'Chia phe' trước lựa chọn xe xăng hay xe điện

Trước lộ trình siết xe xăng, một số tài xế trẻ tại Hà Nội, TP.HCM vẫn gắn bó với ôtô xăng vì tiện đường dài, trong khi nhiều người chọn xe điện bởi chi phí và môi trường.

 Giữa lúc các thành phố lớn siết chặt việc lưu thông xe xăng, không phải ai cũng sẵn sàng “chia tay” xe xăng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Giữa lúc các thành phố lớn siết chặt việc lưu thông xe xăng, không phải ai cũng sẵn sàng “chia tay” xe xăng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trước lộ trình hạn chế xe xăng tại Hà Nội và TP.HCM nhằm bảo vệ môi trường, nhiều người dùng ôtô đứng trước lựa chọn: tiếp tục dùng xe xăng hay chuyển sang xe điện.

Theo quan sát của Tri Thức - Znews, trên các hội nhóm về xe máy và ôtô, chủ đề “nên mua xe xăng hay xe điện” đang thu hút nhiều sự quan tâm. Một số người dùng, đặc biệt ở đô thị, đang tính bán xe xăng để đổi sang xe điện, vì cho rằng xe điện tiết kiệm chi phí hơn, thân thiện với môi trường và phù hợp với việc di chuyển trong thành phố.

Tuy vậy, không phải ai cũng sẵn sàng đổi xe. Nhiều người trẻ vẫn gắn bó với xe xăng vì quen thuộc, dễ tiếp nhiên liệu và phù hợp với những chuyến đi xa.

Vẫn gắn bó với xe xăng

Trước thông tin xe xăng bị hạn chế lưu thông trong khu vực Vành đai 1 thủ đô, Tuấn Tú (31 tuổi, phường Thanh Xuân, Hà Nội) không quá lo ngại. Anh hiện lái ôtô Mazda 3 đi làm, may mắn không phải di chuyển vào Vành đai 1 mỗi ngày do cả nhà riêng và văn phòng công ty đều nằm ngoài khu vực trên.

Chủ sở hữu xe hơi này không có ý định đổi sang ôtô điện trong tương lai gần. Do tính chất công việc, anh thỉnh thoảng phải di chuyển đến một số tỉnh thành lân cận Hà Nội, đồng thời lái xe về quê Quảng Ninh để thăm gia đình 1-2 lần/tháng.

Với nhu cầu đi đường dài, Tú chưa yên tâm chuyển đổi sang xe điện. Phạm vi di chuyển hạn chế chỉ từ 250-400 km/lần sạc khiến người dùng phải phụ thuộc nhiều vào trạm sạc dọc đường. Tuy nhiên, Tuấn Tú nhận thấy hệ thống trạm sạc ôtô điện tại Hà Nội vẫn chưa phổ biến, khó đáp ứng nhu cầu của tài xế.

Hơn nữa, nếu đổi sang xe điện, anh còn phải nghĩ đến việc chuyển nhà. Khu chung cư mà Tú đang sinh sống không cung cấp hệ thống trạm sạc chuyên dụng, khó phục vụ số lượng lớn ôtô điện.

 Thanh Tâm quyết định mua ôtô điện sau một thời gian cân nhắc. Ảnh: NVCC.

Thanh Tâm quyết định mua ôtô điện sau một thời gian cân nhắc. Ảnh: NVCC.

“Đổi xe đồng nghĩa phải nghĩ đến chuyện chuyển nhà, điều đó khiến tôi khá lưỡng lự”, Tuấn Tú giãi bày.

Bên cạnh đó, chủ sở hữu chiếc Mazda 3 cũng thấy ôtô xăng vẫn được giá hơn ôtô điện trên thị trường thứ cấp. Thị trường xe điện cũ hiện chưa phát triển, khiến các chủ xe phải bán lại với mức giá thấp. Điều này đến từ tâm lý lo ngại về tuổi thọ pin của người mua ôtô điện cũ.

Ở thời điểm hiện tại, Tuấn Tú vẫn hài lòng với ôtô xăng, cho rằng sự bất tiện khi di chuyển vào khu vực Vành đai 1 không phải yếu tố đáng kể.

Khi quy định cấm được áp dụng, anh dự định sử dụng xe công nghệ để đi ăn uống, gặp gỡ bạn bè trong khu vực này. Do đây không phải nhu cầu thiết yếu, Tú hoàn toàn yên tâm.

Chuyển sang ôtô điện

Trong khi đó, Thanh Tâm (26 tuổi, phường Thạnh Mỹ Tây, TP.HCM) lại quyết định mua ôtô điện của thương hiệu nội địa sau một thời gian cân nhắc. Ban đầu, Tâm còn e ngại sử dụng xe điện, nhưng trở nên cởi mở hơn khi thấy bạn bè xung quanh bắt đầu lái xế hộp chạy bằng điện ra đường.

Hơn nữa, giá cả cũng là vấn đề được cô quan tâm. Với khoảng 300 triệu đồng, cô có thể mua một chiếc ôtô điện mới, nhưng chỉ có khả năng sắm xe xăng cũ. Không rành về máy móc, sửa chữa và thay thế phụ tùng, Thanh Tâm tương đối ái ngại khi mua ôtô đã qua sử dụng.

Không chỉ đỡ tốn chi phí mua ban đầu, cô còn tiết kiệm được một khoản “nuôi” xe lớn nếu lái ôtô điện. Hiện Thanh Tâm sống cùng bố mẹ tại nhà riêng, hoàn toàn có thể sử dụng nguồn điện dân dụng ở nhà để sạc xe, đỡ tốn kém hơn nhiều so với việc chi trả tiền nhiên liệu cho xe xăng.

Vì nhà có khu vực đậu xe sẵn, cô cũng không phải lo lắng về chỗ để và trạm sạc như những chủ xe sống tại các khu chung cư. Nhìn chung, Tâm đánh giá ôtô điện là sự lựa chọn phù hợp với cô ở thời điểm hiện tại, giúp tránh mưa che nắng khi đi làm mỗi ngày.

Hơn nữa, cô gái trẻ cũng không có nhu cầu lái xe ra khu vực ngoại thành hay đến các tỉnh thành khác, chỉ di chuyển nội đô mỗi ngày, bớt lo lắng về vấn đề xe hết điện giữa đường.

“Tôi cũng thấy thích thú khi nhìn bạn bè trang trí chiếc xe hơi theo phong cách cá nhân, muốn sớm sở hữu để mang đi ‘độ’ nội thất”, Tâm bổ sung.

 Ngọc Thành mua xe điện vì ưu tiên bảo vệ môi trường. Ảnh: NVCC.

Ngọc Thành mua xe điện vì ưu tiên bảo vệ môi trường. Ảnh: NVCC.

Cũng chọn mua ôtô điện từ sớm, Ngọc Thành (32 tuổi, phường Tân Thuận, TP.HCM) cảm thấy “may mắn” khi đã sở hữu một chiếc trong phân khúc giá rẻ từ cuối năm ngoái.

“Tôi thấy quyết định của mình đúng đắn, nhất là khi nghe các thông tin về lộ trình cấm xe xăng trong thời gian tới”, anh nói.

Là người có gia đình và con nhỏ, Thành cho biết tiêu chí hàng đầu khi chọn ôtô là một phương tiện vận hành êm, ít phát thải trong quá trình sử dụng và phù hợp với xu hướng giảm ô nhiễm.

Theo anh, xăng dầu sớm muộn rồi cũng sẽ cạn kiệt. Trong khi đó, khí thải từ xe xăng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các thành phố đông dân như TP.HCM.

“Chở con đi học mỗi sáng chiều, tôi muốn bé được hít thở bầu không khí trong lành hơn chút nào hay chút đó”, anh bày tỏ.

Chiếc xe hiện được sử dụng cho hầu hết nhu cầu di chuyển trong gia đình, như đưa đón con đi học, chở vợ con đi siêu thị. Bên cạnh đó, anh hài lòng vì loại xe mình chọn có gầm xe cao, dễ bảo dưỡng, và có thể tự tin lội nước khi thành phố vào mùa mưa.

Dù hài lòng với lựa chọn hiện tại, Thành cũng thẳng thắn nhìn nhận những điểm còn hạn chế của xe điện.

“Kẹt xe là điều không tránh khỏi ở TP.HCM. Tôi vẫn hơi lo khi dừng trong đám đông nhưng pin vẫn tụt”, anh nói. Theo anh, dù có sạc nhanh, việc chờ hơn 30 phút vẫn bất tiện so với 5 phút đổ xăng.

Ngoài ra, vì chọn dòng xe điện giá rẻ chỉ có 2 cửa, anh cũng gặp một số bất tiện khi sử dụng. Xe nhỏ gọn nên chở 2 người lớn hoặc đưa đón con đi học thì thoải mái. Tuy nhiên, nếu đi đủ 4 người, việc lên xuống sẽ khá bất tiện vì hàng ghế sau chỉ có một cửa, buộc người ngồi phải trèo qua ghế trước.

Như Phương - Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chia-phe-truoc-lua-chon-xe-xang-hay-xe-dien-post1570436.html