Cần thêm nữa những người 'nhóm lửa' tình yêu tiếng Việt

Trở về nước dự chương trình Xuân Quê hương, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Hội trưởng Hội phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Việt tại Malaysia đã có cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về câu chuyện truyền cảm hứng tình yêu tiếng Việt cho bà con xa xứ.

Bà Nguyễn Thị Liên.

Bà Nguyễn Thị Liên.

PV: Thưa bà, là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Malaysia, vậy lý do nào khiến bà dành tâm sức để tổ chức dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại đây?

Bà Nguyễn Thị Liên: - Cách đây hơn mười năm, cả gia đình tôi đã chuyển sang sinh sống tại Kuala Lumpur, Malaysia. Trong nước, tôi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Hội I và đã có 12 năm làm giáo viên Trung học Phổ thông. Tôi khá nuối tiếc khi phải rời xa trường lớp.

Sang Malaysia, tôi cũng có nhiều cơ hội dạy tiếng Việt và coi đây là công việc làm vơi bớt đi nỗi nhớ công việc cũ. Biết chuyên môn của tôi, bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia tìm đến và đề nghị tôi giúp cộng đồng gây dựng các lớp học tiếng Việt cho con em người Việt nơi đây. Lúc bấy giờ tôi khá đắn đo vì thực sự đó là một khởi đầu khá nhiều thách thức. Nhưng rồi tôi nhận thấy đây là một công việc rất có ý nghĩa, phù hợp với chuyên môn và sở thích của mình nên nhận lời. Cùng với các thành viên nhiệt huyết của Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, chúng tôi bắt đầu tìm cách tháo gỡ khó khăn. Ngày 16/10/2016, hai lớp học đầu tiên của Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Malaysia chính thức khai giảng.

Thưa bà, cộng đồng người Việt ở Malaysia có hào hứng với việc học tiếng Việt hay không? có thể cho biết một số cách thức đã áp dụng để truyền tải tình yêu tiếng Việt, yêu Việt Nam đối với trẻ em người Việt xa xứ.

- Dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài không giống dạy tiếng Việt cho học sinh trong nước. Đối tượng học viên đa dạng nên phương pháp dạy cũng linh hoạt tùy theo khả năng và mục đích của người học. Tôi tốn khá nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị bài, nhất là với đối tượng học sinh là các cháu nhỏ. Những năm đầu tôi ở Kuala Lumpur, tôi thấy rằng việc cho con em học tiếng Việt chưa được nhiều người coi trọng. Chỉ có một số ít gia đình xác định sau này con cái sẽ về lại Việt Nam học tập thì mới chú ý vấn đề này. Nhưng có nhiều gia đình cũng xác định khi bố mẹ về nước thì cho con học trường quốc tế và nếu có ý định để các cháu sinh ra, lớn lên ở đây thì việc các cháu không biết tiếng Việt hay sử dụng tiếng Việt không tốt là tất yếu. Với các gia đình có người Việt kết hôn với người bản xứ thì các cháu phải học nhiều thứ tiếng vì Malaysia là quốc gia đa ngôn ngữ. Các cháu nhỏ vừa học tiếng Anh, tiếng Mã, tiếng Hoa ở trường, ngoài ra tùy hoàn cảnh, các cháu còn học tiếng Phúc Kiến, tiếng Quảng… theo quê bố, các cháu theo đạo Hồi phải học tiếng Ả Rập… rồi các ngoại ngữ khác. Nhìn chung, tiếng Việt rất ít cơ hội xen vào thời khóa biểu của các cháu. Chính vì thế, giai đoạn đầu mở lớp, chúng tôi cũng phải động viên, kêu gọi các gia đình cho con tham gia.

Tuy nhiên, theo thời gian, cái nhìn về tiếng Việt cũng thay đổi. Sự xuất hiện của các lớp học trong Câu lạc bộ tiếng Việt cũng khiến mọi người nhìn nhận lại vai trò của tiếng Việt. Mỗi dịp Trung thu, Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Nguyên đán, chúng tôi tổ chức cho các cháu biểu diễn áo dài, biểu diễn văn nghệ, chơi trò chơi dân gian. Mọi người thấy các cháu líu lo hát tiếng Việt, đáng yêu trong tà áo dài, hồ hởi thi nhảy bao bố, kéo co, bịt mắt đập niêu… cũng thấy vui và mong muốn con mình biết tiếng Việt, giỏi tiếng Việt cũng nhen nhóm dần trong lòng các bậc làm cha, làm mẹ. Cứ như thế, vị thế của tiếng Việt ngày càng vững vàng hơn trong cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia.

Trong quá trình giảng dạy, khó khăn chính trong công việc của gì. Bà có thể kể một vài kỷ niệm trong quá trình dạy và học Tiếng Việt tại Malaysia?

- Trong hơn 8 năm phát triển của Câu lạc bộ tiếng Việt thì có hai thời điểm tôi cho là thử thách, đó là giai đoạn mở lớp và giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Giai đoạn đầu như tôi đã kể trên, còn khi dịch Covid-19 diễn ra, Malaysia áp dụng lệnh cấm túc và lớp tiếng Việt cũng phải dừng hoạt động. Nhưng khi các trường học áp dụng hình thức học trực tuyến thì tôi cũng bàn bạc với các thành viên trong Câu lạc bộ và quyết định thử nghiệm. Rất may là chúng tôi được sự ủng hộ của phụ huynh và cô trò cũng dần làm quen với hình thức học mới. Trong đại dịch số lượng học sinh của chúng tôi tăng đáng kể. Đặc biệt là chúng tôi thu hút được học sinh ở các bang xa thủ đô, bình thường các cháu không thể đến lớp trực tiếp học được.

Nếu so sánh dạy tiếng Việt ở nước ngoài thì tôi thấy nhìn chung giáo viên phải đầu tư khá nhiều thời gian, công sức chuẩn bị giáo án vì các cháu theo học khá đa dạng về độ tuổi cũng như khả năng sử dụng tiếng Việt. Vì thế chúng tôi phải chia nhóm nhỏ. Mỗi nhóm áp dụng một giáo án khác nhau dù là cùng một chủ đề.

Còn nói về những kỷ niệm trong khi dạy các cháu thì nhiều. Các cháu rất đáng yêu, hồn nhiên nên lỗi sử dụng tiếng Việt của các cháu cũng đáng yêu. Nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là khoảnh khắc bắt gặp những giọt nước mắt của các cháu khi tôi mở cho các cháu nghe một bài hát về mẹ. Những giọt nước mắt ấy khiến tôi nhận ra các cháu đã có thể rung động trước những lời hát bằng tiếng Việt và tôi thấy ý nghĩa của công việc mình làm. Một kỷ niệm đẹp nữa là khi tôi về nước tham dự Lễ Vinh danh Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023. Lúc đó, tôi thấy ngoài việc khả năng sử dụng tiếng Việt của mình được công nhận, vì đó là một cuộc thi bao gồm cả thi viết và thi hùng biện thì hành trình dạy tiếng Việt của tôi cũng được trân trọng và ghi nhận.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng trao Giấy khen vinh danh Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023 cho cô giáo Nguyễn Thị Liên. Ảnh: NVCC

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng trao Giấy khen vinh danh Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023 cho cô giáo Nguyễn Thị Liên. Ảnh: NVCC

Cô giáo Nguyễn Thị Liên giảng dạy một lớp học trong Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Malaysia. Ảnh: NVCC

Cô giáo Nguyễn Thị Liên giảng dạy một lớp học trong Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Malaysia. Ảnh: NVCC

Theo bà, hiện nay tình hình học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam đã có nhiều cải thiện so với trước đây hay chưa. Để bà con người Việt Nam ở nước ngoài gìn giữ Tiếng Việt và văn hóa Việt, cần phải có cách thức triển khai bài bản như thế nào?

- Trong những năm gần đây, tôi nhận thấy Đảng và Nhà nước ta đã coi trọng việc giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với các Cơ quan đại diện để triển khai nhiều chương trình cụ thể, thiết thực và ý nghĩa như: Tổ chức các lớp tập huấn dạy tiếng Việt, tổ chức các cuộc thi Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài, thực hiện các chương trình dạy tiếng Việt trên đài truyền hình, chương trình Trại hè Thanh niên kiều bào… và có nhiều hành động động viên phong trào dạy tiếng Việt ở các nước. Có thể vì thế mà tôi thấy việc dạy học tiếng Việt ở các nước đang được phát triển khá tốt so với nhiều năm trước. Ở Malaysia, Đại sứ quán Việt Nam cũng rất quan tâm và luôn đồng hành, ủng hộ các hoạt động của Câu lạc bộ Tiếng Việt chúng tôi.

Để bà con người Việt Nam ở nước ngoài gìn giữ Tiếng Việt và văn hóa Việt, theo tôi cần phải lưu ý một số điểm. Trước hết, chúng ta nên tăng cường các hoạt động văn hóa trong cộng đồng như tổ chức Tết Nguyên đán, giỗ Tổ Hùng Vương, Tết Trung thu... Ở các sự kiện ấy, tình yêu tiếng Việt, văn hóa Việt sẽ được khơi gợi và bồi đắp cho cả thế hệ chúng ta và thế hệ con cháu. Bên cạnh đó, cần phải đào tạo và bồi dưỡng các cá nhân nhiệt huyết tham gia công tác giảng dạy rộng khắp ở các địa bàn có người Việt sinh sống và gây dựng các lớp học tiếng Việt hoạt động hiệu quả. Còn một điều quan trọng nữa để giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ trẻ đó chính là vai trò của các bậc cha mẹ người Việt. Bởi vì, họ chính là người gần gũi nhất, có sức ảnh hưởng nhất đến các cháu. Khi mỗi người Việt đều có ý thức giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho con em mình, bền bỉ, kiên trì thì lúc đó tiếng Việt mới thực sự có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

“Khi tham dự Chương trình Xuân Quê hương tôi có một cảm xúc rất đặc biệt, bởi năm nay kiều bào được tham dự đông đủ hơn. Thông qua hoạt động như thế này, chúng tôi có cơ hội đóng góp ý kiến nhỏ bé của mình cho sự phát triển của đất nước. Do đó, chương trình Xuân Quê hương không chỉ là một sự kiện gặp gỡ mà còn là một biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sự gắn bó giữa người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu. Với sự chung tay của kiều bào, Việt Nam có thể tận dụng được chất xám, nguồn lực và tinh thần yêu nước để vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển. Vì vậy, mỗi lần trở về, tôi đều rất hạnh phúc khi thấy đất nước mình thay đổi, đời sống của người dân trong nước ngày càng được nâng cao”, bà Nguyễn Thị Liên chia sẻ.

Nguyễn Phượng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-them-nua-nhung-nguoi-nhom-lua-tinh-yeu-tieng-viet-10298604.html