Người trẻ nên dành bao nhiêu phần trăm thu nhập mỗi tháng để tiết kiệm?

TS Lê Thẩm Dương cho biết: 'Không cần biết thu nhập của bạn bao nhiêu, tổng cầu của bạn tới đâu, bạn đều cần để ra một khoản tiết kiệm mỗi tháng, Bill Gates cũng phải làm vậy, tôi cũng phải làm vậy'.

TS Lê Thẩm Dương và nhà báo Nguyễn Tuấn Anh - người chấp bút - chia sẻ với bạn đọc tại lễ ra mắt và ký tặng sách "Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công", phiên bản 2021 do CLAZO và NXB Thanh Niên phát hành. Chương trình được tổ chức tại Tân Việt Bookstore, Vincom Royal City, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Dương Triều.

TS Lê Thẩm Dương và nhà báo Nguyễn Tuấn Anh - người chấp bút - chia sẻ với bạn đọc tại lễ ra mắt và ký tặng sách "Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công", phiên bản 2021 do CLAZO và NXB Thanh Niên phát hành. Chương trình được tổ chức tại Tân Việt Bookstore, Vincom Royal City, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Dương Triều.

Tôi xin đưa ra tỷ lệ phần trăm chia thu nhập của một người như sau: 50% dành cho nhu cầu thiết yếu (ăn, sinh hoạt, vui chơi, giải trí và mua sắm) - 10% dành cho giáo dục - 10% dành cho tiết kiệm dài hạn - 10% dành cho hưởng thụ (lâu lâu đi ăn ngon, đi du lịch) - 5% dành cho trao đi - 15% dành cho quỹ tài chính tự do.

Quỹ tài chính tự do rất quan trọng trong cuộc sống nhiều rủi ro hiện nay. Bỗng dưng tôi phá sản, thất nghiệp, tai nạn, bệnh tật, mất trắng, nếu có quỹ này, mức sống cơ bản của vợ con tôi vẫn được đảm bảo. Quỹ tài chính tự do được hiểu thế này: Tôi sống được mà không cần làm việc.

Tỷ lệ phần trăm chia thu nhập của một người chỉ là con số định hướng, không phải con số tuyệt đối. Điều kiện của mỗi người, mỗi khu vực khác nhau thì tỷ lệ sẽ khác nhau, nhưng việc bạn duy trì chia tiền vào 6 lọ mỗi ngày, mỗi tháng là điều không thể bỏ qua.

Ăn chơi hôm nay phải nghĩ đến rủi ro trong tương lai, chẳng may mình bị bệnh tật, đau yếu, thậm chí là lăn ra chết lúc nào không biết. Nên dù là anh chàng 26 tuổi, hay anh chàng 18 tuổi, hay đứa bé 8 tuổi, cũng đều phải ý thức được ngay là một cục tiền luôn phải chia vào 6 lọ. Việc chia tiền vào 6 lọ này cần làm hằng ngày, ý thức về nó hằng ngày, thực hiện nó hằng ngày.

Riêng quỹ hưởng thụ 10%, bạn cần phải tiêu hết. Người ta gọi đó là quỹ cân bằng cuộc sống. Một số người nghĩ mình tiêu hết quỹ này thì sẽ giảm quỹ tiết kiệm nhưng không phải vậy. Kỳ lạ ở chỗ, bạn tiêu hết tiêu chuẩn của quỹ hưởng thụ, tiền trong 5 lọ còn lại sẽ tăng, thậm chí là tăng vù vù. Vì hưởng thụ xong, bạn hứng khởi lên, tinh thần làm việc tăng, hiệu suất làm việc tăng…

Với quỹ tài chính tự do, bạn tuyệt đối không được đụng đến để tiêu xài, nếu cần thì giảm chi phí cho mâm cơm đi, chứ động đến quỹ này là không được.

(Trích từ sách "Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công", phiên bản 2021 của tác giả Lê Thẩm Dương vừa được phát hành bởi CLAZO - thương hiệu viết sách cho người nổi tiếng và Nhà xuất bản Thanh Niên)

Người trẻ nên bắt đầu tiết kiệm từ khi nào?

Hành vi tiết kiệm phải có ngay từ khi bạn kiếm được tiền, nhưng ý thức tiết kiệm phải có ngay từ khi bạn ba tuổi. Như vậy, trong vấn đề chúng ta đang bàn, bố mẹ có vai trò rất quan trọng, bố mẹ phải làm gương, chỉ bảo con cái những điều này, để ngay khi có tiền, hành vi tiết kiệm được thực hiện ngay lập tức.

Trong điều kiện khốc liệt hiện nay, trên thế giới, trung bình mỗi nhân sự được “dùng” 7 năm thôi. Tuổi thất nghiệp trung bình ở một số nước tiên tiến bây giờ là 35 tuổi, có ngành độ tuổi này cao hơn, có ngành độ tuổi này thấp hơn, ngành xây dựng trung bình là 27 tuổi. Vậy thì từ 35, 27 tuổi đến cuối đời, bạn sống ra sao?

Trần Anh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tich-cuc/nguoi-tre-nen-danh-bao-nhieu-phan-tram-thu-nhap-moi-thang-de-tiet-kiem-1809475.tpo