Người trẻ Hàn Quốc lao đao trong cuộc chiến mua nhà
Nhiều khách hàng trẻ tại xứ củ sâm đang rút cạn tiền hoặc chọn không mở tài khoản tiết kiệm để mua nhà vì thị trường bất động sản liên tiếp ở trong tình trạng ảm đạm.
Theo Korea Times, sau khi gửi tiền trong một khoảng thời gian nhất định, những khách hàng tham gia chương trình tích cóp này sẽ đủ điều kiện mua căn hộ tư nhân hoặc được nhà nước trợ cấp bằng hình thức bốc thăm.
Từ lâu, việc mở tài khoản tiết kiệm đã được coi là điều bắt buộc với những ai có kế hoạch sở hữu nhà riêng.
"Đối với tôi, cách làm này giống như một ‘con voi trắng’. Tôi đang giữ nó vì đã đổ rất nhiều tiền vào đó trong 5 năm qua. Nhưng tôi không chắc liệu mình có thể mua được căn nhà nào với số tiền đó trong tương lai hay không", Jeong (27 tuổi), nhân viên văn phòng, nói với Korea Times.
Khi xem một số video trên YouTube khuyến nghị chuyển tiền vào sổ tiết kiệm góp hàng tháng để đảm bảo lợi nhuận cao hơn, anh đang cân nhắc nghiêm túc việc đóng tài khoản.
Theo dữ liệu từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông đệ trình lên Hạ nghị sĩ Yang Kyung-sook của Đảng Dân chủ, số người có tài khoản đăng ký mua nhà tính đến tháng 1 là 27,74 triệu người, giảm 860.000 người so với tháng 6 năm 2022.
Con số này đã liên tục giảm trong 7 tháng. Chỉ riêng trong tháng 11, 519.000 người hiện đã không còn tham gia chương trình này.
Tổng số tiền gửi tính đến tháng 1 ở mức 100,2 nghìn tỷ won (77,38 tỷ USD), giảm 4,9% so với tháng 7 năm 2022.
Các chuyên gia chỉ ra rằng ngày càng ít người có cơ hội chiến thắng trong cuộc cạnh tranh mua nhà, chủ yếu là nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Họ quyết định chuyển tiền sang các loại hình tiết kiệm khác để đảm bảo lãi suất cao.
Khi có nhiều cá nhân đăng ký mua căn hộ, người có số điểm cao nhất - tính theo nhiều tiêu chí khác nhau như thời gian chưa có nhà, giai đoạn mở tài khoản và số lượng thành viên trong gia đình - mới đến lượt sở hữu bất động sản.
Vì thế, các thanh niên tương đối thiệt thòi hơn khi phải chờ đợi lâu.
“Những ‘căn hộ bốc thăm’ dự kiến tăng giá cao khi cuộc cạnh tranh của các khách hàng tiềm năng ngày càng gay gắt. Vì thế, cơ hội chiến thắng là rất mong manh. Trong trường hợp khác, không ai chắc chắn liệu giá trị có tăng lên sau khi mua hay không. Cuối cùng, họ không hiểu vì sao phải tiết kiệm và cứ thế tiêu cạn tiền”, Kim In-man, người đứng đầu Kim In-man Real Estate and Viện Kinh tế, giải thích.
Tuy nhiên, Kim cũng khuyên mọi người nên thận trọng khi đóng tài khoản.
"Tình hình thị trường có thể thay đổi. Nếu có bảo hiểm, bạn không nên hủy hợp đồng mặc dù bây giờ chưa cần đến nó. Tốt hơn hết là cứ giữ ở đó", Kim nói.
Xứ sở kim chi chứng kiến giá bất động sản ở một số thành phố tăng gấp đôi trong thời kỳ đại dịch. Nhiều chủ nhà cảm thấy giàu có hơn trong khi những người trẻ tuổi thì lại tuyệt vọng trong việc mua được nhà.
Báo cáo từ Ngân hàng Shinhan cho thấy số nợ trung bình của mỗi hộ gia đình tại Hàn Quốc tăng hơn 102 triệu won (40,2%). Theo Chosun Ilbo, con số trên chỉ ra rằng những người thuộc nhóm này đang ôm khoản nợ lớn gấp 20 lần thu nhập họ kiếm được.
Nhiều chuyên gia cho biết người trẻ vay tiền chủ yếu là để mua nhà. Trong khi đó, mức tiêu dùng của thế hệ này cũng bị thu hẹp lại do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhằm tiết kiệm chi phí, một số tìm đến các dự án góp vốn, thuê chung bất động sản đắt đỏ.