Người trẻ xê dịch (kỳ 1): Sức mạnh của yêu thương

Đi qua đại dịch COVID-19, đa phần người trẻ đã nhận ra được nhiều giá trị đích thực của cuộc sống và họ đã thay đổi bản thân, từ nhận thức về đời sống, việc làm cho tới lối sống hằng ngày. Mọi thứ đều 'xê dịch' theo chiều hướng tích cực...

Trong lúc phải ở yên trong nhà và mọi thứ tưởng chừng đóng băng vì dịch bệnh, thì lại có rất nhiều sự đổi thay, đó là tình yêu thương, sự gắn kết của các cá nhân trong gia đình, của mỗi con người với cộng đồng… trỗi dậy mạnh mẽ.

Yêu gia đình nhiều hơn

Vốn đam mê trở thành nhà văn chuyên về thể loại tiểu thuyết, Nguyễn Nga (34 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) dành gần như toàn bộ thời gian theo đuổi ước mơ của mình. Cô rất ít đi chơi, thỉnh thoảng mới về quê ở Đồng Nai thăm ba mẹ dịp lễ Tết… Thế nhưng, đại dịch COVID-19 vừa qua đã làm thay đổi suy nghĩ của Nga. “Khi dịch bùng phát, tôi bị kẹt lại ở thành phố, trong khi ba mẹ vẫn ở quê. Tôi chỉ có thể gặp họ qua điện thoại. Ba mẹ lớn tuổi, mình lại không ở gần trong lúc dịch bệnh phức tạp nên lòng nóng như lửa đốt, chỉ mong ba mẹ và gia đình bình an. Tôi tự nhủ, sau này hết dịch sẽ thường xuyên về thăm gia đình nhiều hơn” - Nguyễn Nga tâm sự.

 Tâm Nguyễn tặng quà cho trẻ em ở Buôn Chuối (Lâm Đồng)

Tâm Nguyễn tặng quà cho trẻ em ở Buôn Chuối (Lâm Đồng)

Sắp xếp lại chiếc túi xách với những món quà nhỏ xinh tặng ba mẹ, hạnh phúc chờ cuối tuần sẽ bắt chuyến xe khách để về quê thăm gia đình, Nga kể, dù công việc có bận rộn ra sao, mỗi tháng Nga đều dành 2-3 hôm để về quê ở với cha mẹ và em gái. Được quây quần bên mâm cơm nóng hổi cùng gia đình, được nhìn thấy những người thân yêu, với Nga - hạnh phúc đó không thể diễn bằng lời.

Bây giờ làm gì, Nga đều có kế hoạch cụ thể hơn, sao cho vừa có thời gian cho công việc, vừa cân bằng cuộc sống cá nhân bằng cách vui chơi, ăn uống điều độ. Cô gái này còn dành thời gian để tự học tập, rèn luyện thêm kỹ năng mềm về giao tiếp, ứng xử. Cô cho biết, đang dành dụm kinh phí để thực hiện ước mơ xuất bản in cuốn tiểu thuyết đã ấp ủ bấy lâu nay. Hiện tại, Nga đang lấy ngắn nuôi dài bằng cách xuất bản sách điện tử, vừa tối giản chi phí in ấn, vừa đỡ lo khâu quảng bá, phát hành.

Khi dịch bùng lên và phải thực hiện giãn cách xã hội, chị Đỗ Thị Lan Hương (36 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) tham gia nhóm “Yêu bếp”, “Nghiện nhà” trên mạng. Từ đó, chị thay đổi dần thói quen “cơm hàng cháo chợ” của gia đình. Vợ chồng chị Hương có 2 con đang học lớp 4 và lớp 6. Mỗi buổi chiều tan ca, vợ chồng thay nhau đón con rồi đưa đi học thêm các kiểu đến khoảng 20 giờ. Chẳng kịp nấu nướng, cả nhà dùng bữa tối bằng thức ăn nhanh (fast food), hoặc mua cơm hộp. Sau đó ai lại ôm việc người nấy, hiếm khi trò chuyện với nhau.

“Ban ngày vợ chồng ăn cơm ở cơ quan, con cái ăn ở trường; đến tối mỗi người cũng ôm hộp cơm nên không khí quây quần bên mâm cơm, chuyện trò cùng nhau gần như không có. Vậy mà từ khi thực hiện “ai ở đâu, ở yên đó”, tình cảm gia đình gắn kết hẳn. Chúng tôi có thời gian quan tâm, lắng nghe con nhiều hơn. Con cái tâm sự, thủ thỉ nhiều chuyện “bí mật vị thành niên” cùng bố mẹ. Chúng tôi còn cùng nhau vào bếp, cùng nấu ăn và ăn cùng nhau” - chị Hương nói.

Bây giờ, dù dịch bệnh đã được kiểm soát, cuộc sống bình thường đã trở lại nhưng gia đình nhỏ của chị Hương đều giữ thói quen cùng nấu ăn mỗi chiều tối. Từng thành viên cùng chia sẻ với nhau việc nhà; lên thời gian biểu làm việc, học hành khoa học hơn… Tình cảm gia đình thêm gắn kết!

Sống để cho đi

Vừa tổ chức đoàn từ thiện đến thăm, tặng quà bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Mai Hòa (huyện Củ Chi), anh Tâm Nguyễn (28 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) đã lên kế hoạch tiếp theo để chăm lo cho trẻ em dịp Noel, Tết sắp đến. Trò chuyện cùng chúng tôi, Tâm Nguyễn cho hay, dịch bệnh đã làm anh thay đổi không ngờ. Từ một nhân viên văn phòng ngày ngày đi làm, cuối tháng chờ lương, anh đã mạnh dạn bước ra vùng an toàn, tự mình kinh doanh và nhận thêm nhiều công việc tự do (freelancer) đúng chuyên môn. Đặc biệt, anh tâm nguyện “sống là phải cho đi” nên anh tổ chức nhiều chuyến từ thiện đến các vùng sâu vùng xa, những mái ấm, nhà tình thương… để đem niềm vui, hạnh phúc đến trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn. Anh còn là tình nguyện viên hiến máu cứu người.

 Làm việc ở thành phố nhưng tháng nào Nguyễn Nga cũng sắp xếp công việc để về Đồng Nai thăm gia đình

Làm việc ở thành phố nhưng tháng nào Nguyễn Nga cũng sắp xếp công việc để về Đồng Nai thăm gia đình

“Trong giai đoạn dịch bệnh, tôi cùng những người bạn của mình tham gia “cấp cứu ô-xi”, tiếp tế thực phẩm cho người dân… Bất kể xa gần, ngày hay đêm, chỉ cần nhận được thông tin cần hỗ trợ, chúng tôi đều đến tận nơi ứng tiếp. “Máu” tình nguyện được hun đúc từ đó. Sau dịch, tôi vẫn tiếp tục làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em, người già khó khăn. Nếu trước đây mình làm đơn độc, lâu lâu đi một lần thì bây giờ có thêm bạn bè, người quen cùng tham gia, lan tỏa tinh thần thiện nguyện nhiều hơn” - Tâm nói.

Vốn là tiểu thư quen ăn sung mặc sướng, luôn được cha mẹ bao bọc, chưa bao giờ cô nàng gen Z Lê Thị Trà My (22 tuổi, ngụ quận 7) phải làm việc nặng nhọc. Vậy mà suốt mùa dịch vừa qua, cô đã giấu cha mẹ tham gia nhóm tình nguyện sinh viên vận chuyển thực phẩm, nấu ăn, tiếp tế lương thực cho các bệnh viện dã chiến ở TPHCM.

Trong một lần đi làm tình nguyện, Trà My không may bị mắc COVID-19. Lúc đó, cô đã rất hoang mang lo lắng nhưng không phải cho bản thân, mà bởi cô sợ rằng sẽ liên lụy đến đồng đội. “Các anh chị em trong đội tình nguyện thường xuyên nhắn tin động viên và an ủi đó cũng là động lực giúp tôi cố gắng vững tinh thần chữa trị thật tốt, tôi cũng đã âm tính trở lại và đủ thời gian cách ly tại địa phương. Sau đó tôi lại tiếp tục xông pha ra trận”- Trà My vui vẻ nói.

Từ những lần tình nguyện như thế, Trà My trưởng thành hơn và biết chia sẻ, yêu thương mọi người và luôn lạc quan với cuộc sống. Cô tâm sự, đại dịch xảy ra khiến bản thân càng trân trọng cuộc sống, mở lòng trước những hoàn cảnh cần giúp, có thêm những người bạn mới; cô cũng tự lập và học cách tự mình lớn lên trước những khó khăn, thách thức.

(còn nữa)

“Có lẽ tôi sẽ mãi là con bé tiểu thư nhõng nhẽo, chỉ biết hưởng thụ và thụ động chờ cha mẹ sắp đặt nếu không có những biến cố từ đại dịch. Tôi đang đi tìm những con đường mới trên chính đôi chân của mình, dù con đường không trải hoa hồng nhưng tôi có kinh nghiệm sống, bản lĩnh để vượt qua. Đó cũng là cách để mình có trách nhiệm, trưởng thành và kiên cường hơn”. Trà My chia sẻ.

U.P

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-tre-xe-dich-ky-1-suc-manh-cua-yeu-thuong-post1482376.tpo