phẩm.

Chính sự nâng niu, sự trau chuốt từng sợi chỉ bạc, từ đó tạo thành những “món quà” đặc biệt gửi đến tay người nhận đã trở thành nguồn động lực để những người thợ, những người nghệ nhân của làng nghề đậu bạc Định Công cố gắng mỗi ngày. Hơn hết, tinh thần ấy vẫn mong muốn được lan tỏa rộng hơn đến các bạn trẻ, những người yêu thích nghề thủ công nói chung và nghề đậu bạc nói riêng cùng với hành động mang sản phẩm làng nghề đậu bạc Định Công phát triển mạnh mẽ hơn, phát triển hơn đồng thời vẫn giữ vững được nét đẹp tỉ mỉ, đầy chi tiết của sợi chỉ bạc.

Những người thợ làm nghề còn lại của làng. (Ảnh: Phương Trang)

Những người thợ làm nghề còn lại của làng. (Ảnh: Phương Trang)

Giữ nghề không chỉ là giữ kỹ thuật. Đó là giữ lấy tinh thần tôn trọng sự tỉ mỉ, gìn giữ văn hóa dân tộc từ những điều nhỏ bé. Truyền nghề không chỉ là dạy lại một thao tác. Đó là trao gửi một thái độ sống: kiên nhẫn, tận tâm và không ngừng sáng tạo.

Sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghề đậu bạc nói riêng, các nghề thủ công truyền thống nói chung, sẽ không thể chỉ đặt lên vai một người. Nhưng chính từ những ngọn lửa âm ỉ như Quách Tuấn Anh, hy vọng về một thế hệ kế cận yêu nghề, gắn bó với nghề sẽ từng bước thành hình, đưa đậu bạc Định Công bước tiếp trong hành trình của bản sắc Việt giữa thời đại hội nhập.

Phương Trang

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nguoi-tre-giu-lua-dau-bac-dinh-cong-478016.html