Người trẻ tốn gấp đôi tiền điện vì 'nuôi' đồ gia dụng thông minh

Dù hóa đơn tiền điện tăng lên 2 triệu đồng/tháng sau khi lắp đặt các thiết bị thông minh, Thịnh Cường (29 tuổi) vẫn chấp nhận để có thêm thời gian nghỉ ngơi mỗi tối.

Hóa đơn tiền điện của nhà Thịnh Cường (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tăng khoảng 1 triệu đồng, lên mức 2 triệu đồng mỗi tháng sau khi lắp đặt và sử dụng một số thiết bị thông minh. Theo Cường, các thiết bị này cũng giống ôtô, tốn chi phí “nuôi”.

Ban đầu, anh chỉ nghĩ đến khoản tiền sắm đồ gia dụng thông minh, chưa dự trù kinh phí “nuôi” máy móc. Vì thế, khi nhận thấy hóa đơn tiền điện tăng đều mỗi tháng, Thịnh Cường tương đối bất ngờ. Song, hóa đơn hiện tại vẫn nằm trong khả năng chi trả của anh.

Sau khi kiểm tra thông tin trên ứng dụng điều khiển và theo dõi, Cường nhận thấy hệ thống đèn LED cảm biến tại phòng khách, phòng ngủ và máy rửa bát trong khu vực bếp tương đối tốn điện.

“Tôi cũng xác định dùng chi phí điện gia tăng cho máy rửa bát, robot hút bụi để mua thời gian nghỉ ngơi mỗi tối, nên không quá tiếc”, Thịnh Cường chia sẻ.

Hệ thống công tắc thông minh trong căn hộ của Thịnh Cường. Ảnh: NVCC.

Hệ thống công tắc thông minh trong căn hộ của Thịnh Cường. Ảnh: NVCC.

Theo khảo sát Smart Home Consumer Trends and Shopping Insights của Security.org đăng tải năm 2021, khoảng 78% người dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho hệ thống nhà thông minh, 82% người thuê nhà mong muốn có ít nhất một thiết bị nhà thông minh tại nơi ở.

Điều này cho thấy sự phổ biến ngày càng tăng của các thiết bị này và xu hướng chấp nhận chi phí cao hơn để đổi lấy sự tiện nghi.

Trong khi một số người chấp nhận chi phí này như một phần của lối sống hiện đại, số khác lại tìm cách tiết kiệm bằng việc lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện hoặc điều chỉnh thói quen sử dụng.

'Hiện đại thì hại điện'

Bên cạnh các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng, Thịnh Cường cũng sử dụng hệ thống công tắc thông minh để kiểm soát các thiết bị điện trong nhà từ xa thông qua ứng dụng trên điện thoại, máy tính bảng. Các công tắc này cũng tiêu thụ một lượng điện năng, nhưng không đáng kể.

Nhờ hệ thống đèn cảm biến tự động tắt khi không có người, Cường cũng không còn lo lắng về việc quên tắt đèn khi ra khỏi nhà.

 Hóa đơn điện của Phương Thảo tăng gần gấp đôi so với lúc chưa sắm sửa loạt đồ gia dụng thông minh. Ảnh: NVCC.

Hóa đơn điện của Phương Thảo tăng gần gấp đôi so với lúc chưa sắm sửa loạt đồ gia dụng thông minh. Ảnh: NVCC.

Không riêng Cường, Trương Hùng (25 tuổi, quận 4, TP.HCM) cũng đối mặt với tình trạng tương tự. Với quan niệm "nhà là nơi để về", anh đầu tư gần 20 triệu đồng cho các thiết bị gia dụng thông minh, đặc biệt là máy lọc không khí, để hút lông của mèo và bụi mịn trong căn hộ chung cư tầng 19.

Việc thiết bị này hoạt động 24/24, cùng với máy hút bụi nệm được sử dụng hàng ngày, đã góp phần khiến hóa đơn tiền điện của Hùng tăng từ dưới 300.000 đồng lên 500.000-600.000 đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, chi phí này vẫn nằm trong hạn mức Hùng đề ra cho tiền thuê phòng và dịch vụ đi kèm, nên anh cũng không quá quan tâm.

"Việc sắm sửa thiết bị để nâng cao chất lượng cuộc sống giúp tôi giảm stress, tôi sẽ không để bản thân stress thêm chỉ vì vài trăm nghìn tiền điện", Hùng chia sẻ.

Bài toán chi phí điện năng

Tương tự, Ngân Hà (30 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng nhận thấy hóa đơn tiền điện tăng 1,5 lần sau khi sử dụng hàng loạt đồ gia dụng thông minh như nồi chiên không dầu, máy rửa bát, máy sấy quần áo và tủ ủi đồ.

Sau khi tham vấn ý kiến bạn bè có kinh nghiệm trong việc sắm thiết bị smarthome, Hà bắt đầu chú ý đến công suất, khả năng tiêu thụ điện của các sản phẩm. Khi có ý định sắm sửa đồ mới, cô đều tìm hiểu kỹ các thông tin này.

Máy lọc không khí trong phòng Trương Hùng bật liên tục, kể cả khi anh không ở nhà. Ảnh: NVCC.

Máy lọc không khí trong phòng Trương Hùng bật liên tục, kể cả khi anh không ở nhà. Ảnh: NVCC.

“Tôi lỡ mua nhiều món đồ hao điện do chưa đọc kỹ thông số in trên bao bì, thiếu tính toán. Sau một thời gian sử dụng, tôi mới có thể rút kinh nghiệm”, Ngân Hà nói.

Cô cũng có ý định thanh lý một số thiết bị ngốn nhiều điện năng, thay thế bằng các sản phẩm tiết kiệm điện khác trong tương lai. Đây là phương án giúp Hà duy trì mô hình smarthome lâu dài.

“Trong cái rủi, có cái may”, việc dùng các thiết bị gia dụng thông minh cho phép Thịnh Cường theo dõi số điện tiêu thụ trên ứng dụng điện thoại. Từ báo cáo của ứng dụng này, anh có thể nhận biết các loại máy móc hao điện, hạn chế sử dụng khi có thể.

Sau khi theo dõi và điều chỉnh, Cường ghi nhận hóa đơn tiền điện của nhà anh giảm khoảng 10%. Anh dự định theo dõi sát sao hơn để tiết kiệm chi phí điện tiêu dùng, duy trì khả năng chi trả nếu bổ sung thiết bị mới trong tương lai.

“Tôi phải làm quen với smarthome. Ban đầu chưa quen, tôi tốn kém hơn. Nhưng khi quen rồi, chi phí tiền điện sẽ không đội lên nhiều”, Thịnh Cường chia sẻ.

Trái ngược với Thịnh Cường, Phương Thảo (26 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) không quá lo lắng về chi phí điện tăng gần gấp đôi vì bạn trai cô hỗ trợ chi trả.

Căn hộ của cô được trang bị đầy đủ các thiết bị gia dụng thông minh, từ đèn ngủ, loa, SmartTV Sony cho đến bộ sưu tập máy hút bụi robot, hút sàn cầm tay và hút bụi nệm.

"Chúng tôi xem như đó là khoản chi để mua thời gian dọn dẹp nhà cửa", chuyên viên bán hàng tại công ty quận 1 nói.

Như Phương - Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ton-gap-doi-tien-dien-vi-nuoi-do-gia-dung-thong-minh-post1489150.html