Người trẻ Trung Quốc chật vật tìm cách chữa mất ngủ
Với những người thường xuyên trằn trọc, thao thức về đêm tại Trung Quốc, họ có thể tìm đến dịch vụ ru ngủ trực tuyến, nơi các nhân viên sẽ trò chuyện, giúp họ vào giấc.
Zhuang Xiao (22 tuổi) là 1 trong 300 triệu người không thể đi ngủ sớm tại Trung Quốc. Kể từ năm ba trung học, cô chưa bao giờ ngủ trước 0 giờ. Vào ngày nghỉ, cô chỉ đi ngủ lúc 2 giờ 30 phút và thức dậy vào trưa hôm sau, theo The Paper.
Nữ sinh viên thường xuyên bị trằn trọc. Kể cả tắt điện, lên giường lúc 23 giờ, cô cũng phải mất 2 tiếng mới vào giấc.
Cô từng thử nhiều cách giúp ngủ sớm như đếm cừu, thở sâu, tập thể dục nhưng đều không thành. "Tập luyện xong, cơ thể tôi rất mệt mỏi nhưng đầu óc vẫn thao thức", cô kể lại.
Nhiều người bạn đại học của cô cũng trong tình cảnh tương tự. Câu chuyện của Xiao đại diện cho vấn đề đang phổ biến tại Trung Quốc: người trẻ ngủ không đủ giấc, vật lộn với chứng mất ngủ, dễ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Trằn trọc vì khó ngủ
Trong khảo sát về chất lượng giấc ngủ do Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc công bố vào cuối tháng 10 năm ngoái, tỷ lệ mất ngủ ở người lớn tại nước này là 38,2%, tương đương với hơn 300 triệu người bị rối loạn giấc ngủ.
“Hơn ba phần tư trong số họ chỉ ngủ được sau 23 giờ, số còn lại chỉ có thể vào giấc sau 1 giờ sáng”, khảo sát cho biết.
Đáng nói, vấn đề này đang nổi cộm ở giới trẻ nước này. Theo báo cáo từ Ali Health, nền tảng chăm sóc sức khỏe hàng đầu Trung Quốc, nhóm người dưới 30 tuổi chiếm tới 60% những đối tượng mắc chứng mất ngủ ở xứ tỷ dân.
Báo cáo từ Ali Health cũng cho thấy các từ khóa tìm kiếm về “chứng mất ngủ” đã tăng 126% trong 3 tháng đầu năm 2021 so với quý trước. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trung bình người dân đi ngủ muộn hơn 2-3 tiếng, theo báo cáo từ Xinhua News Agency.
Trên mạng xã hội, mất ngủ trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi với hashtag "những thanh niên thập niên 90 mất ngủ" thu hút 290 triệu lượt xem và hàng chục nghìn bình luận trên Weibo, trong đó nhiều người chia sẻ trải nghiệm của mình.
Lý do chính đằng sau chứng mất ngủ có thể kể đến lối sống ít vận động, sử dụng nhiều thiết bị điện tử. Ngoài ra, mệt mỏi công việc, áp lực cạnh tranh để có nghề nghiệp, có chỗ đứng trong xã hội cũng góp phần khiến giấc ngủ của thanh niên Trung Quốc ngày càng ngắn.
Hậu quả của chứng rối loạn giấc ngủ dẫn đến làm trầm trọng thêm nỗi lo lắng, cảm giác cô đơn hoặc căng thẳng tinh thần, tệ hơn là trầm cảm.
Từ chứng mất ngủ của giới trẻ, nền công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ trở thành mảng thị trường béo bở, ăn nên làm ra tại quốc gia tỷ dân.
Doanh số siro ngủ, gối ngủ, nến thơm, kẹo cải thiện giấc ngủ bùng nổ. Băng bịt mắt, nút tai và đèn ngủ là những món hàng phổ biến trong giỏ hàng thanh niên.
Thuê người ru ngủ
Với 300 triệu người vật lộn với chứng mất ngủ, các dịch vụ liên quan đến giúp người khác ngủ được xuất hiện, thu hút một lượng khách hàng đông đảo tìm đến.
Zhou Shuai, một nhân viên làm công việc "dỗ người lạ ngủ", thường xuyên phải túc trực vào buổi đêm. 1 giờ sáng, anh nhận được cuộc gọi của tổng đài, thông báo có một khách hàng tìm gặp, theo The Paper.
Ở đầu dây bên kia, cô gái cho biết mình vừa đáp chuyến bay đêm từ quê lên thành phố. Nằm trằn trọc mãi không vào giấc, cô đặt dịch vụ kéo dài 1 tiếng với số tiền 110 tệ để có người hàn huyên cùng.
Zhou Shuai bắt đầu hỏi cô gái về cuộc sống, công việc của cô gái. Hai giờ trôi qua, khách hàng dần buồn ngủ. Anh giữ điện thoại cho đến khi không nghe thấy âm thanh đáp lại từ đầu dây bên kia.
Hiện tại, Zhou Shuai có thể kiếm 60 tệ cho 30 phút trò chuyện. Nếu được “thăng hạng” cao hơn, anh có thể kiếm gấp 2-3 lần.
Khi dỗ ngủ, anh sẽ tùy theo nhu cầu của khách mà thực hiện nhiều cách khác nhau, từ lắng nghe cho đến tự kể câu chuyện của bản thân.
Nếu phát hiện đầu dây bên kia sắp chìm vào giấc ngủ, anh sẽ không ngừng nói chuyện hay cúp máy đột ngột. “Nếu đột nhiên tôi im lặng, bên kia sẽ lập tức tỉnh lại”, anh nói.
Theo anh, công việc “dỗ ngủ” cũng giống như giúp an ủi người lạ, xua tan nỗi cô đơn của họ.
Thủ tục ứng tuyển nhân viên dỗ giấc ngủ không quá phức tạp, chỉ cần nộp ảnh và ghi âm giọng nói, sau đó trải qua vài buổi đào tạo là có thể bắt đầu làm việc. Tuy vậy, vẫn có những yêu cầu bắt buộc như phải kiên nhẫn, lịch sự, biết đồng cảm, biết trò chuyện.
Một dịch vụ đắt khách khác là các video hỗ trợ giấc ngủ ASRM (Autonomous sensory meridian response), nghĩa là phản ứng cực khoái cảm giác độc lập. Đây là những video mô phỏng lại các âm thanh rất nhỏ, khiến người nghe thư giãn, thoải mái, dễ vào giấc.
Xiu Weiya, một streamer ở Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), nổi tiếng với những video ASMR từ năm 2018. Từ tháng 5/2017, Xiu Weiya bắt đầu công việc này với mục đích giúp người xem vượt qua chứng mất ngủ và giảm áp lực.
Trong các video của mình, cô nói chuyện bằng giọng thầm thì, gõ nhịp hay tạo ra các âm thanh dễ nghe, kích thích cảm xúc khán giả bằng đồ vậy. Ví dụ như nhấn một cái gối đầy hạt nhựa bên trong, cọ xát nhẹ giấy mỏng để mô phỏng âm thanh lấy khoai tây chiên ra từ chảo dầu, hay dùng chày xoay bên trong cối chứa gạo.
Dù video ASMR chữa mất ngủ càng phổ biến, cách này lại nảy sinh nhiều biến tướng.
Để câu kéo người xem, nhiều streamer cố tình ăn mặc khiêu gợi, thiếu vải, mô phỏng các âm thanh nhạy cảm như liếm tai, rên rỉ. Theo Beijing News, các video ASMR có nội dung khiêu dâm trá hình vẫn dễ dàng mua bán trên mạng xã hội dưới cái tên "video dỗ ngủ".
Ngoài ra, một số người trẻ mất ngủ lại chọn cách thiếu an toàn hơn. Họ tìm mua và sử dụng các loại thuốc an thần, giúp dễ ngủ.
Melatonin - một chất hỗ trợ chất lượng giấc ngủ - được rao bán trên mạng và có thể dễ dàng mua mà không cần kê đơn. Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng melatonin bao gồm chóng mặt, buồn nôn và nhức đầu.
Điều đáng nói, người mua chúng có cả những người không bị rối loạn giấc ngủ nhưng muốn chạy theo trào lưu mất ngủ ở giới trẻ.