'Người trong cuộc' chia sẻ thách thức của trường đại học khi mở ngành học mới
Nhằm đáp ứng nhu cầu người học, nhiều trường đại học đẩy mạnh mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo.
Có thế mạnh đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực sư phạm, những năm gần đây, Trường Đại học Đồng Tháp đang đẩy mạnh mở rộng đào tạo đa ngành nhằm đáp ứng nhu cầu của người học.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vũ - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp thông tin, năm nay, trường dự kiến tuyển sinh hơn 4000 chỉ tiêu với 40 ngành đào tạo trình độ đại học chính quy, 1 ngành cao đẳng Giáo dục mầm non.
Có ngành mới nhiều cơ hội phát triển nhưng chưa nhiều thí sinh quan tâm
Trường tuyển sinh theo có 4 phương thức chính, trong đó phương thức xét tuyển học bạ và dùng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông được nhiều thí sinh lựa chọn nhất.
Điểm mới trong tuyển sinh năm nay của Trường Đại học Đồng Tháp là cho phép thí sinh ngành Giáo dục mầm non được lựa chọn thi năng khiếu hoặc chỉ đăng ký tổ hợp các môn văn hóa.
“Hiện nay ngành mầm non không quy định bắt buộc thí sinh phải thi năng khiếu, vì vậy nhà trường đã mở rộng thêm tổ hợp các môn văn hóa để thí sinh có thể lựa chọn. Như vậy các em có thể chủ động lựa chọn thi năng khiếu hoặc không. Điều này tạo thuận lợi cho các thí sinh ở xa, giảm tốn kém chi phí, thời gian, và áp lực thi cử cho các em”, thầy Vũ chia sẻ thêm.
Năm nay, Trường Đại học Đồng Tháp mở thêm một số ngành mới: Sư phạm Toán học - chất lượng cao, Sư phạm Giáo dục công dân, Tâm lý học giáo dục, Luật, Quản lý công, Giáo dục công dân,...
Từ năm 2022-2023, nhà trường cũng đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo khóa đầu tiên với các ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý. Một ngành mới khác cũng được nhà trường mở ra từ năm 2018 nhằm đáp ứng đội ngũ giáo viên giảng dạy cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là Sư phạm Công nghệ.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Công nghệ ở trường phổ thông có mối quan hệ với nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là với Toán học và Khoa học. Cùng với Toán học, Khoa học tự nhiên, Tin học, môn Công nghệ góp phần thúc đẩy giáo dục STEM ở phổ thông – một trong những xu hướng giáo dục đang được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Đây là ngành đào tạo hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, vị Phó hiệu trưởng cho biết, do ngành đào tạo mới mở nên chưa có nhiều thí sinh quan tâm và tìm hiểu sâu, vì vậy số lượng tuyển sinh ngành mới này những năm qua vẫn còn khá khiêm tốn và chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
“Mặc dù vậy, nhà trường vẫn duy trì tuyển sinh và đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên cho cả nước”, thầy Vũ khẳng định.
Một số ngành đào tạo khác tại Trường Đại học Đồng Tháp thu hút nhiều sự quan tâm của thí sinh: Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Toán học, một số ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc,...
Trường đại học mở thêm ngành nông nghiệp liệu có mạo hiểm?
Nhận thấy nhu cầu người học và cơ hội việc làm cho những môn học mới, Trường Đại học Phú Yên cũng dự định tuyển sinh thêm ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên trong năm nay. Tuy nhiên, đề án tuyển sinh ngành này chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phê duyệt, vì vậy năm 2023, Trường Đại học Phú Yên chỉ mở thêm 2 ngành mới là Quản trị kinh doanh và Nông nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên lý giải quyết định mở thêm 2 ngành mới.
Theo đó, nhà trường đã có sẵn đội ngũ giảng viên những ngành học mới từ nguồn nhân lực đào tạo cao đẳng trước đây. Bên cạnh đó, đánh giá nhu cầu nhân lực của những ngành mới có nhiều cơ hội phát triển là những nhân tố quan trọng quyết định việc mở ngành mới.
Ngày 24/1/2007, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Trường đại học Phú Yên trên cơ sở sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên và Trường trung học Kinh tế - Kỹ thuật Phú Yên. Đây là trường đại học đa ngành, đa cấp phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói chung.
Ngành Quản trị kinh doanh thực tế không còn mới mẻ ở nước ta, nhưng sức nóng của ngành học này vẫn chưa có sự giảm sút trong tuyển sinh những năm gần đây.
Trong khi đó, thực tế các khối ngành liên quan đến lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp tình hình tuyển sinh những năm qua có phần “ảm đạm” hơn. Lý giải quyết định mở ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng chia sẻ, một trong những điều kiện quan trọng để mở ngành này là những điều kiện phát triển tại địa phương.
Theo đó, tỉnh Phú Yên hiện có Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động hơn 10 năm nay. Được biết, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ thành lập, ban hành quy chế hoạt động từ năm 2013; là một trong 10 Khu được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể Khu và Vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của cả nước.
Tuy nhiên, vị Trưởng phòng đào tạo cũng chia sẻ, mặc dù có điều kiện phát triển như vậy, tuy nhiên công tác tuyển sinh cũng không thể tránh khỏi khó khăn vì không có nhiều thí sinh muốn học nông nghiệp.
“Nông nghiệp ngày nay không còn chân lấm tay bùn acày bừa như trước đây. Làm nông nghiệp hiện đại là ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ cao vào sản xuất. Nhưng nhiều học sinh, phụ huynh vẫn có tư tưởng ly nông, mà việc thay đổi nhận thức phải cần một quá trình rất dài, không phải muốn là làm được ngay!”, Tiến sĩ Đăng chia sẻ thêm.
Được biết, năm 2023, Trường Đại học Phú Yên dự kiến tuyển sinh hơn 800 chỉ tiêu, trong đó có 240 chỉ tiêu các ngành sư phạm. Hiện nhà trường đã thông báo danh sách thí sinh trúng tuyển sớm theo phương thức xét tuyển bằng học bạ (trung học phổ thông).
Sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học có số lượng thí sinh trúng tuyển sớm là 157 em (số hồ sơ đăng kí là trên 300 thí sinh). Ngành mới mở là Quản trị kinh doanh cũng đã có 49 thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm.