Người trẻ Hàn Quốc cách biệt giàu nghèo từ vạch xuất phát

Sự phân hóa giàu nghèo ở Hàn Quốc ngày càng rõ ràng. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong thế hệ trẻ.

Mức chênh lệch giữa người giàu nhất và người nghèo nhất thuộc nhóm tuổi từ 20 đến 30 ở Hàn Quốc đã tăng cao hơn. Theo dữ liệu tổng hợp của Statistics Korea, con số này vào năm 2021 đã tăng cao hơn một năm trước đó.

Theo Korea Herald, năm 2021, 20% người thuộc nhóm giàu nhất ở Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30 nắm giữ trung bình 981,85 triệu won (764.442 USD), cao gấp 35,27 lần so với 20% người thuộc nhóm nghèo nhất.

 Sự cách biệt giàu - nghèo trong giới trẻ Hàn Quốc được cho xuất phát từ gia cảnh khác nhau. Ảnh: AFP.

Sự cách biệt giàu - nghèo trong giới trẻ Hàn Quốc được cho xuất phát từ gia cảnh khác nhau. Ảnh: AFP.

Cách biệt từ vạch xuất phát

Cả hai nhóm giàu nhất và nghèo nhất đều có mức gia tăng thu nhập hàng năm tương tự nhau, lần lượt là 12,8% và 12,6%. Tuy nhiên, những người giàu nhất có tài sản tăng 11 triệu won, trong khi nhóm nghèo nhất chỉ có thể kiếm thêm 3 triệu won.

"Về cơ bản, họ (hai nhóm) có điểm xuất phát khác nhau, ý tôi điều đó không công bằng vì nó là thứ bạn không thể thay đổi", Hạ nghị sĩ Kim Hoi-jae của Đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc nói.

Ông ám chỉ những người trẻ thuộc nhóm giàu nhất trở nên giàu có nhanh hơn nhờ được chuyển giao tài sản từ cha mẹ của họ. "Đã đến lúc phá vỡ vòng luẩn quẩn không công bằng, khi những người trẻ đứng ở vạch xuất phát khác nhau tùy theo mức độ giàu có của cha mẹ họ".

Dữ liệu mới nhất của chính phủ nước này ủng hộ khẳng định của Kim. Theo đó, những người giàu nhất ở độ tuổi 20 và 30 chỉ kiếm được thu nhập hàng năm gấp 3 lần so với những người đồng nghiệp nghèo nhất vào năm 2021 - một khoảng cách nhỏ hơn nhiều so với mức chênh lệch tài sản lên tới 35 lần giữa hai nhóm này.

"Chúng ta phải thực hiện chuyển đổi theo cách này hay cách khác trong chính sách để đối phó với bất bình đẳng. Chúng tôi phải giúp những người trẻ nhìn thấy một xã hội 'công bằng', nơi họ không bị kìm hãm bởi sự chia rẽ tầng lớp", Kim bày tỏ.

Sự phân hóa giàu - nghèo trong xã hội Hàn Quốc từng được khắc họa trong nhiều tác phẩm điện ảnh và nghệ thuật, tiêu biểu là bộ phim đạt giải Oscar "Parasite" của đạo diễn Bong Joon-ho.

 Phân hóa giàu nghèo khiến nhiều người trẻ mất niềm tin, không muốn kết hôn hay sinh con. Ảnh: The NY Times.

Phân hóa giàu nghèo khiến nhiều người trẻ mất niềm tin, không muốn kết hôn hay sinh con. Ảnh: The NY Times.

Bộ phim kể về một gia đình họ Ki sống tại tầng bán hầm (hay còn gọi là “banjiha”), tìm cách sống bám lấy nhà chủ giàu có và gặp phải kết cục thê thảm. Nó phơi bày khía cạnh đen tối về sự tăng trưởng kinh tế: sự phân hóa cực đoan giữa người giàu với người nghèo trong xã hội.

Thực tế, trong bối cảnh giá nhà tăng cao ở Seoul, nhiều sinh viên và cặp vợ chồng mới cưới chấp nhận thuê nhà banjiha với hy vọng một ngày sẽ kiếm đủ tiền để thuê căn hộ trên cao.

Trái lại với mong ước thoát khỏi khu nhà banjiha của những người trẻ tuổi, người già và thất nghiệp chỉ muốn an thân sống qua ngày, tránh khỏi kiếp vô gia cư.

Theo thống kê của chính phủ, hiện có hàng trăm nghìn người sống ở tầng bán hầm tại thành phố Seoul. Phần lớn họ sống ẩn mình trong khu nhà vốn bị che khuất bởi những tòa nhà và trung tâm thương mại.

Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn cũng là lý do khiến ngày càng nhiều người trẻ không đủ kinh tế từ chối kết hôn, sinh con.

Ở xứ củ sâm, sở hữu một ngôi nhà được xem là điều kiện tiên quyết để kết hôn. Nhiều người cũng e ngại sinh con khi việc nuôi dạy một đứa trẻ quá đắt đỏ.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-tre-han-quoc-cach-biet-giau-ngheo-tu-vach-xuat-phat-post1317793.html