Người trẻ tập sự: Tiền hay kinh nghiệm?

Tôi đọc thấy một bài viết nói về chuyện phải bưng trà nước suốt ba tháng không học được gì, và nghĩ về cách ta tiếp cận một công việc.

Ảnh minh họa: TL

Ảnh minh họa: TL

Tuần rồi tôi ngồi với một đồng nghiệp làm Trưởng phòng truyền thông. Chị kể tuyển được bạn intern (thực tập sinh). Bạn nói thông thạo tiếng Anh, tốt nghiệp trường nước ngoài. Công việc cần bạn đọc tin tức hàng ngày và viết tóm tắt mảng tin quan trọng mà công ty cần. Sau vài lần chị thấy phần tóm tắt của bạn quá nông, nhiều khi tin quan trọng bị vứt mất. Chị hỏi thì bạn nói: “Em ngại đọc báo lắm chị ơi. Đọc nhiều chữ em mệt lắm.”

Bạn được cho nghỉ thực tập sau thời gian không đáp ứng được chuyên môn. Ở đây có hai yếu tố cần chú ý:

– Bạn được làm đúng chuyên ngành bạn học, và có người chỉ dẫn cho làm công việc từ sơ cấp lên để hiểu từng góc độ công việc.

– Bạn không yêu thích việc đó, hoặc thấy nó không phù hợp với mong muốn nên không nỗ lực nhiều và nghỉ.

Có rất nhiều lý do khiến người làm chuyên môn và thực tập sinh không thể chịu đựng được nhau.

Nếu tôi là một thực tập sinh, tôi không bao giờ ở một nơi nào đó ba tháng để pha trà. Tôi sẵn sàng làm những công việc vất vả nhất, cực khổ nhất hoặc ngớ ngẩn nhất, miễn sao nó là 1 viên gạch trong sự nghiệp và giúp tôi hiểu thêm về chuyên môn của mình.

Từ trường bước ra, thứ bạn thiếu thốn nhất là cái nhìn thực tế về nghề. Thời gian thực tập sinh hoặc 1 năm đầu đi làm là giai đoạn tốt nhất để bổ trợ sự hiểu biết này vào cái khung tri thức còn thiếu. Những luật chơi bất thành văn, mánh lới, hiểu toàn cảnh… để biết mình là ai, là thứ cần phải học.

Nếu phải tới một nơi thực tập hoàn toàn không giúp gì cho chuyên môn hay lắp một viên gạch vào sự nghiệp, tôi sẽ coi nó như một sự sai đường và tìm một nơi khác.

Tiếp theo là chuyện tiền. Nhiều thực tập sinh nhầm lẫn lời khuyên của người khác về tiền. Không lương không có nghĩa là bị bóc lột. Và tiền không phải lúc nào cũng mua được mọi thứ, nhất là kinh nghiệm, và tiền thực tập thì bèo bỏ xừ, mua được gì?

Có những tập đoàn lớn có chế độ thực tập có lương, và nếu bạn có đủ một số kỹ năng họ cần, họ trả lương. Thực ra họ chi trả cho bạn như một người làm việc mới và có vài kỹ năng nhỏ, trả ít tiền và đổi lại cho bạn thêm một phần thu nhập khác là kỹ năng mới và kinh nghiệm.

Nhưng cũng có nhiều tập đoàn có thực tập không lương. Chuyện này bình thường. Tôi có một người bạn tốt nghiệp tài chính ở Anh, làm ngân hàng 8 năm, sau đó bạn về lại quê nhà ở Nhật, và vì cảm xúc cá nhân muốn bỏ nghề làm công việc mới. Bạn kể: “Tôi cầm hồ sơ lên thẳng công ty đó, hỏi họ có cần thực tập sinh không. Khi đó, sếp tôi bây giờ nói, ông bị quá tải việc, cần người làm phụ. Nhưng không có lương vì không có tuyển vị trí, bù lại ông sẽ dạy nghề cho tôi.” – Bạn tôi đồng ý làm không lương và giờ là một nhân viên quan trọng ở khu vực.

Vậy nên, dùng tiền để đánh giá kỳ thực tập có nghĩa là bạn không biết mình cần gì và đến công ty đó để làm gì. Bạn tôi chịu làm không lương dù trước đó lương cô rất cao vì cô biết mình đang bước vào một ngành hoàn toàn khác. Cô xuất phát từ số 0 và cần người dạy về chuyên môn. Coi như đó là một học kỳ đổi bằng sức lao động lấy giờ học và kỹ thuật ngành mới.

Thế nên, trước khi bạn cao giọng chửi một công ty là không trả đồng nào, hãy đặt lại câu hỏi, thứ kỹ thuật và kinh nghiệm họ cho bạn đáng giá bao nhiêu nếu bạn phải trả tiền đi học? – Như bạn tôi, kỹ thuật cô học được tương đương 4 năm đại học và 2 năm kinh nghiệm – và cô chỉ cần trả bằng việc làm không lương 6 tháng. Cô nói đó là một kỳ thực tập tuyệt vời để đưa cô vào ngành.

Còn nếu bạn đi thực tập ở một công ty mà việc bạn được làm chỉ quá đơn giản như gia công lặp đi lặp lại không nâng cao trình độ, lao động nặng lặp đi lặp lại, không tiến triển về kỹ thuật, quan hệ, kinh nghiệm suốt cả 6 tháng trời, thì hãy nghĩ lại bạn đang cần gì – thực tập nâng cao chuyên môn hay làm công nhân?

Nếu tôi là một người có chuyên môn và đang cần thực tập sinh lại khác một chút. Nhu cầu của quản lý hay chuyên môn cần thực tập sinh có thể rất đa dạng.

Một số người cần thêm lính chia sẻ các việc làm lắt nhắt với họ để họ làm quản lý nhiều việc hơn. Đổi lại, họ dạy thực tập sinh các quy trình của nghề, cách làm một mắt xích tốt theo nhóm làm việc. Kiểu này có qua có lại để hai bên có thứ mình cần. Thực tập sinh kiểu này cần thực sự tập trung và chăm làm. Nếu bạn không thể làm vì điều gì đó, như bị ốm, không biết làm, thiếu máy tính… thì nên nói thẳng với người hướng dẫn.

Tôi để ý có rất nhiều bạn thực tập sinh trong mảng này cực kỳ vô trách nhiệm. Khi không thích, các bạn đơn giản là lượn mất. Người hướng dẫn hỏi sao việc chưa xong thì bạn nói bạn mệt không làm được, xong sau đó post hình Facebook đang đi chơi Vũng Tàu. Bạn không hề biết mình đang là một mắt xích quan trọng trong cả quy trình, và người hướng dẫn bạn sẽ phải làm gì nếu hạn hoàn thành tới mà bạn chả làm gì hết?

Một số người có nhu cầu khác, đó là họ muốn dạy lại người đi sau những công việc và giá trị họ tạo dựng. Giới chuyên môn kiểu này tìm kiếm những thực tập sinh thực sự chia sẻ đam mê nghề nghiệp với họ, nên nếu bạn chả đam mê gì hết thì rất khó gặp loại thầy này vì họ sẽ đẩy bạn ra ngoài cửa rồi.

Kiểu hướng dẫn này là kiểu bạn tôi và tôi đều đã gặp. Đầu tiên họ ép người thực tập làm những việc vô cùng cực, vô cùng lộn xộn. Họ quan sát sự nhiệt thành của người học và đáp lại như thể trong một tấm kiếng. Thái độ người thực tập nhiệt thành đến đâu, họ dạy lại nhiệt thành đến đó. Nhưng nếu người thực tập lười, lừa họ, thì họ đóng cửa lại ngay.

Giới chuyên môn này thường rất giỏi, và thực tập sinh đừng nghĩ mánh lới của bạn qua mặt được họ.

Có một lần tôi nói chuyện với một nhà báo, bác kể bác hướng dẫn một em sinh viên, và sáng đó bác bảo cậu ấy lên tòa làm giúp bác cái tin. Thay vì đi tới thiệt, bạn sinh viên đó nhờ bạn cậu chụp ảnh và chỉ viết lại nội dung tin đứa bạn cậu ta viết. Bác nói với tôi: “Nó nghĩ chú không biết hả, cái ảnh nó gửi chú thằng bạn nó đã gửi cho sếp nó, mà sếp nó cũng là học trò của chú. Làm phóng viên mà ngại đi làm thì thôi chứ làm gì!”

Sau đó, bác từ chối nhận bạn này tiếp tục thực tập, kết thúc chương trình trong ba nốt nhạc.

Mọi người đi làm đều cần tiền. Nhưng có thời gian tôi sẵn sàng làm không công và vất vả để học nghề, nhưng cũng có những việc tôi không bao giờ làm không công – vì khi ấy tôi đã biết làm và chẳng cần học thêm gì trong việc đó – khi ấy tôi cần được trả công.

Không có bài giải chung cho mọi công việc và sự nghiệp của tất cả đâu. Tự bạn phải đo nó thôi.

Khải Đơn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nguoi-tre-tap-su-tien-hay-kinh-nghiem-22156.html