Người trẻ Trung Quốc tìm lại tuổi thơ ở tiệm net

Khi smartphone, Internet ngày càng phổ biến, các tiệm net truyền thống dần đi vào dĩ vãng. Nhiều tiệm cố đổi mình để sống sót bằng cách bổ sung dịch vụ, như ngủ qua đêm, làm Powerpoint, xem phim với bạn bè và giúp giới trẻ ôn lại kỷ niệm xưa.

 Một quán net ở Bắc Kinh năm 1996. Ảnh: VCG.

Một quán net ở Bắc Kinh năm 1996. Ảnh: VCG.

Mùi hăng của thuốc lá rẻ tiền, mì ăn liền và mùi mồ hôi lơ lửng trong không khí khi Tao bật máy tính trong một quán net ở Bắc Kinh vào chiều tháng 4. “Tôi đến đây vì bầu không khí này”, anh nói với World of Chinese. Bao quanh anh khi đó là tiếng lách cách của bàn phím, tiếng ồn ào của máy tính chơi game kịch liệt và tiếng game thủ bên cạnh chửi thề.

“Nhưng mọi thứ không hoàn toàn giống trước đây. Ngày xưa còn ồn ào hơn nhiều”, chàng trai thế hệ Millennials nói.

Đối với nhiều người Trung Quốc sinh vào những năm 1980-90 như Tao, quán net (hay wangba trong tiếng Trung) là một phần quan trọng trong tuổi trẻ. Đây là nơi họ đến để đọc blog, chơi game với bạn bè, nhắn tin cho nhau trên QQ, lén trốn cha mẹ, ký túc xá thời đại học hay giết thời gian trong lúc rảnh rỗi.

Nhưng khi smartphone và Internet trở nên dễ tiếp cận hơn vào giai đoạn 2010, wangba bắt đầu mất đi sức hấp dẫn, tụt dốc từ mức đỉnh 150.000 quán net được cấp phép trên toàn quốc.

Một số cửa hàng cố gắng tồn tại dưới dạng địa điểm giải trí linh hoạt, có thể đáp ứng các nhu cầu khác nhau như chơi game, ngủ qua đêm, sửa bài thuyết trình Powerpoint, xem phim với bạn bè… Nhưng đối với Tao và nhiều người khác thuộc thế hệ Millennials, những quán net này lại là nơi tìm về thời thơ ấu.

“Chương đen tối nhất trong lịch sử ngành game Trung Quốc”

Trung Quốc lần đầu tiên kết nối với mạng toàn cầu vào năm 1994. Ngay sau đó, wangba bắt đầu xuất hiện ở các thành phố. Vào thời kỳ đầu, việc lên mạng rất tốn kém, có thể lên tới 30 nhân dân tệ/giờ. Điều đó có nghĩa là chi phí cho 24 giờ lướt mạng trong tiệm net còn cao một tháng lương thời đó.

 Tiệm net là điểm đến quen thuộc của giới trẻ Trung Quốc những năm 1990-2000. Ảnh: CFP.

Tiệm net là điểm đến quen thuộc của giới trẻ Trung Quốc những năm 1990-2000. Ảnh: CFP.

Đến đầu những năm 2000, wangba xuất hiện ở hầu hết thành phố của Trung Quốc và giá cả cũng giảm đáng kể. “Lệ phí mỗi giờ lúc đó là 8 nhân tệ”, Liu Ming (37 tuổi) đến từ Nam Xương, tỉnh Giang Tây, nhớ lại. Anh bắt đầu đến wangba khi còn học trung học. “Nếu bạn muốn qua đêm, mức phí cố định là 5 nhân dân tệ”, Liu cho biết.

Ngành công nghiệp này bùng nổ vào những năm 2000, với hơn 100.000 wangba được đăng ký hoạt động vào năm 2002, theo iResearch.

Song, làn sóng này dần hạ nhiệt. Khi nhà nước quản lý wangba chặt chẽ hơn, nhiều bậc cha mẹ cũng cố gắng kiểm soát thói quen của con cái. Các "trại cai nghiện Internet" bắt đầu nở rộ khi lo ngại về tác động tiêu cực của Internet và trò chơi điện tử trực tuyến đối với trẻ em lan truyền trên các mạng xã hội.

"Một số người còn được điều trị bằng sốc điện, rất đáng sợ. Đây là chương đen tối nhất trong lịch sử ngành game ở Trung Quốc”, người chơi Xu Ruqing (28 tuổi) nhớ lại.

Trong đó, bác sĩ tâm thần Yang Yongxin là người đứng đầu một trung tâm điều trị chứng nghiện Internet khét tiếng ở tỉnh Sơn Đông. Ông cũng là một trong những người đề xướng liệu pháp điện giật để điều trị chứng nghiện game và Internet. thanh niên. Sau đó, hành vi này bị Bộ Y tế cấm vào năm 2009 và luật cấm vào năm 2017.

Cứ thế, ngành công nghiệp wangba đã bắt đầu hạ nhiệt. Giấy phép kinh doanh đã được cấp lại từ cuối năm 2013, giúp số lượng quán net được cấp phép tăng lên trong thời gian ngắn. Song, con số này liên tục giảm trong nhiều năm kể từ thời điểm đó. Hơn 12.000 công ty liên quan đến wangba đã ngừng hoạt động vào năm 2020 do đại dịch, theo số liệu của Tianyancha.

Những tiệm net phải đổi mình để tồn tại

Chủ tiệm net ở Bắc Kinh mà Tao thường lui tới cho biết họ buộc phải đóng cửa trong 2 năm dịch Covid-19, nhưng hoạt động kinh doanh đang phục hồi trở lại. Một thế hệ khách hàng mới đang nổi lên. Nhiều người bị lôi cuốn bởi những câu chuyện về tiệm net thời những năm 1990-2000.

Mô hình tiệm net cũng dần thích nghi để thu hút khách hàng mới. Vài tiệm chọn đầu tư vào khách hàng game thủ. Họ tự quảng cáo mình là trung tâm thể thao điện tử với các tiện nghi mới nhất như phòng riêng, tặng trang bị cao cấp…

 Internet, smartphone phát triển, quán net truyền thông dần đi về dĩ vãng. Ảnh: VCG.

Internet, smartphone phát triển, quán net truyền thông dần đi về dĩ vãng. Ảnh: VCG.

Một vài tiệm khác mở rộng dịch vụ ra ngoài mục đích lướt Internet và chơi game. “Chúng tôi sẽ tân trang lại nơi này vào mùa hè, xây thêm một số phòng chơi mạt chược và các trò chơi khác, hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều người”, chủ một tiệm wangba phía bắc Sanlitun, khu trung tâm mua sắm và giải trí về đêm ở Bắc Kinh, cho biết.

Song, đến nay, tình hình kinh doanh của các tiệm net ở Trung Quốc vẫn chậm lại trông thấy. Quán net Tao ghé thăm là một trong những nơi gợi lại ký ức về wangba ngày xưa với bầu không khí u ám, vài chiếc PC đã cũ, bàn ghế đôi khi hơi bẩn.

Mùi thuốc lá rẻ tiền và mì ăn liền quen thuộc còn đọng lại trong không khí, trong khi các game thủ gõ mạnh vào bàn phím và la hét trong các trận đấu Liên Minh Huyền Thoại.

Sau 23h, khách hàng có thể trả một khoản phí cố định 51 nhân dân tệ để qua đêm. Đây là lúc có nhiều người bắt đầu đến hơn. Một số người trốn vào những góc khuất của tiệm net với những chiếc PC cơ bản nhất để đi ngủ ngay, trong khi những người khác mang đồ uống, thức ăn và chơi suốt đêm.

Bên cạnh những khách hàng quen đang tìm kiếm một nơi ngủ giá rẻ, không ít người thuộc thế hệ Millennials hoài cổ muốn thoát khỏi thực tế khắc nghiệt của cuộc sống trưởng thành bằng cách tìm đến những quán net xưa. 2 đối tượng khách hàng này đã đủ để duy trì tài chính cho những mô hình kinh doanh này.

Tuy nhiên, chủ tiệm net ở đây tỏ ra bi quan về thời huy hoàng đã qua của wangba trong những năm 1990-2000. “Tình hình kinh doanh của quán net không hề tốt. Trẻ em ngày nay chỉ chơi với điện thoại”, anh nói với World of Chinese.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-tre-trung-quoc-tim-lai-tuoi-tho-o-tiem-net-post1485113.html