Người trồng dâu nuôi tằm chủ động vượt khó do dịch COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp ngành tơ tằm trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn.

Với giá kén tằm tại Lâm Đồng chỉ còn khoảng 70.000-85.000 đồng/kg, người nuôi đang không có lãi

Với giá kén tằm tại Lâm Đồng chỉ còn khoảng 70.000-85.000 đồng/kg, người nuôi đang không có lãi

Hơn 1 tháng nay, giá kén tằm tại Lâm Đồng chỉ còn khoảng 70.000-85.000 đồng/kg, bằng một nửa so với tuần trước và bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2018. Mặt khác, thị trường xuất khẩu sang các nước hiện cũng tạm đóng cửa, nhiều doanh nghiệp buộc phải chọn giải pháp lưu trữ hàng hóa, giảm sản lượng thu mua kén tằm. Trước tình hình trên, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã khuyến cáo nông dân chủ động giảm sản lượng bằng cách đốn bớt diện tích dâu già cỗi, năng suất thấp để phục hồi; tạm ngưng sản xuất, chờ dịch lắng xuống rồi mới khôi phục sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Tổ trưởng Tổ làng nghề dâu tằm tơ Đông Anh 3 (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) cho biết: Kể từ sau thời điểm Tết Nguyên đán 2020, việc trồng dâu nuôi tằm của người dân trong tổ làng nghề gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Chiến, ngay thời điểm tháng 2, người nuôi tằm phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn giống do một số đơn vị trực tiếp nhập khẩu trứng tằm từ Trung Quốc không nhập giống về được. Cộng thêm thời tiết nắng nóng, nhiều diện tích trồng dâu bị khô hạn, thiếu nước tưới dẫn đến không có nguồn thức ăn cho tằm nên nhiều hộ giảm mạnh quy mô nuôi. Nhưng, đáng lo nhất là từ giữa tháng 3 đến nay, giá kén tằm lao dốc không phanh do thị trường xuất khẩu bị ngưng trệ khiến người nuôi tằm lao đao.

“Với mức giá hiện nay, người nuôi tằm hầu như không có lãi. Chính vì vậy, gần 2/3 trong tổng số 200 hộ dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm trong Tổ làng nghề Đông Anh 3 đã buộc phải ngưng nuôi, một số hộ còn mạnh dạn đốn bỏ bớt dâu tằm để cắt giảm chi phí chăm sóc, chờ nuôi lứa mới” - ông Chiến cho hay.

Tại nhiều địa phương có nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh trong tỉnh như: Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Bảo Lộc, phương án tạm ngưng nuôi, đốn bỏ cây dâu cũng đang được nhiều nông hộ áp dụng.

Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 1.540 ha dâu, trong đó khoảng 1.300 ha cho thu hoạch thường xuyên, sản lượng kén 1,5 tấn/1 ha, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 1.800 tấn kén, trong đó 95% kén tằm được các cơ sở thu mua, sơ chế để xuất sang Ấn Độ. Riêng trong quý I/2020, sản lượng kén toàn huyện đạt 446 tấn.

Tuy nhiên, với tình hình thị trường xuất khẩu đang tạm đóng cửa như hiện nay, giá kén tằm đang ở mức rất thấp và dự báo sẽ còn duy trì tình trạng này sang đến quý II. Hiện, nguồn thu từ kén không bù được chi phí nuôi, giải pháp tạm thời mà người dân có thể thực hiện là tạm ngưng sản xuất, giảm chi phí chăm sóc diện tích dâu bằng cách đốn bỏ cây dâu, cho tái sinh lứa mới.

“Thực tế sau khi đốn một tháng rưỡi, cây dâu sẽ tái sinh, ra lứa lá mới. Nếu lúc này, tình hình dịch COVID-19 lắng dịu, thị trường trong nước và xuất khẩu ấm lên thì người dân ngay lập tức bắt tay vào phục hồi sản xuất” - ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh

Tương tự, ông Trần Quang Trừng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết: Hầu hết nông dân trong huyện đã chú trọng đến việc chuyển đổi các giống dâu mới, cho năng suất cao nên việc người dân phá bỏ cây dâu trong lúc nghề nuôi gặp khó không nhiều. Giá kén hiện tuy có giảm mạnh, nông dân trong huyện đang tìm cách thích ứng để vượt qua, nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện người dân loại bỏ cây này.

Theo ông Trừng, trong bối cảnh hiện nay cũng là dịp để địa phương nhìn nhận, đánh giá lại một cách tổng thể, cũng như xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trong thời gian tới.

Trong đó, đặc biệt chú trọng đến yếu tố nuôi bền vững. Không chạy theo thị trường, phát triển nóng về diện tích lẫn quy mô. Đặc biệt là phát triển mở rộng các liên kết chuỗi từ cung cấp trứng giống tằm đến hoạt động thu mua kén tằm, áp dụng cơ giới và kỹ thuật để giảm giá thành đầu vào.

Ông Hà Ngọc Chiến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp ngành tơ tằm trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện toàn tỉnh có 7.958 ha dâu tằm, tập trung nhiều nhất ở các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Tẻh. Trong quý I, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi gần 61.100 hộp trứng giống tằm, năng suất đạt gần 2.500 tấn kén.

Với giá kén như hiện nay, tuy có xuống thấp so với trước đây nhưng người nuôi tằm vẫn có thu nhập. Trong thời gian này, người dân nên tiếp tục duy trì chăm sóc diện tích dâu, chỉ đốn bỏ đối với diện tích dâu đã già cần phục hồi. Khi dịch qua đi, người dân có nguồn lá dâu kịp thời phục vụ chăn nuôi, đồng thời hy vọng giá kén cũng sẽ tăng trở lại.

THANH SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202004/nguoi-trong-dau-nuoi-tam-chu-dong-vuot-kho-do-dich-covid-19-2999195/