'Người trong cuộc' chia sẻ về cơ hội việc làm của ngành Thiết kế vi mạch

Với vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế số và công nghiệp 4.0 trên toàn cầu, ngành Thiết kế vi mạch đang có nhu cầu về nhân lực rất lớn.

Ngành Thiết kế Vi mạch là một trong những lĩnh vực đào tạo chất lượng cao, có tính ứng dụng rộng rãi và phù hợp với xu hướng toàn cầu. Trong thế kỷ XXI, các tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và phân tích dữ liệu lớn (Big Data), đã thúc đẩy nhu cầu gia tăng mạnh mẽ việc sử dụng chip và vi mạch điện tử trong mọi lĩnh vực đời sống.

Hiện nay, xã hội đòi hỏi ngày càng tăng nhu cầu tuyển dụng kỹ sư Thiết kế Vi mạch có trình độ cao để tham gia vào các công ty vi mạch trong và ngoài nước, cũng như để nghiên cứu, phát triển các chip ứng dụng. Đây là cơ hội để ngành Thiết kế Vi mạch phát triển.

Ngành đào tạo mới với nhiều tín hiệu tích cực

Năm 2024 là năm đầu tiên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh ngành Thiết kế Vi mạch với 100 chỉ tiêu. Điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển tổng hợp năm 2024 của ngành Thiết kế Vi mạch là 80,03 điểm (theo thang điểm 90).

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, ngành Thiết kế Vi mạch tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có hai mã ngành tuyển sinh cho các chương trình đào tạo. Trong đó, mã ngành 108 dành cho chương trình tiêu chuẩn, cung cấp một nền tảng vững chắc trong thiết kế và phát triển vi mạch. Mã ngành 208 dành cho chương trình tiên tiến, chuyên ngành Hệ thống Mạch - Phần cứng, hướng tới những sinh viên mong muốn chuyên sâu hơn về phát triển phần cứng.

Ngoài ra, chương trình đào tạo ngành Thiết kế Vi mạch bậc đại học có tổng cộng 132 tín chỉ, bậc thạc sĩ là 60 tín chỉ và liên thông đại học - thạc sĩ là 180 tín chỉ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường - Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù năm 2024 là năm đầu tiên trường tuyển sinh ngành Thiết kế Vi mạch nhưng chương trình đào tạo được xây dựng bài bản, kế thừa từ kinh nghiệm lâu năm của các ngành học liên quan mà nhà trường đã giảng dạy.

Mục tiêu của chương trình là đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch chất lượng cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu lớn của ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước mà còn đủ năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ bán dẫn tại Việt Nam.

“Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi nhà trường chính thức triển khai hai chương trình đào tạo ngành Thiết kế Vi mạch, chào đón 100 sinh viên bậc đại học và 50 học viên bậc sau đại học tham gia học tập.

Các chương trình đào tạo ngành Thiết kế Vi mạch được cập nhật hiện đại, theo sát xu hướng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Đây là lĩnh vực đòi hỏi nhiều kinh nghiệm thực tiễn, vì vậy trong các chương trình đào tạo mới, nhà trường đặc biệt chú trọng kết hợp giữa đào tạo lý thuyết với thực hành, nghiên cứu khoa học và thực tập tại doanh nghiệp, nhằm gia tăng tối đa giá trị kiến thức và kinh nghiệm thực tế cho người học.

Không chỉ chú trọng trang bị kiến thức chuyên môn để sinh viên có thể nghiên cứu, thiết kế vi mạch mà chương trình đào tạo còn tập trung rèn luyện kỹ năng mềm, khuyến khích tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu và thích nghi với sự thay đổi không ngừng của công nghệ trong thời đại hiện đại.

Hiện tại, nhiều thế hệ cựu sinh viên khoa Điện - Điện tử của trường đang làm việc tại các công ty thiết kế vi mạch lớn trong và ngoài nước. Đặc biệt, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh tự hào chiếm tỷ lệ 26% nguồn nhân lực trong tổng số gần 6000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên cả nước”, Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường cho hay.

 Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường (bên phải) đang giới thiệu một số mẫu vi mạch của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường (bên phải) đang giới thiệu một số mẫu vi mạch của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, để đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên giỏi chuyên môn và có khả năng làm việc ứng dụng vào thực tế tốt, việc tuyển dụng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ngành Thiết kế Vi mạch đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Theo thầy Cường, đội ngũ giảng viên giảng dạy về ngành Thiết kế Vi mạch của nhà trường được đào tạo bài bản từ các trường đại học danh tiếng thuộc những quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia châu Âu. Đây là một lợi thế quan trọng, giúp đảm bảo chất lượng đào tạo và khả năng cập nhật các xu hướng công nghệ mới nhất trong ngành.

Đội ngũ giảng viên không chỉ vững chắc về lý thuyết mà còn có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tích lũy qua việc tham gia các đề tài nghiên cứu, dự án thực tế về thiết kế, chế tạo và đo đạc vi mạch. Các giảng viên đã trực tiếp tham gia thiết kế và chế tạo thành công nhiều vi mạch có độ phức tạp cao, khẳng định năng lực và vị thế của nhà trường trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

 Sản phẩm vi mạch do chính đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thiết kế. (Ảnh: Website trường)

Sản phẩm vi mạch do chính đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thiết kế. (Ảnh: Website trường)

Ngoài ra, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở vật chất với các phòng thí nghiệm hiện đại và những phần mềm chuyên dụng hàng đầu như Cadence, Synopsys, và Keysight. Đây là nền tảng vững chắc giúp sinh viên không chỉ tiếp cận lý thuyết mà còn được thực hành đầy đủ mọi công đoạn trong quy trình thiết kế vi mạch, từ thiết kế, mô phỏng, kiểm tra cho đến đo đạc.

Đặc biệt, nhà trường không ngừng mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và nghiên cứu, đồng thời đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ.

Không chỉ tập trung vào cơ sở vật chất, nhà trường còn xây dựng mạng lưới quan hệ quốc tế rộng khắp với nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, các tập đoàn bán dẫn hàng đầu và các chuyên gia, giáo sư uy tín trong ngành. Nhờ đó, các hoạt động hợp tác quốc tế như xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, giảng dạy liên kết, triển khai các chương trình đào tạo kết hợp (như 2+2 hoặc 3+1), trao đổi sinh viên và gửi học viên đi học sau đại học tại các quốc gia phát triển đã được thực hiện một cách thuận lợi và hiệu quả.

 Sinh viên đang nghiên cứu thiết kế, đo kiểm vi mạch tại phòng thí nghiệm Vi mạch và Hệ thống cao tần của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website trường)

Sinh viên đang nghiên cứu thiết kế, đo kiểm vi mạch tại phòng thí nghiệm Vi mạch và Hệ thống cao tần của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website trường)

Theo thầy Cường, chính nhờ sự kết nối chặt chẽ này đã mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên tiếp cận với môi trường học tập và nghiên cứu quốc tế, giúp họ tích lũy kinh nghiệm và nâng cao năng lực chuyên môn. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp chương trình đào tạo ngành Thiết kế Vi mạch của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu về công nghệ bán dẫn.

Hiện nay, nhà trường duy trì mối quan hệ hợp tác với hơn 40 công ty thiết kế vi mạch trên toàn quốc. Hệ thống các đối tác này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia các chương trình thực tập mà còn cung cấp những kiến thức thực tiễn quý báu, giúp sinh viên củng cố và nâng cao kỹ năng chuyên môn.

Cơ hội việc làm rộng mở nhưng còn khoảng cách từ lý thuyết đến thực tế

Bên cạnh các chương trình đào tạo được thiết kế bài bản của các cơ sở giáo dục đại học, vai trò của các doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn là một phần quan trọng không thể thiếu. Các doanh nghiệp không chỉ tạo ra cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp mà còn đóng góp tích cực vào quá trình đào tạo thông qua việc hợp tác chặt chẽ với nhà trường.

Bằng cách cung cấp các chương trình thực tập, tham gia giảng dạy, hay hỗ trợ nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp giúp sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn có cơ hội tiếp cận và ứng dụng những kiến thức thực tiễn. Điều này không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho sinh viên mà còn góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của ngành công nghiệp bán dẫn.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hải Anh - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dolphin Technology Vietnam Center cho biết, đặc thù của lĩnh vực thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn là vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng. Chính vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với sự phát triển của từng doanh nghiệp mà còn với toàn bộ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

 Ông Lê Hải Anh - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dolphin Technology Vietnam Center. (Ảnh: NVCC)

Ông Lê Hải Anh - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dolphin Technology Vietnam Center. (Ảnh: NVCC)

Theo ông Hải Anh, trên thực tế khi tuyển dụng nhân sự, doanh nghiệp thường có 2 nhóm yêu cầu cơ bản, đó là kiến thức và kỹ năng mềm.

“Kiến thức mà sinh viên nhận được từ các học phần cơ sở và chuyên ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn tại trường đại học bao gồm các lĩnh vực như linh kiện điện tử CMOS, lý thuyết mạch, điện tử số, điện tử tương tự, thiết kế số, vi xử lý, VLSI và ngôn ngữ mô tả phần cứng.

Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ yêu cầu các em phải nắm vững lý thuyết cơ bản mà còn mong muốn họ chủ động cập nhật những kiến thức mới, làm quen với các công cụ phần mềm hiện đại, cũng như tích lũy kinh nghiệm thông qua các dự án thực tế và các học phần thực hành trong các phòng thí nghiệm của trường.

Đặc biệt, doanh nghiệp rất chú trọng đến những sinh viên thành thạo trong việc sử dụng phần mềm EDA (Electronic Design Automation) – công cụ không thể thiếu trong thiết kế vi mạch bán dẫn. Việc thành thạo EDA không chỉ giúp sinh viên làm việc hiệu quả mà còn chứng tỏ khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tế. Ngoài ra, điểm GPA cao cũng là một yếu tố quan trọng, tạo lợi thế cho sinh viên trong quá trình tuyển dụng, thể hiện sự nỗ lực học tập và khả năng vượt trội trong lĩnh vực chuyên môn.

Bên cạnh đó, kỹ năng mềm cũng đóng vai trò quan trọng. Sinh viên cần trang bị cho mình những kỹ năng giải quyết vấn đề mới, tối ưu hóa bài toán, làm việc nhóm hiệu quả, cũng như khả năng trình bày và thảo luận các vấn đề kỹ thuật.

Thêm vào đó, khả năng sử dụng tiếng Anh để giao tiếp hiệu quả và đọc hiểu tài liệu chuyên ngành là một yêu cầu thiết yếu đối với các sinh viên trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Tiếng Anh không chỉ giúp sinh viên tiếp cận các tài liệu nghiên cứu quốc tế mà còn là công cụ giao tiếp quan trọng trong môi trường làm việc toàn cầu.

Một kỹ năng mềm quan trọng khác mà sinh viên cần phát triển là khả năng khai thác và ứng dụng công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) để hỗ trợ trong việc nghiên cứu, học hỏi và giải quyết các vấn đề mới. Công cụ AI không chỉ giúp sinh viên nâng cao hiệu quả nghiên cứu mà còn giúp họ đưa ra các giải pháp sáng tạo, tối ưu hóa quy trình làm việc và tiếp cận các vấn đề phức tạp trong ngành vi mạch”, ông Hải Anh thông tin.

 Những kỹ sư của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dolphin Technology Vietnam Center đang giới thiệu các sản phẩm liên quan tới vi mạch bán dẫn của công ty tại Triển lãm ngành Công nghệ bán dẫn Việt Nam - SEMIExpo Viet Nam 2024. (Ảnh: NVCC)

Những kỹ sư của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dolphin Technology Vietnam Center đang giới thiệu các sản phẩm liên quan tới vi mạch bán dẫn của công ty tại Triển lãm ngành Công nghệ bán dẫn Việt Nam - SEMIExpo Viet Nam 2024. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ thêm về chất lượng đầu ra của sinh viên ngành Thiết kế Vi mạch từ các cơ sở giáo dục đại học, ông Hải Anh nhận định rằng, nhìn chung, sinh viên tốt nghiệp có nền tảng kiến thức vững chắc và được trang bị một số kiến thức chuyên sâu về thiết kế vi mạch.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy vẫn còn một khoảng cách nhất định giữa lý thuyết và thực tế mà sinh viên phải đối mặt, đặc biệt là khi áp dụng kiến thức vào công việc cụ thể.

Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và chuyên sâu để giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc thực tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu đặc thù của từng công ty.

Đồng thời, doanh nghiệp và nhà trường đều đang nỗ lực hợp tác để rút ngắn thời gian đào tạo bổ sung, giúp sinh viên nhanh chóng hòa nhập và phát huy tối đa khả năng của mình trong công việc.

 Đội ngũ kỹ sư của công ty thường xuyên đến các trường đại học để trao đổi về xu hướng, định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch. (Ảnh: NVCC)

Đội ngũ kỹ sư của công ty thường xuyên đến các trường đại học để trao đổi về xu hướng, định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch. (Ảnh: NVCC)

Theo ông Hải Anh, mức lương của sinh viên ngành Thiết kế Vi mạch khi ra trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là vị trí công việc ứng tuyển và trình độ chuyên môn của ứng viên. Ngoài ra, địa điểm làm việc, bao gồm cả vùng miền và việc làm trong nước hay ngoài nước, cũng có ảnh hưởng đáng kể đến mức lương.

“Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dolphin Technology Vietnam Center, mức lương khởi điểm cho các ứng viên mới ra trường hoặc mới bước vào lĩnh vực này thường dao động từ 10-20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương này có thể thay đổi tùy thuộc vào năng lực và yêu cầu cụ thể của công việc mà ứng viên đảm nhận.

Hơn nữa, chúng tôi cũng sẽ đánh giá mức lương dựa trên kinh nghiệm làm việc thực tế. Chẳng hạn, đối với một sinh viên đã có quá trình thực tập 2 năm tại một công ty chuyên thiết kế vi mạch và tham gia vào các dự án thực tế, mức lương khi ra trường sẽ cao hơn so với các ứng viên chưa có kinh nghiệm. Lý do là bởi doanh nghiệp có thể xem xét ứng viên này như một kỹ sư với khoảng một năm kinh nghiệm thực tế, từ đó đưa ra mức lương phù hợp và hợp lý hơn”, ông Hải Anh cho biết.

Bạn Huỳnh Thiện Trí - sinh viên ngành Thiết kế Vi mạch, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù năm 2024 là năm đầu tiên nhà trường triển khai đào tạo ngành Thiết kế Vi mạch, nhưng với bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy chuyên ngành này trước đó và các chuyên ngành liên quan, Trí hoàn toàn tự tin và hứng thú theo đuổi ngành học này tại trường.

“Qua những giờ học trên lớp, tôi nhận thấy nhà trường chú trọng đào tạo sinh viên một cách bài bản trên nhiều phương diện, từ lý thuyết, bài tập, thí nghiệm cho đến các kỹ năng chuyên môn. Các chương trình học đều được thiết kế chuyên sâu và khoa học, đảm bảo chất lượng trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.

Đồng thời, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhu cầu nhân lực trong ngành Thiết kế Vi mạch ngày càng tăng cao, mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng bất kỳ ngành nghề nào cũng có sự cạnh tranh và ngành Thiết kế Vi mạch không phải là ngoại lệ. Tôi tin rằng chính sự cạnh tranh này sẽ trở thành động lực thúc đẩy chất lượng đào tạo, nghiên cứu và phát triển, đồng thời nâng cao năng lực và trình độ của sinh viên, nghiên cứu sinh cũng như những người làm việc trong ngành”, bạn Huỳnh Thiện Trí cho hay.

 Bạn Huỳnh Thiện Trí, sinh viên ngành Thiết kế Vi mạch, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Bạn Huỳnh Thiện Trí, sinh viên ngành Thiết kế Vi mạch, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Ngoài ra, theo Huỳnh Thiện Trí, để theo học ngành Thiết kế Vi mạch, người học cần chuẩn bị một nền tảng kiến thức vững chắc, kỹ năng thực hành tốt, khả năng ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn cùng với sự nỗ lực không ngừng để nâng cao trình độ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm cơ hội việc làm ngay sau khi ra trường chắc hẳn không hề đơn giản.

Huỳnh Thiện Trí cho rằng, ngoài những yếu tố cơ bản như kiến thức và kỹ năng, việc đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động còn đòi hỏi sự trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm, xây dựng các mối quan hệ chuyên môn và đặc biệt là tinh thần cầu tiến, luôn sẵn sàng học hỏi để bắt kịp các tiến bộ công nghệ. Đây chính là những yếu tố quan trọng giúp người học không chỉ thành công trong ngành mà còn tự tin hòa nhập vào môi trường làm việc cạnh tranh.

Thúy Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nguoi-trong-cuoc-chia-se-ve-co-hoi-viec-lam-cua-nganh-thiet-ke-vi-mach-post248248.gd