'Người trong cuộc' nêu khác biệt khi đào tạo bác sĩ nội trú và chuyên khoa
Nhiều khác biệt trong chỉ tiêu, điều kiện tuyển sinh đến thời gian, chương trình đào tạo, ... của đào tạo bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa.
Đều là những người làm việc trực tiếp ở các cơ sở y tế và tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân, thế nhưng trên thực tế, nhiều người chưa thực sự hiểu rõ về sự khác biệt của chương trình đào tạo bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa.
Để giải đáp những thắc mắc này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận ý kiến "người trong cuộc" để thí sinh, phụ huynh và độc giả thuận tiện phân biệt.
Đào tạo bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa có gì khác biệt?
Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Phương Thảo – Trưởng Phòng Đào tạo Sau Đại học của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu khái quát về hai loại hình đào tạo Bác sĩ nội trú và Chuyên khoa cấp I.
Theo cô Thảo, chương trình đào tạo bác sĩ Chuyên khoa cấp I và Bác sĩ nội trú là hai loại hình đào tạo sau đại học đặc thù của ngành y tế nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhưng lại khác nhau ngay từ xây dựng chương trình đào tạo với những định hướng, mục tiêu đào tạo, thời gian đào tạo, chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra.
Căn cứ theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế đào tạo bác sĩ nội trú cho thấy, đào tạo bác sĩ nội trú là một trong những phương thức đào tạo những chuyên gia giỏi, nhân tài trẻ của ngành y tế áp dụng cho các chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng. Bên cạnh đó, đào tạo bác sĩ nội trú chỉ dành cho các bác sĩ vừa mới tốt nghiệp hệ chính quy thuộc ngành học tương ứng với chuyên ngành xin dự thi và đạt loại khá trở lên, có nguyện vọng được học bác sĩ nội trú, tự nguyện làm đơn xin dự thi và chỉ được dự thi một lần ngay sau khi tốt nghiệp đại học.
Đào tạo bác sĩ nội trú theo hình thức chính quy tập trung, thời gian đào tạo là 3 năm, học viên phải thường trú tại bệnh viện hoặc cơ sở thực hành khác phù hợp với yêu cầu của từng chuyên ngành để học tập, làm việc thường xuyên (trừ những buổi học tại trường do nhà trường quy định).

Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong quá trình đào tạo, học viên phải đạt điểm đánh giá các môn chuyên ngành từ 7 điểm trở lên; với bất kỳ chứng chỉ/học phần nào thi lần 2 không đạt, học viên buộc phải thôi học. Bên cạnh yêu cầu về năng lực thực hành lâm sàng còn, chương trình đào tạo bác sĩ nội trú đòi hỏi người học phải đạt năng lực nghiên cứu khoa học thông qua việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và bảo vệ luận văn trước hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp.
Đối với đào tạo chuyên khoa cấp I, theo Quyết định số 1636/2001/QĐ-BYT, chuyên khoa cấp I là loại hình đào tạo sau đại học đặc thù của ngành Y tế, áp dụng cho tất cả các chuyên ngành lâm sàng và thực hành nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học sức khỏe nhằm mục đích đào tạo nhân lực Y tế có khả năng thực hành trong một chuyên ngành rộng.
Những người đã tốt nghiệp đại học các ngành khoa học sức khỏe hệ chính quy hoặc không chính quy, công tác trong lĩnh vực Y tế ở các cơ sở thực hành lâm sàng, thực hành nghề nghiệp có thể tham gia đào tạo chuyên khoa cấp I nếu đáp ứng một số điều kiện như có bằng bác sĩ, dược sĩ đại học thuộc ngành tương ứng với chuyên ngành đăng ký dự thi; phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề đã được cấp phù hợp.
Đối với trường hợp chuyên ngành đăng ký dự thi khác với phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề đã được cấp, người dự tuyển phải có thâm niên hiện đang công tác tối thiểu 12 tháng trong chuyên ngành đăng ký dự thi, có công văn cử đi dự thi của cơ quan quản lý … Thời gian đào tạo là 02 năm theo hình thức học tập trung. Phần lớn chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I gắn với thực hành tại bệnh viện.
Các bác sĩ, dược sĩ đang công tác ở các cơ sở thực hành lâm sàng khi có nhu cầu học tập bổ sung kiến thức, kỹ năng thực hành để trở thành chuyên gia y tế thực hành có thể quay trở lại nhà trường tham gia dự thi chuyên khoa cấp I nhiều lần thay vì chỉ được dự thi một lần ngay sau khi tốt nghiệp đại học như bác sĩ nội trú.
Về chỉ tiêu tuyển sinh và số chuyên ngành đào tạo của bác sĩ nội trú với chuyên khoa cấp I cũng có sự khác biệt.
Đơn cử, tại Trường Đại học Y dược Thành Phố Hồ Chí Minh, nhà trường có 28 chuyên ngành đào tạo bác sĩ nội trú, 41 chuyên ngành đào tạo chuyên khoa cấp I.
Do yêu cầu đội ngũ giảng viên đủ tiêu chuẩn với mỗi giảng viên cùng lúc phụ trách không quá 3 học viên bác sĩ nội trú so với 10 học viên chuyên khoa cấp I nên thường chỉ tiêu tiêu tuyển sinh đào tạo bác sĩ nội trú cũng ít hơn so với chuyên khoa cấp I.
Theo đó, năm 2025 nhà trường dành khoảng 279 chỉ tiêu cho bác sĩ nội trú và khoảng 1292 chỉ tiêu cho chuyên khoa cấp I. Kỳ thi tuyển sinh bác sĩ nội trú có 04 môn thi tổng hợp các kiến thức cơ sở và chuyên ngành. Trong khi đó, thi tuyển chuyên khoa cấp I với 2 môn thi là môn cơ sở và môn chuyên ngành.
Còn theo Bác sĩ chuyên khoa II Tô Kỳ Nam - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi) cho hay, trước kia với đào tạo bác sĩ nội trú, các học viên hầu như phải ở 24/24 trong bệnh viện và được chọn lọc rất kỹ từ đầu vào. Sau khi học thi đỗ kỳ thi bác sĩ nội trú, các học viên sẽ có 1 năm đào tạo sơ bộ và học liên tục trong 3 năm nữa để hoàn thành chương trình. Đây cũng là một chương trình đào tạo sau đại học với chuyên khoa sâu cho các bác sĩ đa khoa. Hiện nay, thời gian nội trú của các bác sĩ nội trú trong quá trình đào tạo cũng không quá nghiêm ngặt như trước kia.
Sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú, học viên sẽ có 3 văn bằng gồm bằng bác sĩ nội trú, bằng chuyên khoa cấp I và bằng thạc sỹ y học (do vừa học lâm sàng vừa tham gia nghiên cứu khoa học). Các bác sĩ nội trú cũng thường bị học tập căng thẳng hơn do chương trình đào tạo bao trùm cho cả chương trình đào tạo của thạc sỹ và chuyên khoa cấp I.

Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm.
Bên cạnh đào tạo bác sĩ nội trú, ở Việt Nam, có thêm 2 hình thức đào tạo khác cho bậc sau đại học. Theo đó, nếu đi theo hướng nghiên cứu, các bác sĩ đa khoa có thể lựa chọn học lên bậc thạc sỹ, tiến sĩ. Hoặc nếu đi theo hướng chuyên môn lâm sàng có thể lựa chọn học lên chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II. Tất nhiên, dù học theo chương trình nào cũng phải đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện và trải qua kỳ thi có liên quan.
Cũng theo thầy Nam, trước đây, nếu muốn học bác sĩ chuyên khoa cấp I, người học phải công tác tối thiểu 2 năm tại bệnh viện, trung tâm y tế, tuy nhiên hiện nay chỉ cần thời gian tối thiểu 1 năm. Tương tự, đối với đào tạo chuyên khoa cấp II, thường sau 6 năm khi hoàn thành chuyên khoa cấp I, các bác sĩ mới đủ điều kiện tham gia nhưng thời gian này hiện cũng đã được rút ngắn hơn.
Chương trình đào tạo chuyên khoa cấp I được đào tạo sâu về lâm sàng, chuyên khoa cấp II còn tham gia nhiều hơn về nghiên cứu khoa học so với chuyên khoa cấp I nhưng chưa có sâu như đào tạo nghiên cứu sinh.
Đặc biệt, nếu bác sĩ nội trú có thể lựa chọn học lên bác sĩ chuyên khoa II hoặc nghiên cứu sinh đều được thì các chương trình đào tạo khác lại hạn chế hơn. Đơn cử, bác sĩ chuyên khoa I chỉ có thể học lên chuyên khoa cấp II còn thạc sỹ chỉ có thể học lên nghiên cứu sinh.
Tại trường đại học được phép đào tạo bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa thì một khoa thường chỉ đào tạo một số bác sĩ nội trú/năm. Trong khi đó đối với bác sĩ chuyên khoa thì có thể là một lớp đông trong một khoa.
Đều là lực lượng quan trọng của hệ thống y tế
Cùng bàn về vấn đề trên, Thạc sỹ, Bác sĩ Lê Hữu Khánh – Công tác tại Khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, từ trước đây, việc thi đỗ kỳ thi bác sĩ nội trú vốn giống như một vinh dự đặc biệt đối với các bác sĩ đa khoa sau khi tốt nghiệp đại học. Điều này thể hiện sự vững vàng về mặt chuyên môn của họ hơn so với các bác sĩ đa khoa tốt nghiệp cùng thời điểm.
Đặc biệt, do số lượng đào tạo đội ngũ có hạn nên tất yếu chất lượng đào tạo cũng được đảm bảo. Vì vậy, các bác sĩ nội trú sau khi hoàn thành chương trình học thường không phải lo lắng về đầu ra. Đây cũng là nguồn nhân lực nòng cốt của nhiều bệnh viện tuyến trung ương trên cả nước.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc đào tạo bác sĩ nội trú đã bắt đầu trở nên đại trà hơn, tuyển sinh nhiều hơn nên đầu ra của người học tất yếu sẽ có phần khó khăn hơn so với trước kia. Thế nhưng, để so với những chương trình đào tạo bác sĩ khác, thường các bác sĩ nội trú vẫn sẽ nhận được những lựa chọn công việc tốt hơn.
Bởi, không chỉ đảm bảo về kiến thức lâm sàng, nghiên cứu khoa học, các bác sĩ nội trú trong quá trình đào tạo cũng được làm việc ở bệnh viện để đảm bảo kỹ năng thực hành.
Mặt khác, thông thường những bác sĩ đã đi làm một thời gian dài, gắn kết tương đối ổn định với một bệnh viện hay cơ sở y tế nào đó rồi muốn tự nâng cấp bản thân hoặc để có được sự cam kết lâu dài hơn với cơ quan công tác mới lựa chọn học đào tạo chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II. Số bác sĩ hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II rồi mới đi xin việc là khá ít.
Nhìn chung, mặc dù bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa có đầu vào và đầu ra khác nhau nhưng thu nhập cũng không có mấy khác biệt. Nếu một bên là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (bác sĩ nội trú) thì một bên là chương trình đào tạo dành cho các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm hành nghề (bác sĩ chuyên khoa). Sự khác biệt chủ yếu có chăng là về thâm niên và tuổi nghề. Hơn nữa, cả hai đều là lực lượng quan trọng và cần thiết của hệ thống y tế nước nhà, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang cần nhiều đội ngũ y tế có chất lượng như hiện nay.