Bất cập khi học sinh phải lựa chọn môn từ lớp 10 để làm căn cứ xét tuyển đại học
Nếu học sinh chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ ở cấp trung học cơ sở mà phải chọn môn khi vào lớp 10 làm căn cứ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học là bất cập.
Ngày 3/12/2024, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về giải pháp đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, triển khai thực hiện Chương trình này và tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học từ năm 2025.
Một giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết rất đồng tình với nội dung trong bản kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: "Học sinh phải chọn các môn lựa chọn ngay từ đầu cấp trung học phổ thông, điều này dẫn đến nhiều bất cập."
Thứ nhất, nhiều giáo viên ở một số tỉnh thành trên cả nước chia sẻ, trong 3 năm qua, học sinh lớp 10 có xu hướng chọn môn, tổ hợp môn khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên.
Tình trạng học lệch ở bậc trung học cơ sở đối với học sinh lớp 9 là bài toán khó trong việc lựa chọn tổ hợp môn học khi các em lên bậc trung học phổ thông.
Chưa kể, bậc trung học cơ sở xuất hiện 2 môn "tích hợp" Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lí, trong khi nhiều học sinh còn mơ hồ về bản chất các phân môn, chẳng hạn: Vật lí, Hóa học, Sinh học cũng là trở ngại lớn trong việc chọn tổ hợp môn ở lớp 10.
Thứ hai, sau một năm học lớp 10, nhiều học sinh cảm thấy việc lựa chọn môn học không phù hợp với bản thân nên các em muốn thay đổi bằng môn khác.
Lí do: Không ít học sinh đầu năm lớp 10 lựa chọn môn học một cách ngẫu nhiên, chọn theo bạn bè hoặc bị gia đình "ép", vì vậy trong quá trình học các em không theo kịp chương trình.
Cùng với đó, định hướng nghề nghiệp của học sinh thay đổi sau một năm học cũng là nguyên nhân khiến các em thay đổi môn học. Có em chỉ xin đổi một môn nhưng cũng có em quyết định đổi cả tổ hợp môn.
Thứ ba, theo quy định hiện hành, học sinh chỉ được phép đổi tổ hợp môn vào cuối năm học khiến các em gặp những khó khăn nhất định.
Ví dụ, học sinh có nhu cầu chuyển đổi 3 môn học thì các em phải học liên tục trong kì nghỉ hè và sau đó là làm hàng loạt bài kiểm tra đánh giá nên rất áp lực.
Chẳng hạn, học sinh A có nhu cầu học chuyển đổi 3 môn học mới là Vật lí, Hóa học và Sinh học thì em phải hoàn thành chương trình cả 3 môn học này với các cột điểm kiểm tra theo quy định.
Từ những bất cập về việc học sinh phải lựa chọn môn từ lớp 10 để làm căn cứ xét tuyển đại học như đã phân tích, giáo viên đồng tình với quan điểm của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam:
"Bộ Giáo dục và Đào tạo cần yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường trung học phổ thông rà soát lại danh sách các tổ hợp môn học lựa chọn để học sinh có nhiều cơ hội được đăng ký vào nhiều tổ hợp xét tuyển đại học.
Cho học sinh được chuyển đổi môn học lựa chọn theo nhu cầu phục vụ xét tuyển các ngành học ở bậc đại học phù hợp với năng lực và sở trường của học sinh được hình thành trong quá trình học ở bậc trung học phổ thông."