Người trẻ lương 10-12 triệu đồng, quản lý tiền thế nào để không lo mắc nợ?

Chuyên gia tài chính hướng dẫn những người trẻ tuổi cách quản lý tiền lương ít ỏi mà vẫn có dư và không mắc nợ nần.

Theo chuyên gia tài chính cá nhân tại FIDT Đặng Nguyễn Thanh Huyền, trong quá trình tư vấn tài chính, chị nhận ra rằng việc tiêu hết tiền trước khi nhận lương tháng sau là câu chuyện rất phổ biến với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Những người trẻ thường có tư duy cần tiêu bao nhiêu thì tiêu, số còn lại mới để dành tiết kiệm. Chính lối tư duy này khiến việc hình thành thói quen quản lý chi tiêu bị phá bỏ.

Do đó, muốn dư giả, nâng cao tiềm lực tài chính cá nhân thì trước hết cần đảo ngược lối tư du này. “Thay vì cứ tiêu, còn bao nhiêu mới tiết kiệm thì nên đổi thành tiết kiệm một khoản trước, còn bao nhiêu thì chi tiêu", chị Huyền tư vấn.

Chuyên gia phân tích kỹ thêm: “Bước đầu tiên khi vừa nhận lương lập tức cắt một phần tiền chuyển sang tiết kiệm. Còn cắt ra bao nhiêu để tiết kiệm thì lại tùy từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể. Tuy nhiên có thể áp dụng theo quy tắc 50 - 20 - 30.

Quy tắc 50 - 20 - 30 là quy tắc phân chia thu nhập thành 3 phần: 50% thu nhập dành cho nhu cầu thiết yếu, 20% thu nhập dùng tiết kiệm và đầu tư, 30% thu nhập còn lại dùng để phục vụ nhu cầu, mong muốn cá nhân (có thể gọi là hưởng thụ).

Ví dụ bạn thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Khi vừa lấy lương bạn chuyển luôn 1-2 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm. 10-20% cho tiết kiệm là con số khuyến nghị cho người trẻ, khi đang có nhu cầu học tập, phát triển bản thân hơn nữa. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm nhiều hơn con số này.

Còn phần còn lại, 3 triệu đồng chuyển vào tài khoản hưởng thụ, dùng cho việc ăn chơi, xem phim, mua sắm, thời trang…; 5 triệu đồng còn chuyển vào tài khoản thiết yếu, dùng cho việc thuê nhà, chi trả điện nước, ăn uống, xăng xe…”.

Theo chuyên gia tài chính, người trẻ nên áp dụng quy tắc 50 - 20 - 30 để quản lý tền hàng tháng. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia tài chính, người trẻ nên áp dụng quy tắc 50 - 20 - 30 để quản lý tền hàng tháng. (Ảnh minh họa)

Khi áp dụng quy tắc này, nên chia ra 3 tài khoản ngân hàng khác nhau, tương ứng lần lượt là tài khoản thiết yếu, tài khoản tiết kiệm và tài khoản hưởng thụ.

Tại sao cùng là chi tiêu nhưng lại cần chia ra hai tài khoản là thiết yếu và hưởng thụ với tỷ lệ 50-30? “Việc chia ra hai tài khoản thiết yếu và hưởng thụ sẽ giúp chúng ta tránh sa đà vào các khoản chi cho hưởng thụ, dẫn đến thâm hụt các khoản thiết yếu bắt buộc phải chi”, chuyên gia lý giải.

Mặc dù vậy, theo chị Huyền, quy tắc này không áp dụng đồng bộ ở tất cả các quốc gia, trên những mức thu nhập khác nhau. Thông thường, ở Việt Nam, khoản chi tiêu cho hưởng thụ rơi vào khoảng 10-15%. Tuy nhiên đối với các bạn trẻ hiện nay, nhu cầu và phong cách sống đều trẻ nên nên khoản này có thể để ở mức 20%.

Chuyên gia Đặng Nguyễn Thanh Huyền cũng cho rằng, việc bắt đầu thực hiện tiết kiệm với mức 10-20% thu nhập không phải là một điều đơn giản và dễ thực hiện đối với người trẻ đã quen với cách chi tiêu cũ.

Đang chi tiêu thoải mái với toàn bộ số tiền mà đôi khi còn thiếu nợ, bây giờ cắt đi 10-20% để tiết kiệm thì quả thực là một điều khó khăn đối với các bạn trẻ. Do đó, tôi thường hướng dẫn các bạn trẻ nên bắt đầu tiết kiệm với số tiền nhỏ và có thể bắt đầu từ 1%. Lương 10 triệu đồng, tiết kiệm 1% là 100.000 đồng thì ai cũng có thể làm được. Sau đó, qua mỗi tháng dần tăng lên 2%, 3%,5%... Cứ như vậy bạn sẽ dần quen với việc lập quỹ tiết kiệm và thành công với việc tiết kiệm 10-20% thu nhập mỗi tháng", chị Huyền tư vấn.

Chỉ cần áp dụng quy tắc này, bạn sẽ không còn phải lo thiếu nợ, chờ có lương về để trả nữa. Đồng thời, giá trị tích lũy ở tài sản tích lũy sẽ lớn dần lên qua từng tháng, từng năm. Lúc này người trẻ hoàn toàn có thể nghĩ đến việc đầu tư kiếm lời.

Số dư tiết kiệm chưa lớn nhưng người trẻ hoàn toàn nên đầu tư vì họ có nhiều thời gian. Khi tìm hiểu, trải nghiệm vào các kênh đầu tư nếu có rủi ro thì mất mát cũng không đáng kể, thay vào đó là nhận lại được rất nhiều bài học và có thể rút kinh nghiệm để làm lại. Nếu sau này tuổi đã nhiều, tích lũy tiết kiệm lớn mà gặp sai lầm thì mất mát là rất lớn.

Nói về việc người trẻ nên đầu tư vào các kênh đầu tư nào, chuyên gia tài chính cá nhân Đặng Nguyễn Thanh Huyền cho rằng, an toàn nhất là kênh tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên kênh này có chỉ số sinh lời thấp.

Đối với người trẻ có khẩu vị rủi ro cao hơn một chút thì có thể tích sản vào chứng chỉ quỹ mở hoặc chứng chỉ ETF. Ưu điểm của kênh này là người trẻ với ít vốn có thể sở hữu được danh mục cổ phiếu đa dạng khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Đồng thời, khi tham gia vào chứng chỉ quỹ tức là đang ủy thác chi chuyên gia đầu tư thay cho mình, nhà đầu tư sẽ không mất thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường.

Hạo Nhiên

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguoi-tre-luong-10-12-trieu-dong-quan-ly-tien-the-nao-de-khong-lo-mac-no-ar883950.html