Người trẻ Mỹ không thể mua nhà vì quá đắt đỏ

Sự thiếu hụt của những bất động sản nhỏ, giá cả phù hợp đang trở thành rào cản ngáng đường thế hệ Millennials Mỹ đạt được cột mốc tài chính đầu tiên trong đời - mua nhà.

Samantha Berrafato (27 tuổi) đang tìm kiếm ngôi nhà đầu tiên của mình ở khu vực Chicago (bang Illinois).

“Cảm giác như chuyện gì cũng bị trì hoãn vậy. Tôi phải tạm dừng việc sinh con và tổ chức đám cưới vì không đủ khả năng chi trả. Giờ đây, đến cả chuyện mua nhà cũng không thành”, cô nói với Wall Street Journal.

Suốt hàng thập kỷ qua, nấc thang đầu tiên trên con đường sở hữu bất động sản của người trẻ xứ cờ hoa luôn là “ngôi nhà khởi đầu” với giá cả phải chăng.

Những ngôi nhà này thường có diện tích nhỏ, nhưng đủ để các chủ nhà sinh sống và xây dựng tài sản trước khi lập gia đình. Song, một vài yếu tố đang làm xáo trộn xu hướng này.

 Thị trường bất động sản Mỹ "gây khó" cho người trẻ mua nhà. Ảnh: Mark Lipczynski.

Thị trường bất động sản Mỹ "gây khó" cho người trẻ mua nhà. Ảnh: Mark Lipczynski.

Không đủ nguồn cung

Nguồn cung “nhà ở cấp thấp”, loại tổ chức tài chính tư nhân Freddie Mac định nghĩa là nhà có diện tích dưới 130 m2, đang ở mức thấp nhất trong 50 năm qua.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này ở nhiều vùng là do giá cả tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt. Đại dịch Covid-19 và sự suy thoái kinh tế sau đó, cùng với cuộc khủng hoảng nợ sinh viên và tình trạng lập gia đình muộn lại càng góp thêm phần thất vọng cho những người trẻ tìm mua nhà.

“Không có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu. Theo cách tôi gọi, nó đang tạo ra ‘Cơn sốt đất vĩ đại ở Mỹ’”, Ed Pinto, Giám đốc Trung tâm Nhà ở AEI tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết.

3 tháng trước, Berrafato và vị hôn phu bắt đầu hành trình tìm mua “ngôi nhà khởi đầu” với kinh phí khoảng 300.000 USD. Họ đảm bảo lãi suất 3,25% cho khoản thế chấp 30 năm, với khoản thanh toán trước 5%.

 Samantha Berrafato và hôn phu gói gọn quá trình tìm nhà suốt 3 tháng ròng của họ trong từ "khó chịu". Ảnh: Samantha Berrafato.

Samantha Berrafato và hôn phu gói gọn quá trình tìm nhà suốt 3 tháng ròng của họ trong từ "khó chịu". Ảnh: Samantha Berrafato.

Họ mở rộng phạm vi tìm kiếm tới cả những căn nhà bị tịch biên hoặc đã xuống cấp ở vùng ngoại ô. Mãi tới tháng 6, lời đề nghị mua ngôi nhà rộng 111 m2 của họ được chấp thuận.

Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ, tính đến năm 2020, độ tuổi trung bình của người mua nhà lần đầu tiên là 33, tăng so với mốc 30 tuổi của một thập kỷ trước.

Việc trì hoãn mua nhà sẽ để lại hậu quả sâu rộng đối với đời sống tài chính của người mua.

Theo một phân tích từ Viện Đô thị Mỹ, những người trở thành chủ nhà trong độ tuổi 25-34 sẽ tích lũy được 150.000 USD trong tài sản nhà ở khi sang tuổi 60. Trong khi đó, những người đợi đến độ tuổi từ 35-44 kiếm được ít hơn 72.000 USD.

“Đây là một vấn đề lớn. Chúng ta cần suy nghĩ về cách chúng ta nói về bất động sản, bởi đa số sẽ có phản ứng tiêu cực khi nghe cụm từ ‘nhà ở giá cả phải chăng’”, Sam Khater, nhà kinh tế trưởng và người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Nhà ở của Freddie Mac, khẳng định.

“Những khe nứt này không chỉ xâm nhập vào tầng lớp trung lưu. Nó đang tăng lên với cả tầng lớp trên trung lưu”, ông cho biết.

Ngoài việc cạnh tranh với những người mua khác, người trẻ Mỹ đôi khi còn phải cạnh tranh với các nhà đầu tư, quỹ đầu cơ và những công ty khổng lồ khác, theo báo cáo trước đó của Wall Street Journal.

Xu hướng kéo dài

Khi thị trường mua bán bất động sản mùa hè đến hồi kết thúc, một số người cảm thấy cần sớm tìm thuê một căn hộ để có thể thu hẹp khoảng cách tới giấc mơ sở hữu nhà. Hoặc đơn giản, họ muốn tiết kiệm sức lực để tiếp tục tìm kiếm nhà ở phù hợp khi giá cả hạ nhiệt.

Matthew Libassi, một chuyên viên quan hệ công chúng 35 tuổi, đang cùng chồng tìm mua nhà ở Long Island. Gần đây, anh đã bán căn hộ và chuyển đến ở cùng gia đình để tiết kiệm tiền.

 Matthew Libassi (phải) cùng chồng vẫn đang tìm ngôi nhà phù hợp. Ảnh: Matthew Libassi.

Matthew Libassi (phải) cùng chồng vẫn đang tìm ngôi nhà phù hợp. Ảnh: Matthew Libassi.

Trong quá trình tìm kiếm một ngôi nhà mới trị giá 500.000 USD, anh tỏ ra thất vọng vì thị trường thiếu nhiều ngôi nhà nhỏ, phù hợp, giá cả phải chăng cho các cặp uyên ương trẻ tuổi.

“Tôi và chồng không hề có yêu cầu điên rồ nào đối với ngôi nhà tương lai, nhưng cái chúng tôi đang thấy trước mắt là những cuộc đại tu lớn. Cả hai không thể dồn hết tiền đang có để sửa sang nhà mới được”, anh nói.

Giám đốc Pinto đến từ Trung tâm AEI dự đoán sự chờ đợi của người mua có thể kéo dài hơn nữa. Ông hy vọng rằng sẽ có nhiều người di chuyển ra khu vực ngoài đô thị để tìm kiếm bất động sản rộng rãi mà phù hợp túi tiền hơn, nhất là trong thời điểm ngày càng nhiều lao động cho làm việc từ xa hậu đại dịch.

“Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề này sẽ tiếp tục xảy ra trong nhiều năm. Nói chung là nếu bạn ở một khu vực đông dân cư như Phoenix, Raleigh hay Austin, nơi có nhiều người cũng mong muốn sở hữu ‘ngôi nhà khởi đầu’, mọi người đều sẽ gặp khó khăn hơn nhiều”, ông cho biết.

Cuối cùng, vẫn khó có thể thở phào nhẹ nhõm khi cuộc săn tìm nhà đến hồi kết thúc. Chẳng hạn, sau khi nhận nhà, Berrafato vẫn còn nhiều chi phí phải xem xét, bao gồm chi phí vận chuyển đồ đạc và hủy hợp đồng thuê nhà cũ.

“Chúng tôi cảm thấy rất vui mừng, nhưng đồng thời lại xuất hiện thêm những căng thẳng mới”, cô nói.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-tre-my-khong-the-mua-nha-vi-qua-dat-do-post1236795.html