Người trẻ mong được tạo bệ phóng để phát triển
Sáng 22/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ đối thoại với thanh niên về chủ đề 'Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0'. Buổi đối thoại diễn ra với điểm cầu trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ; các điểm cầu trực tuyến tại trụ sở T.Ư Đoàn và 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Hướng đến cuộc đối thoại quan trọng và ý nghĩa này, nhiều bạn trẻ trong và ngoài nước bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm hoạch định chính sách đối với ngành nghề phi truyền thống, có nhiều chính sách đột phá, giúp người trẻ phát triển.
Anh Nguyễn Duy Tâm, chuyên viên nghiên cứu sau tiến sĩ khoa Vật lý, ĐH Monash, Úc: Nên điều chỉnh mạnh mẽ 3 vấn đề
Kỷ nguyên 4.0 sẽ chứng kiến sự phát triển nhanh chóng hơn nữa của các ngành khoa học công nghệ. Các phương thức lao động, sản xuất sẽ thay đổi mạnh mẽ với sự chiếm ưu thế của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo thay thế dần con người. Trong bối cảnh đó, những yếu tố được coi là ưu thế của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, như lực lượng lao động thủ công trẻ, chi phí thấp sẽ không còn.
Để có thể khuyến khích tài năng trẻ, thu hút nhân tài, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên bùng nổ khoa học, công nghệ, Việt Nam cần thiết phải có những thay đổi, điều chỉnh mạnh mẽ. Thứ nhất, về giáo dục đào tạo. So với các quốc gia có nền khoa học, công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam hiện nay lại thiếu hụt cả về số lượng lẫn kỹ năng tay nghề. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa… của Việt Nam tăng nhanh mỗi năm, trong khi đó số sinh viên ngành công nghệ có trình độ tay nghề cao lại đáp ứng không đủ. Bên cạnh đó, yếu tố hạn chế nhất của các sinh viên mới tốt nghiệp ở Việt Nam là ít có kinh nghiệm thực hành, thiếu kỹ năng làm việc nhóm và khả năng ngoại ngữ. Do đó, việc nâng cao chất lượng, đổi mới chương trình giáo dục đại học, dạy nghề là vô cùng cấp thiết.
Thứ hai, về chính sách đãi ngộ. Dù đã được quan tâm, cải thiện, nhưng so với các quốc gia có nền công nghệ cao trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… mức đãi ngộ dành cho đội ngũ kỹ sư, chuyên gia công nghệ cao của chúng ta vẫn còn thấp. Hệ quả là không ít trí thức lĩnh vực công nghệ được đào tạo cả trong và ngoài nước đều chọn cống hiến sức lao động cho các quốc gia có chế độ đãi ngộ tốt. Một thực tế nữa, chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc thường được hưởng mức thù lao rất cao, trong khi trình độ không hơn quá nhiều so với chuyên gia trong nước, chưa kể đến các yếu tố như am hiểu thị trường, văn hóa sở tại.
Thứ ba, về môi trường làm việc. Để phát huy tối đa năng lực, trình độ của đội ngũ nhân lực chất lượng cao, các công ty, tập đoàn trong nước cần tiếp tục nâng cấp hơn nữa hạ tầng, thiết bị máy móc; cải tiến phong cách và môi trường làm việc; chú ý bổ túc hơn nữa các kỹ năng mềm cho nhân viên.
Sáng 22/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ đối thoại với thanh niên về chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”. Buổi đối thoại diễn ra với điểm cầu trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ; các điểm cầu trực tuyến tại trụ sở T.Ư Đoàn và 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.