Người trẻ loãng xương sớm do ăn uống thiếu chất và ít vận động

Loãng xương không còn là căn bệnh của tuổi già khi ngày càng nhiều người trẻ đối mặt với tình trạng này do chế độ ăn thiếu canxi, vitamin D, lối sống ít vận động, ăn uống mất cân đối hoặc kiêng khem sai cách.

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Ánh Ngọc, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, loãng xương là tình trạng mật độ khoáng xương giảm dần, khiến xương yếu đi, giòn hơn và dễ gãy.

Quá trình diễn ra âm thầm, không có dấu hiệu rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Người bệnh chỉ phát hiện khi đã có biến chứng như đau lưng mạn tính, giảm chiều cao hoặc gãy xương, lúc đó việc điều trị trở nên phức tạp.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ loãng xương cao. Theo kết quả tầm soát mật độ xương gần 100.000 người năm 2023–2024 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có tới 50% người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ loãng xương, trong đó 27% đã bị loãng xương thực sự. Đáng chú ý, khoảng 10% phụ nữ và 7% nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 50 cũng đã mắc bệnh. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, người trẻ chiếm tới 25% tổng số ca loãng xương được ghi nhận.

Một trường hợp điển hình là chị Hạnh (28 tuổi, Hà Nội) vừa sinh con đầu lòng. Trong thời gian mang thai và cho con bú, chị không uống sữa, không bổ sung canxi vì lo con to khó sinh và sợ sỏi thận. Sau sinh, chị bận chăm con nhỏ, ăn uống thất thường, không có thói quen tiếp xúc ánh nắng.

Chị bắt đầu cảm thấy đau nhức lưng, mỏi chân tay, và sau một lần va nhẹ vào mép giường, chị đau dữ dội vùng hông. Kết quả chụp X-quang cho thấy chị bị gãy xương chậu. Đo mật độ xương xác định chị bị loãng xương nặng, nồng độ vitamin D trong máu cũng giảm nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một trường hợp khác là anh Hùng (36 tuổi), ăn chay trường suốt 7 năm và làm việc tại nhà. Do ít tiếp xúc ánh nắng, anh dần xuất hiện các triệu chứng đau mỏi thắt lưng, tê bì tay chân nhưng nghĩ là do ngồi sai tư thế. Khi khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, anh được chẩn đoán thiếu canxi và vitamin D, mật độ xương thấp hơn mức trung bình nhiều so với tuổi.

Theo BS Ngọc, những chế độ ăn thuần chay không được thiết kế khoa học rất dễ dẫn đến thiếu hụt các vi chất thiết yếu như canxi, vitamin D, vitamin B12.

Thiếu ánh nắng còn làm giảm khả năng tổng hợp vitamin D từ da - một yếu tố cần thiết cho việc hấp thụ canxi tại ruột. Sự thiếu hụt kéo dài này sẽ dẫn tới mất xương, loãng xương sớm và tăng nguy cơ gãy xương, đồng thời ảnh hưởng đến tim mạch và khả năng co cơ.

Với chị Hạnh và anh Hùng, bác sỹ đã chỉ định bổ sung canxi, vitamin D, điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng tiếp xúc ánh nắng và vận động hợp lý.

Họ sẽ được theo dõi mật độ xương định kỳ để điều chỉnh phác đồ kịp thời. Trong những trường hợp loãng xương nặng hoặc có nguy cơ gãy xương cao, bác sỹ có thể chỉ định sử dụng thuốc điều trị chuyên sâu như kháng thể đơn dòng (denosumab).

Đây là thuốc thế hệ mới có khả năng ức chế quá trình hủy xương, giúp tăng mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương hiệu quả. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hiện là một trong những đơn vị đầu tiên tại Hà Nội triển khai điều trị bằng phương pháp này.

Bác sỹ Ngọc nhấn mạnh rằng canxi chiếm tới 99% lượng khoáng trong xương và có vai trò thiết yếu trong hoạt động của hệ thần kinh, co cơ và đông máu.

Sau tuổi 30, mật độ xương sẽ giảm dần mỗi năm. Ở phụ nữ, tốc độ mất xương tăng nhanh sau mãn kinh trong vòng 5-10 năm đầu. Ở nam giới, tốc độ mất xương chậm hơn nhưng vẫn đáng lo ngại, đặc biệt ở những người ít vận động, uống nhiều rượu bia hoặc có bệnh mạn tính gây rối loạn hấp thu.

Nhiều người lầm tưởng chỉ người cao tuổi mới cần bổ sung canxi, nhưng trên thực tế, nhu cầu canxi cao nhất lại thuộc về thanh thiếu niên trong độ tuổi phát triển, phụ nữ mang thai cho con bú và người trên 50 tuổi.

Nhu cầu canxi khuyến nghị cho người trưởng thành là khoảng 1.000-1.200 mg mỗi ngày, tuy nhiên khẩu phần ăn thông thường của người Việt lại không cung cấp đủ. Ngoài ra, thói quen ăn mặn, uống cà phê, rượu bia nhiều cũng khiến canxi bị đào thải qua nước tiểu nhiều hơn bình thường.

Phòng ngừa mất xương cần bắt đầu từ sớm. Một chế độ ăn cân bằng với sữa và các sản phẩm từ sữa, cá nhỏ nguyên xương, đậu phụ, rau xanh đậm như cải xoăn, rau dền, cải bó xôi sẽ giúp bổ sung canxi tự nhiên hiệu quả.

Trẻ nhỏ cần được bú mẹ đầy đủ, được bổ sung vitamin D đúng cách. Phụ nữ mang thai, sau sinh cần được hướng dẫn bổ sung vi chất phù hợp, tránh những quan niệm sai lầm như kiêng sữa hay sợ canxi gây sỏi thận. Người trưởng thành nên tiếp xúc ánh nắng 15–30 phút mỗi ngày để tổng hợp vitamin D tự nhiên, hoặc bổ sung bằng viên uống theo chỉ định của bác sỹ nếu cần.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, vận động thể lực cũng rất quan trọng trong phòng ngừa loãng xương. Các bài tập chịu lực như đi bộ, leo cầu thang, yoga, nâng tạ nhẹ… giúp kích thích tạo xương mới và duy trì độ chắc khỏe của xương. Việc tập luyện đều đặn kết hợp ăn uống hợp lý sẽ giúp làm chậm quá trình mất xương do lão hóa.

BS Ngọc khuyến cáo, những nhóm nguy cơ cao nên kiểm tra mật độ xương định kỳ, bao gồm: phụ nữ trên 65 tuổi, nam giới trên 70 tuổi, người từng gãy xương bất thường, ăn chay nghiêm ngặt, mắc các bệnh mạn tính như tiêu hóa, bệnh gan thận, cường giáp, đái tháo đường, viêm khớp mạn… hoặc đang dùng thuốc có ảnh hưởng đến xương như corticoid.

Chẩn đoán sớm, can thiệp kịp thời, duy trì thói quen sống lành mạnh là ba yếu tố then chốt giúp người trẻ phòng tránh và điều trị hiệu quả bệnh loãng xương từ sớm.

D. Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguoi-tre-loang-xuong-som-do-an-uong-thieu-chat-va-it-van-dong-d340591.html