Người trẻ thiếu kỹ năng quản lý chi tiêu
Đi làm với thu nhập khá nhưng vì áp lực phải giữ hình ảnh 'đẳng cấp' trên mạng xã hội, mất kiểm soát trong chi tiêu nên nhiều bạn trẻ rơi vào cảnh nợ nần, luôn bị căng thẳng về tài chính.
Thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng nhưng hiện tại, tiền tích lũy của Nguyễn Thúy Anh (ở quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) là âm. Đó là do cô bị mất kiểm soát trong chi tiêu. Nhìn thấy bạn bè có món đồ thời thượng, cô tìm cách mua bằng được. Khi là chiếc đồng hồ, khi thì chiếc túi có giá vài triệu đồng…
Mặc dù kinh tế không dư giả, thay vì mua máy tính loại thông thường, Thúy Anh cố mua máy tính Macbook để ngồi làm việc ở quán cà phê cho… sang chảnh. Điện thoại iPhone 16 vừa ra mắt, cô cũng mạnh tay chi hơn 30 triệu đồng để sở hữu.
Thực tế, số tiền cô có chưa đến 2/3 giá của món đồ, số còn lại cô phải đi vay. Thúy Anh luôn nghĩ giá trị của bản thân được đo bằng sự hào nhoáng bên ngoài và cô quyết phải bằng hoặc hơn người khác chứ không thể thua kém ai. Mạnh chi cho vẻ bề ngoài nên Thúy Anh không còn tiền chăm sóc cho "cái bụng".
Cô quan niệm, đói bụng một chút không sao, ăn uống kham khổ, đạm bạc cũng không ai biết. Thế nên, sau mỗi lần vung tay mua món đồ giá trị, cô chấp nhận ăn bánh mì, mì tôm qua ngày. Không ít lần, cô phải xoay xở, vay mượn khắp nơi mới đủ đóng tiền thuê nhà, trả tiền điện, nước.
Dù đang là sinh viên nhưng Bùi Kiều Anh (ở quận Bình Tân, TPHCM) tỏ ra khá rủng rỉnh tiền tiêu. Ngoài tiền bố mẹ chu cấp, cô rất chịu khó đi làm thêm. Có tiền, Kiều Anh chi tiêu vô tội vạ. Cô mua sắm đủ thứ, từ mỹ phẩm, quần áo, điện thoại…
Chưa kể, tuần nào cô cũng rủ bạn bè đi trải nghiệm các quán ăn được "review" trên Tiktok. Với cách tiêu tiền không kiểm soát, Kiều Anh đã từng có lần rơi vào cảnh không còn tiền để mua thuốc khi bị ốm.
Nhìn bác sĩ kê đơn thuốc tới 4-5 loại, cô chỉ biết "khóc trong lòng". Lúc đó, cô mới nhận ra hậu quả của việc chi tiêu hoang phí.
Theo các chuyên gia, nhiều người trẻ đang thiếu kỹ năng quản lý tài chính, dẫn đến tình trạng mất kiểm soát chi tiêu, mua sắm vô tội vạ…
Để giải quyết vấn đề này, cần đưa nội dung quản lý chi tiêu, quản lý tài chính vào chương trình giáo dục từ sớm, giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ giá trị của tiền bạc và có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả.