Người trẻ tìm cách tự chữa lành
Sau mùa dịch COVID-19, nhiều bạn trẻ có xu hướng tìm về bên trong để giảm lo âu, trầm cảm.
Hơn 10 người trẻ nằm trên những tấm thảm nhiều màu sắc và gối xếp thành vòng tròn. Mắt nhắm nghiền, một số duỗi thẳng chân về phía trước còn những người khác cuộn tròn, trông như đang ngủ.
Kong Yi hiện là người điều hành một studio cung cấp các khóa học chữa lành kết hợp các loại hình nghệ thuật như hội họa, âm nhạc và khiêu vũ. Cô ngồi khoanh chân trước mặt họ, gõ nhẹ vào những chiếc bát kim loại trước mặt, tạo ra âm thanh vang vọng trong căn phòng yên tĩnh ở trung tâm thành phố có nhịp sống nhanh Thâm Quyến.
Theo hướng dẫn của Kong, họ tham gia một buổi thiền và chữa bệnh bằng âm thanh kéo dài hai giờ, lắng nghe âm thanh từ các nhạc cụ. Sau cùng, họ được khuyến khích chia sẻ trò chuyện với những người khác cùng tham gia.
Những trải nghiệm như vậy có thể làm giảm căng thẳng, lo lắng và giảm trầm cảm, đã trở thành lựa chọn cho những người trẻ trong xã hội hiện đại đang gặp stress, tìm kiếm sự thư giãn và khám phá nội tâm.
Trong số các nhóm khách hàng của Kong có những người quan tâm đến nghệ thuật và chữa bệnh tâm lý, nhân viên văn phòng trẻ có học thức cần thư giãn và những bà mẹ toàn thời gian ham học hỏi và thích chuyện trò.
Kong cho biết: "Trải nghiệm này chỉ kéo dài nửa giờ, nhưng rất dễ chịu và thư giãn, nhiều người thức dậy với cảm giác như họ đã ngủ một giấc thật ngon. Thông qua thiền, tiềm năng tự phục hồi trong mỗi cá nhân được phát huy, đó là một quá trình mạnh mẽ. Họ loại bỏ được những suy nghĩ không có lợi cho cuộc sống và cảm thấy thư thái sau khi thiền", cô nói.
Kong Yi năm nay 37 tuổi, từng tốt nghiệp đại học, đã chuyển sang nghiên cứu chữa lành những năm gần đây sau khi được truyền cảm hứng trong lần thử đầu tiên vào năm 2016. "Mọi người thường đi xem phim, mua sắm, ăn uống nhưng bây giờ họ có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, đó là một loại khả năng cần rèn luyện, vì vậy việc chữa bệnh bằng âm thanh và thiền định mang lại sự khám phá nội tâm và được nhiều người ưa chuộng," cô nói. Trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, con người có nhu cầu xả stress và đời sống tinh thần ngày càng cao.
Sở thích xả stress
Theo một báo cáo được công bố bởi Bilibili, một nền tảng chia sẻ video phổ biến với giới trẻ Trung Quốc, vào tháng 10/2022, những người trẻ nước này ngày càng quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Số lượt xem các video liên quan đến các chủ đề như vậy trong năm qua đã tăng mạnh 83% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số những người dùng tìm kiếm câu trả lời hoặc đưa ra đề xuất về các vấn đề tâm lý thông qua nền tảng này, những người từ 24 tuổi trở xuống chiếm 76%. Báo cáo cho thấy những từ khóa cảm xúc có tần suất tìm kiếm cao trên nền tảng bao gồm lo lắng, trầm cảm và căng thẳng.
Nhu cầu tìm kiếm sự giải trí sau giờ làm việc của giới trẻ đã dẫn đến sự xuất hiện nhiều loại hình trải nghiệm mới lạ với mục đích thư giãn. Việc họ sẵn sàng chi tiền cho những sở thích thời thượng này đã thúc đẩy các doanh nghiệp hướng đến nhu cầu xả stress.
Một danh sách 10 hoạt động giảm căng thẳng phổ biến mới nổi trong năm nay do Meituan, một nền tảng dịch vụ đưa ra, bao gồm các trò chơi, mát-xa và nuôi chó mèo.
Trải nghiệm thủ công, đan len là hoạt động không thể bỏ qua tại các xưởng thủ công ở Trung Quốc trong năm nay, nơi khách hàng có thể trải nghiệm tự làm thảm hoặc túi xách. Ở đó khách hàng chọn một bức tranh họ thích và dùng súng bắn sợi tạo nên những sản phẩm bằng len đầy màu sắc, được đông đảo các bạn trẻ yêu thích vì đây là hoạt động rất dễ làm đầy thú vị.
Jiang Junqi, 28 tuổi, tốt nghiệp ngành nghệ thuật và là một họa sĩ minh họa tự do, đã đưa hoạt động thêu ren vào xưởng nghệ thuật dạy vẽ của cô ở trung tâm thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang vào đầu năm nay khi nhận thấy nhu cầu về nghề này tăng cao.
Vào những ngày cuối tuần, xưởng thêu ren thu hút các bạn trẻ yêu thích thủ công mỹ nghệ. Họ dành cả ngày để làm một cách tỉ mỉ, tiếng cười nói rôm rả tràn ngập căn phòng.
Jiang cho biết sinh viên và nhân viên văn phòng dưới 30 tuổi là những người thích hoạt động này. "Hoạt động này có thể làm thay đổi tinh thần. Nhiều người không biết họ có thể theo đuổi nghệ thuật bởi cho rằng rằng nghệ thuật rất khó. Thực tế không phải vậy, nghệ thuật ở xung quanh chúng ta. Những người trẻ tuổi bị căng thẳng muốn đến một nơi mà họ có thể có những trải nghiệm khác biệt khi rời công việc”, Jiang nói.
Tập boxing hai hoặc ba lần một tuần tại phòng tập thể dục đã trở thành thói quen từ nửa năm qua của Deng Yu, 30 tuổi, một luật sư ở Thượng Hải. “Dù chịu nhiều áp lực nhưng tôi phải kiềm chế, kiên nhẫn khi giao tiếp với khách hàng”, nam thanh niên nói. "Khi tập boxing, tôi tập trung cao độ, không nghĩ đến những rắc rối của mình. Tôi nhận thấy lợi ích từ việc tập thể thao, giúp bản thân cứng rắn hơn dù tôi biết mình vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống và giải quyết chúng.”
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-tre-tim-cach-tu-chua-lanh-post1525172.tpo