Người trở về từ 'địa ngục trần gian'

Cuộc sống không còn khó khăn, con cháu đã đề huề, căn nhà khang trang đã được xây cất, giờ cựu chiến binh (CCB) Vũ Văn Kim sống vui vẻ và bình yên ở thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Nhưng những tháng ngày nếm mật nằm gai, rạch bụng đấu tranh với kẻ thù thì vẫn vẹn nguyên trong ký ức.

Rạch bụng đấu tranh

Những cảm xúc, ký ức xưa được ông Kim ghi lại cẩn thận trong cuốn nhật ký dày, cũ kỹ nhưng vô cùng quý giá. "Nhật ký viết tay của tôi giữ gìn cho con cháu tôi hiểu được thế hệ tôi cùng đồng đội đã sống và chiến đấu như thế nào. Đó là một trong những thứ tài sản quý giá nhất mà đời tôi từng có, ghi lại những năm tháng tôi sống trong địa ngục trần gian", ông Kim tâm sự.

Qua câu chuyện mà ông Kim kể, tôi hình dung ra quãng thời gian nhập ngũ và đấu tranh gian khổ của những người chiến sĩ cách mạng trước đế quốc tàn bạo của ông và đồng đội. Đầu năm 1965, khi vừa bước sang tuổi 18, Vũ Văn Kim từ biệt gia đình, quê hương. Trải qua nhiều cuộc tiến công, tập kích, một lần đánh vào sân bay Quy Nhơn (Bình Định) thì Kim bị thương và bị bắt, đưa ra nhà tù Cây Dừa (Phú Quốc). Khi đó, người chiến sĩ đã phải chịu đủ mọi hình cấp tra tấn như: đục đầu, đục chân, răng, dùng roi đánh, bắt ăn đồ bẩn... Có những lúc, Kim muốn tìm đến cái chết để thoát khỏi đau đớn. Nhưng chứng kiến những gương hy sinh anh dũng của những chiến sĩ cách mạng, Kim hiểu ra, chết như thế thì thật vô nghĩa, có tội với đất nước. Từ đó, Kim quyết tâm phải sống, để đấu tranh với giặc. Ông Kim nhớ lại: "Từ đầu năm 1971, tôi và một số đồng chí đã tích cực đào hầm để trốn. Qua bao nhiêu ngày đêm cầu kỳ đào từng vốc đất, gần thành công thì chúng tôi bị phát hiện, rồi bị tra tấn dã man. Trong lần này, ba người bị thương nặng đã tình nguyện đứng ra nhận tội về mình. Còn tôi, chúng đánh dã man quá, tôi nín thở giả chết, chúng lại thả về buồng giam".

Mặc dù bị tù đày, hành hạ cả thân xác lẫn tinh thần nhưng ông Kim và các đồng đội vẫn gan không núng, chí không mòn, ngày đêm tìm ra phương cách đấu tranh với địch. Có loe quyết liệt, đau thương và hào hùng nhất là hình thức tự mổ bụng đấu tranh của các cựu tù. Trong cuốn sổ nhật ký "Mười năm tù đày", ông Kim dành nhiều công sức để thuật lại cách đấu tranh như một đòn cân não này. Ngày ấy, ông Kim cùng ba đồng chí khác phát hiện tổ chức có nội gián, nên đã "xử" hắn và bị địch khép tội "cố ý giết người vô tội". Chúng xử ông tội chết, sau nhiều lần đấu tranh, rút xuống, chúng đành xử ông 10 năm tù. Địch có ý đồ đày ông Kim cùng nhiều cán bộ ra nhà tù Côn Đảo. Ngày 27-2-1974, cuộc đấu tranh tuyệt thực diễn ra, kéo dài đến năm ngày. Địch không chịu nhượng bộ, dù rất yếu, ông Kim vẫn đứng lên hô khẩu hiệu: "Hiệp định Pari đã ký kết được hơn một năm, nhưng đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn không những không trao trả tù binh cho chính phủ Cách mạng mà còn giết dần, giết mòn anh em chúng tôi. Chúng tôi cực lực lên án đế quốc Mỹ và nhà cầm quyền Sài Gòn". Vừa dứt lời, ông cầm dao liên tiếp rạch vào bụng... Nhát đầu chưa sâu máu ra ít, ông còn bình tĩnh để nghĩ cần phải rạch mạnh hơn, để đạt được mục tiêu đấu tranh mạnh mẽ hơn. Cứ thế, vết nọ tiếp vết kia, ông đã ngất lịm đi nhưng quân địch thì phải nao núng trước ý chí của người tù binh kiên trung. Sau sự kiện đó, nhiều đồng chí khác cũng tìm cách đấu tranh tương tự, tạo nên một làn sóng phẫn nộ, phản đối Mỹ - ngụy. Cuộc đấu tranh đầy máu và ý chí ấy đã khiến cho địch phải trao trả ông và một số đồng chí tù binh khác nữa cho phía cách mạng vào ngày 7-3-1974. Đất nước đã thống nhất từ lâu, những vết thương đã liền da, nhưng bảy vết sẹo ấy gắn bó suốt cuộc đời ông như chứng tích gợi nhớ một thời không thể nào quên.

"Cuộc đời cách mạng thật là sang"

Hiện nay, ông Kim là Trưởng Ban liên lạc Cựu tù thời chống Mỹ, cứu nước ở Bắc Ninh. Trong đấu tranh gian khổ, đồng đội hy sinh, đùm bọc nhau, nay trở về đời thường, đất nước đã bình yên, những cựu binh may mắn trở về đã được sống trong tình thương và niềm tự hào của gia đình. Năm nào ông Kim cũng tổ chức, thăm hỏi, gặp gỡ những đồng đội cũ, những người từng rạch bụng uy hiếp kẻ thù năm xưa. Mỗi lần gặp lại nhau, ai cũng mừng mừng tủi tủi. Mỗi người đều có một cuộc sống giữa đời thường, nhưng ông Kim và đồng đội vẫn canh cánh vì nhiều đồng đội hiện cuộc sống còn gian truân quá. Đã từng sát cánh kề vai trong đấu tranh, giờ đây, họ lại bên nhau trong thời bình để giúp nhau sống những năm tháng ý nghĩa, xứng đáng với những tháng năm họ đã trả giá bằng cả mạng sống, sức khỏe, sự tự do cho lý tưởng cách mạng. Suốt đời ông và các cựu tù khắc ghi cái ơn đối với những đồng đội, các chiến sĩ trong nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo đã hy sinh để đồng đội được sống, ông Kim thổ lộ.

Dù đã kìm nén, nhưng do quá xúc động, những giọt nước mắt cảm động vẫn lăn trên gò má ông Kim: "Tôi là thương binh trở về từ "địa ngục trần gian" nhưng không bị tàn phế. Còn đồng đội của tôi thì nhiều người tàn phế. Chúng tôi là ai, là người không hổ thẹn với quá khứ, là những người hoạt động cách mạng. Sau này đọc thơ của Bác Hồ có câu "Cuộc đời cách mạng thật là sang" tôi thấy thấm thía. Chúng tôi có quyền tự hào về thời của chúng tôi với những năm tháng vào sinh ra tử".

Giờ xây được ngôi nhà khang trang, ông Kim vẫn giữ lại căn nhà cũ mà quãng thời gian xuất ngũ ông và bà nhà phải cần mẫn, chịu đói khát vừa nuôi con vừa làm nên. Nay nó được ông dùng làm nơi sửa chữa đồ điện tử. Tháng tư này, ông đến Bảo tàng Chiến sĩ địch bắt tù đày ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) để xum vầy cùng các đồng đội cũ. Ở đó, người đồng đội Lâm Văn Bảng đã kỳ công lập bảo tàng để lưu giữ lại những kỷ vật, những bằng chứng về cuộc đấu tranh kiên cường của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/cuoc-doi-va-so-phan/item/23029902-nguoi-tro-ve-tu-dia-nguc-tran-gian.html