Nhật Bản: BoJ được kỳ vọng vẫn bám sát chu kỳ tăng lãi suất

Các nhà phân tích thị trường vẫn giữ nguyên kỳ vọng về chính sách 'diều hâu' của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong dài hạn, bất luận những phát biểu 'ôn hòa' của tân Thủ tướng Shigeru Ishiba dẫn đến sự sụt giảm mạnh của đồng yên.

Đồng yên đã trượt giá còn 147,15 JPY đổi 1 USD, mức thấp nhất một tháng qua, sau khi tân Thủ tướng Ishiba nói với báo giới rằng tình hình kinh tế Nhật Bản hiện tại không cần phải tăng lãi suất thêm. Đến cuối giờ chiều nay 3/10, đồng yên đã nhích giá lên mức 146,88 JPY đổi 1 USD.

Bên ngoài Trụ sở BoJ. (Ảnh: AFP)

Bên ngoài Trụ sở BoJ. (Ảnh: AFP)

"Tôi không tin rằng chúng ta đang ở trong một môi trường đòi hỏi chúng ta phải tăng lãi suất thêm nữa", tân Thủ tướng Ishiba phát biểu ngày 2/10 sau cuộc họp với Thống đốc BoJ Kazuo Ueda. Phát biểu của ông Ishiba đã có sự thay đổi mạnh mẽ về quan điểm chính sách so với thông điệp trong chiến dịch tranh cử gần đây của ông.

"Sự thay đổi này đặc biệt đáng chú ý vì Thủ tướng từ lâu đã chỉ trích các chính quyền do đảng Dân chủ Tự do nắm trước đây, bao gồm cả chính quyền của cố Thủ tướng Abe Shinzo, người có chính sách kinh tế 'Abenomics' gắn liền với việc nới lỏng tiền tệ", ông Stefan Angrick, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Moody’s Analytics, nhận xét.

"Tôi vẫn tin vào việc (BoJ - BTV) tăng lãi suất vào tháng 10", ông Angrick phát biểu trên đài CNBC, đồng thời nhấn mạnh rằng biên bản cuộc họp tháng 9 của BoJ vẫn giữ quan điểm lạc quan về nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.

Ông Asahi Noguchi, thành viên Hội đồng quản trị BoJ (BoJ), cho rằng cơ quan này nên tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng ở thời điểm hiện tại. Ông lưu ý rằng sẽ mất một thời gian để thay đổi nhận thức của công chúng rằng giá cả sẽ không tăng đáng kể trong tương lai.

Tại cuộc họp chính sách tháng 9, BoJ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức "khoảng 0,25%" - mức cao nhất kể từ năm 2008. Trước đó, ngày 31/7 cơ quan tiền tệ Nhật Bản đã nâng lãi suất cơ bản lên 0,1%, từ mức 0%, sau lần đầu tiên tăng lãi suất cơ bản vào tháng 3 và đặt chấm hết cho kỷ nguyên lãi suất âm kéo dài hơn thập kỷ qua.

Cũng tại cuộc họp tháng 9, các thành viên Hội đồng quản trị BoJ bất đồng về lộ trình lãi suất trong tương lai, nhưng Hội đồng quản trị vẫn cho rằng hoạt động kinh tế và giá cả của Nhật Bản "nhìn chung đã phát triển phù hợp với triển vọng của ngân hàng trung ương".

BoJ được kỳ vọng sẽ xem xét lại quyết định lãi suất tại cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 30-31/10. Ở thời điểm đó, BoJ cũng sẽ công bố dự báo cập nhật hàng quý về tăng trưởng và giá cả. Cơ quan tiền tệ Nhật Bản dự kiến sẽ có thêm một cuộc họp chính sách nữa vào tháng 12.

Ông Ken Matsumoto, chiến lược gia vĩ mô tại ngân hàng đầu tư Crédit Agricole CIB, cho biết thị trường đang kỳ vọng BoJ sẽ tăng lãi suất chính sách một lần nữa tại cuộc họp chính sách trong tháng này nếu triển vọng kinh tế và lạm phát đi đúng hướng.

Tuy nhiên, ông Matsumoto cho rằng tuyên bố hồi đầu tuần của ông Ishiba về cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 27/10 (cuộc bầu cử sẽ quyết định đảng nào nắm quyền kiểm soát Hạ viện) đã làm đảo lộn lộ trình tăng lãi suất đó.

Đại diện Crédit Agricole CIB vẫn kỳ vọng BoJ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tháng 1 năm sau, chứ không phải những tháng cuối năm nay.

Trong khi đó, ông Mazen Issa, chiến lược gia thu nhập cố định tại công ty quản lý đầu tư MRB Partners, cho biết công ty của ông "không loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa vào cuối năm nay, nhưng nếu không, BoJ sẽ tăng vào đầu năm 2025".

"Chúng tôi dự đoán bất kỳ sự suy yếu nào của đồng yên sẽ bị hạn chế", đại diện MRB Partners cho biết.

Khi BoJ tăng lãi suất cơ bản vào tháng 7, động thái này đã châm ngòi cho việc gỡ bỏ các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) đồng yên phổ biến, dẫn đến đợt bán tháo mạnh trên thị trường toàn cầu. Giao dịch carry trade diễn ra khi một nhà đầu tư vay bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp, chẳng hạn như đồng yên, và tái đầu tư số tiền đó vào một loại tiền tệ có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn.

Lãi suất cao hơn thường giúp đồng yên mạnh hơn, điều này có thể tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Nhật Bản, đặc biệt là các chỉ số do các nhà xuất khẩu thống trị. Đồng yên mạnh khiến hàng xuất khẩu của họ kém cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.

BoJ và chính phủ nước này đã hành động phối hợp chặt chẽ hơn kể từ mùa xuân năm nay và họ đang cố gắng củng cố đồng yên sau khi các lệnh carry trade được gỡ bỏ, theo ông Issa.

Trong khi đó, ông Yujiro Goto tại tập đoàn tài chính Nomura nhận định: "Câu chuyện cơ bản vẫn cho thấy BoJ đang trên đà tăng lãi suất vào năm 2025 và thời điểm tăng sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố".

Ông Goto lập luận rằng BoJ vẫn có thể tăng lãi suất vào tháng 12 tới chỉ khi: đồng yên tiếp tục suy yếu; Mỹ tránh được một cuộc hạ cánh cứng; và nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định bất luận kết quả bầu cử tổng thống vào tháng 11 ra sao.

Ông Kazuo Momma, nhà kinh tế điều hành tại tập đoàn tài chính Mizuho, cũng đồng tình với quan điểm trên.

Các quyết sách của BoJ sẽ phần lớn phụ thuộc vào diễn biến của tỷ giá hối đoái vốn chịu ảnh hưởng đáng kể từ biến động từ thị trường Mỹ. "Nếu đồng yên ổn định hoặc mạnh lên, BoJ có thể sẽ đợi ít nhất đến tháng 1/2025", ông Momma dự đoán.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhat-ban-boj-duoc-ky-vong-van-bam-sat-chu-ky-tang-lai-suat-d226534.html