Người trẻ ngại sinh và những hệ lụy với nền kinh tế

Gánh nặng kinh tế, áp lực tinh thần cùng những lo lắng về trách nhiệm nuôi dạy trẻ khiến nhiều cặp vợ chồng có tâm lý không sinh con hoặc sinh ít con. Thực tế này đã và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, bởi có thể gây ra nhiều hệ lụy với nền kinh tế trong bối cảnh đang già hóa dân số.

Tỷ suất sinh của Việt Nam đã liên tục giảm trong thời gian qua. Năm 2023, bình quân mỗi phụ nữ Việt Nam sinh 1,96 con. Trong khi mức sinh thay thế tối ưu là 2,1 con.

Là phụ nữ, mỗi người đều nên sống vì hạnh phúc của bản thân mình, chứ nhất định không phải vì trách nhiệm xã hội, đặc biệt lại là trách nhiệm về việc sinh đẻ.

Về mặt kinh tế và quản lý nhà nước, tỷ suất sinh thấp và đang giảm dần từng năm là một mối đe dọa. Tuy nhiên, sinh đẻ là quyền cá nhân và lựa chọn của mỗi người. Một phụ nữ không nên có quyết định sinh con vì có người vận động. Đó nên là quyết định tự thân của họ.

Lý do lớn nhất khiến phụ nữ ngày càng ngại sinh đẻ là chi phí chăm sóc, dạy dỗ một đứa trẻ hiện tại quá lớn, vượt quá mức chi trả của nhiều người.

Gần đây TP. HCM vừa ra quyết định miễn học phí cho học sinh cấp 2 các trường công lập và tư thục trên địa bàn. Chi phí cho một năm học là khoảng 237 tỷ đồng, lấy từ ngân sách thành phố.

Quy hoạch thành phố, hay quy hoạch các dự án bất động sản hiện nay vẫn chưa thực sự hướng đến một xã hội chăm sóc và quan tâm đến trẻ em. Trẻ em cần không gian vui chơi đủ an toàn, thì phụ huynh mới có thể yên tâm tập trung kiếm tiền nuôi dưỡng mầm non của đất nước.

Có con là quyết định riêng tư, là quyền của mỗi cá nhân. Nhưng tỷ suất sinh quá thấp đang là vấn đề của xã hội. Nên các chính phủ vẫn phải đưa ra các giải pháp để khuyến khích sinh đẻ.

Tỷ suất sinh thấp và giảm dần không chỉ là vấn nạn của Việt Nam. OECD - Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế mới đây có thống kê các nước thành viên có tỷ suất sinh chỉ 1,5 vào năm 2022.

Báo cáo của OECD nhận định rằng, việc tạo điều kiện cho các quyết định làm cha mẹ đòi hỏi sự hỗ trợ toàn diện và đáng tin cậy cho các gia đình. Điều này bao gồm nhà ở giá rẻ, các chính sách gia đình giúp hài hòa công việc và cuộc sống gia đình và sự nhất quán với các chính sách thúc đẩy việc tiếp cận các công việc chất lượng và sự thăng tiến trong sự nghiệp của phụ nữ.

Nếu tình trạng già hóa dân số trở nên trầm trọng, thì trong 30 - 40 năm tới, nhà nước sẽ phải huy động một số tiền lớn không kém, để chăm sóc thế hệ người già 7x, 8x.

Để giảm áp lực chăm sóc người già trong tương lai, thì nhà nước cần phải giảm bớt áp lực chăm sóc trẻ em ở hiện tại.

Đỗ Quang Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nguoi-tre-ngai-sinh-va-nhung-he-luy-voi-nen-kinh-te-287772.htm