'Người trong một nước' và quan chức tham nhũng
Là người Việt, không ai không biết, thậm chí thuộc nằm lòng câu ca dao nghe đơn giản, mộc mạc nhưng rất đỗi thấm thía, thấm đẫm tình đồng bào: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Lại có thành ngữ yêu nước, thương nòi. Ai nói yêu nước mà không biết thương nòi, thương yêu những con người cùng nòi giống với mình, thì chỉ là yêu nước trên đầu môi chót lưỡi. Làm gì có chuyện yêu nước chung chung, miệng nói yêu nước mà lại đi làm hại đồng bào của mình?
Không cần lý luận trừu tượng, dài dòng, những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ tương tự đã ăn vào máu, trở thành chân lý đương nhiên, thành luân thường đạo lý, thông thường và phổ biến với người Việt.
Thế nên, khi đọc những cái tin gần đây như: Hai cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị cáo buộc nhận hối lộ vụ “chuyến bay giải cứu”; Nguyên Cục phó xuất nhập cảnh và hai thuộc cấp nhận hối lộ hơn 40 tỷ đồng (vụ “chuyến bay giải cứu”); Cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế hơn 180 lần nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng trong vụ “chuyến bay giải cứu”; Cán bộ sứ quán ăn chia với nhau khi tổ chức “chuyến bay giải cứu” người Việt mãn hạn tù từ Malaysia về nước; Cựu phó giám đốc Công an Hà Nội nhận 42,8 tỷ đồng để chạy án vụ “chuyến bay giải cứu”; Công an tạm giữ bao nhiêu tiền, vàng, đô la khi khám xét vụ “chuyến bay giải cứu”?; Vụ “chuyến bay giải cứu”: Thiếu tướng công an và phi vụ “chạy án” 61 tỷ đồng; Chuyến bay giải cứu: hậu trường những cuộc ngã giá triệu đô tưởng chỉ có trên phim… và rất nhiều tin bài khác về đại án “chuyến bay giải cứu” người Việt từ nước ngoài về nước trong đại dịch Covid-19 thì người đọc, người dân bình thường không thể kềm được sự xót xa, sửng sốt, phẫn nộ.
Sửng sốt, vì không thể nào ngờ được rằng trong 54 bị can của vụ đại án này có tới 21 cán bộ từ cao cấp trở xuống của hàng loạt bộ ngành quan trọng đã nhận hối lộ tổng cộng 180 tỷ đồng của những đồng bào bị kẹt ở nước ngoài do dịch bệnh và muốn trở về nước.
Phẫn nộ, vì không thể tin được, là có những cán bộ có trình độ học vấn và trình độ chính trị cao, thường mở miệng nói lời đạo đức, lại táng tận lương tâm đến mức vứt bỏ tình nghĩa với “người trong một nước”, ra sức vơ vét, làm giàu ngay trên nỗi khổ đau của đồng bào mình trong đại dịch.
Như cựu nữ Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan, người theo báo chí viết là “không chơi với doanh nghiệp nhỏ” trong việc tổ chức các “chuyến bay giải cứu”, đã 33 lần nhận hối lộ tới 25 tỷ đồng, từng nói không chút ngượng ngùng trong một bài trả lời phỏng vấn trên trang Cổng Thông tin điện tử Chính phủ mang tựa đề Tiếp tục mở rộng vòng tay đón đồng bào về nước đăng ngày 22.9.2020: “Các chuyến bay đưa công dân về nước được thực hiện kịp thời, hiệu quả, an toàn, đúng quy định về phòng chống dịch, đồng thời đáp ứng nguyện vọng về nước chính đáng của công dân, phù hợp với nhu cầu về nước và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong nước”.
Trong bài phỏng vấn này, người đọc cũng đọc thấy lời khẳng định của Bộ Ngoại giao: “Bộ Ngoại giao khẳng định luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch về điều kiện được về nước, hồ sơ, thủ tục đăng ký về nước đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài có nguyện vọng đăng ký về nước”. Còn Thứ trưởng ngoại giao Tô Anh Dũng, người nhận hối lộ tới 21,5 tỷ đồng, từng tuyên bố các “chuyến bay giải cứu” không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim”.
Trong khi đó, ông Trần Việt Thái - nguyên đại sứ Việt Nam tại Malaysia, đã chỉ đạo cán bộ đại sứ quán thu tiền trái quy định tới 44,6 tỷ đồng khi tổ chức 8 chuyến bay “giải cứu” cho gần 1.900 người Việt mãn hạn tù ở Malaysia về nước trong thời gian đại dịch. Khi tổ chức 8 chuyến bay này, ông Thái đã chỉ đạo các cán bộ đại sứ quán thu tiền của công dân qua tài khoản của cá nhân, không thông qua tài khoản của sứ quán và tài khoản quỹ bảo hộ công dân theo quy định. Họ không công khai các khoản thu chi với người đã nộp tiền; thu lệ phí cấp hộ chiếu trái quy định của pháp luật; thu tiền cao hơn chi phí thực tế, sau đó sử dụng một phần để chia nhau, trong đó ông Trần Việt Thái hưởng 580 triệu đồng.
Trong số 54 bị can trong vụ án này, đáng chú ý có hai cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam; nguyên trợ lý Phó thủ tướng, Nguyễn Quang Linh; nguyên Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Thanh Hải; nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan; nguyên Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng 16 bị can khác đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ, từ hàng tỷ cho tới hàng chục tỷ đồng.
Bao giờ những người được coi là “công bộc” của dân học được bài học “nhiễu điều phủ lấy giá gương” để luôn nhớ rằng một vị trí trong bộ máy công quyền không phải là chỗ để vơ vét mà trước hết là để phục vụ đồng bào mình, đất nước mình?
Còn Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội, một trong 4 bị can bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ để chạy tội cho một số bị can trong vụ án này, theo cơ quan điều tra, đã nhận tổng số tiền môi giới hối lộ là hơn 2,6 triệu USD (tương đương 61,6 tỷ đồng). Còn Phạm Trung Kiên, thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - với vai trò, nhiệm vụ tiếp nhận, trình lãnh đạo Bộ Y tế duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân - thì giữ kỷ lục về số tiền và số lần nhận hối lộ là hơn 42,6 tỷ đồng, với hơn 250 lần nhận trực tiếp hoặc qua tài khoản của mẹ vợ, theo kết luận của cơ quan điều tra.
Chỉ cần đọc vài bình luận dưới các tin bài của các báo về vụ đại án này là đủ để thấy nỗi thất vọng lớn lao của người dân đối với đội ngũ “công bộc” này như thế nào:
- Vụ án này quá kinh khủng. Những người được pháp luật giao trọng trách bảo vệ luật pháp lại ngang nhiên vi phạm pháp luật.
- Đọc các thông tin đến vụ án chuyến bay giải cứu tôi suýt ngất mấy lần với số tiền các ông ấy nhận. Không còn gì để nói.
- Tiền đã làm mờ mắt các vị, nay phải chịu hình phạt nghiêm minh của pháp luật.
Độ rộng và độ sâu của sự thoái hóa, hư hỏng trong hàng ngũ được coi là “công bộc” của dân qua vụ án này cho thấy sự phá sản về đạo đức công vụ cũng như đạo đức cá nhân của họ, cũng như mức hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng. “Lò” vẫn nóng, và những kẻ tham nhũng liên tiếp bị đưa “vào lò” nhưng tham nhũng vẫn không giảm, bởi như vậy là chưa đủ. Vấn đề không chỉ là giữ cho “lò” luôn nóng và tống được nhiều kẻ tham nhũng vào tù mà hiệu quả của chống tham nhũng, trước hết và trên hết, là phải làm sao cho tệ nạn làm mục ruỗng xã hội và kéo lùi sự phát triển của đất nước này ngày càng giảm đi, bộ máy công quyền trở nên trong sạch hơn với những “công bộc” không cần, không dám, không thể ăn bẩn. Đại án này, cũng như đại án Việt Á, cho thấy để bộ máy công quyền đạt đến mục tiêu đó, còn phải nỗ lực rất nhiều về mặt xây dựng thể chế có khả năng ngăn ngừa, ngăn chận tham nhũng.
Con số 54 bị can trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, trong đó có 21 quan chức, cán bộ của hàng loạt bộ và địa phương nhận hối lộ tới 180 tỷ đồng từ những đồng bào khốn khổ trong đại dịch, được công bố vào đầu tháng Tư này lại cũng khiến người ta không thể không liên tưởng đến câu nói đầy hình ảnh về “triệu người vui, triệu người buồn” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân sự kiện 30.4 và bài học về tình nghĩa đồng bào, tình nghĩa “người trong một nước”.
Với những quan chức, cán bộ như những kẻ bị khởi tố trong vụ án “chuyến bay giải cứu” này, người ta không thể không đặt câu hỏi: bao giờ những người được coi là “công bộc” của dân học được bài học “nhiễu điều phủ lấy giá gương” để luôn nhớ rằng một vị trí trong bộ máy công quyền không phải là chỗ để vơ vét mà trước hết là để phục vụ đồng bào mình, đất nước mình?