Người trồng rau liệt gặp khó khăn

Miền Tây huyện Gio Linh có một số xã trồng được rau liệt (còn gọi là rau xà lách xoong) trên ruộng đá có khe nước, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Gio An, mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân vào mỗi độ cuối năm. Thông thường, cây rau liệt bắt đầu cho thu hoạch vào đầu tháng 10 âm lịch. Thế nhưng năm nay thời tiết diễn biến bất lợi đã gây khó khăn cho việc triển khai mùa vụ rau mới, khiến việc sản xuất bị chậm trễ, gây thiệt hại lớn cho người trồng rau.

 Giá giống rau liệt năm nay tăng gấp đôi so với bình thường nhưng cũng không có để mua về trồng -Ảnh: T.L

Giá giống rau liệt năm nay tăng gấp đôi so với bình thường nhưng cũng không có để mua về trồng -Ảnh: T.L

Thôn Hảo Sơn, xã Gio An, huyện Gio Linh có diện tích trồng rau liệt 6 ha. Hằng năm, vào cuối mùa thu người dân bắt đầu vào vụ trồng rau mới. Năm nay những tháng mùa hè trời khô hạn đã làm nhiều ruộng rau giống của người dân bị cháy vì thiếu nước. Cố gắng chăm sóc được một phần nhỏ diện tích rau giống thì chưa kịp xuống vụ đã bị những trận lũ lụt liên tiếp trong tháng 10 cuốn trôi; phần không trôi thì bị ngập úng gây hư hại. Chị Võ Thị Xuân, một người trồng rau ở thôn Hảo Sơn cho biết, hằng năm việc trồng 3 sào rau liệt mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Với sản lượng thu được 8.000 đồng/ bó mỗi vụ, chỉ trong vòng 3 - 4 tháng, sau khi trừ chi phí, chị Xuân thu về hơn 70 triệu đồng tiền lãi. Chị Xuân còn là đầu mối cung cấp rau giống cho phần lớn các hộ dân trong vùng. Thế nhưng năm nay, chính chị lại phải bỏ một phần diện tích ruộng rau vì không có giống để sản xuất.

Ông Lâm Công Lộc ở thôn Bình Sơn có diện tích trồng rau hơn một sào, cần đến hơn 20 gánh rau giống mới trồng đủ một lần. Do giống rau năm nay khan hiếm nên giá cao. Bình thường một gánh rau giống nặng khoảng 40 kg có giá 400 nghìn đồng thì năm nay giá tăng gấp đôi. Vì vậy, ông Lộc chỉ mua được 6 gánh giống trồng trên diện tích 170 m2 để tự nhân giống. Thời tiết có mưa phùn như hiện tại rất phù hợp để cây rau liệt phát triển. Ông Lộc cho biết sau khoảng 20 ngày xuống giống, ruộng rau giống sẽ đến độ tuổi cho thu hoạch. Số giống này đủ để nhân lên ruộng rau có diện tích hơn một sào. Hiện tại, nhu cầu mua rau giống của người dân Gio An rất lớn nhưng đây là loại rau mang tính đặc thù nên không thể nhập từ vùng khác về để thay thế. Nhằm có đủ rau giống để trồng, người trồng rau phải tự nhân giống, điều này ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng rau, vì tốn tiền quá nhiều cho việc mua giống ban đầu và mùa rau bị thu ngắn lại do mất thời gian phục vụ việc nhân giống.

Ông Lê Thanh Tân, một người có nhiều năm trồng rau ở thôn An Hướng cho biết, năm nay sau những trận mưa lũ, ruộng rau bị đất đá, phù sa bồi lấp nên mất rất nhiều công sức để cất bốc lượng đất đá, phù sa cũng như khơi thông dòng chảy, khôi phục lại ruộng rau. Ông Tân đã cải tạo được một phần trong diện tích 4 sào ruộng rau. Tuy nhiên, do không có giống để trồng và trồng muộn sợ gió đông bắc về sớm làm rau không phát triển được nên ông quyết định năm nay bỏ ruộng. Không trồng được 4 sào rau liệt, gia đình ông Tân thất thu vài chục triệu đồng. Không chỉ gia đình ông Tân, nhiều gia đình trồng rau ở thôn An Hướng, An Nha những ngày này đang tập trung thu vén lượng đất đá, phù sa bồi lấp ruộng rau nhưng chưa có giống để trồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho biết, sau lũ lụt, người dân xã Gio An bị ảnh hưởng nặng nề, các vườn hồ tiêu, chuối bị ngập úng do nước ngầm nên phần lớn diện tích bị chết. Nông dân Gio An bây giờ chỉ biết trông chờ vào những ruộng rau liệt, là cây rau khá ngắn ngày, cho thu nhập sớm để có thêm tiền cải thiện cuộc sống, nhất là trang trải cho dịp tết sắp đến. Hằng năm xã Gio An có hơn 150 hộ trồng rau liệt với diện tích trên 10 ha, mang lại thu nhập hơn 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, do mưa lũ đẩy đất, đá về làm hư hỏng ruộng; cùng với khan hiếm giống rau nên vụ này người dân chỉ trồng được khoảng 6/10 ha, diện tích còn lại đành chấp nhận bỏ ruộng, tiếp tục cải tạo chờ vụ sản xuất năm sau. Việc còn 4 ha ruộng rau bỏ hoang gây thất thu cho người dân nhiều tỉ đồng.

Trước tình hình này, UBND xã Gio An vận động người dân cố gắng không bỏ ruộng, tiếp tục cải tạo ruộng đồng để phục vụ cho mùa trồng rau năm sau. Với diện tích rau trồng được, để ổn định giá cả, xã Gio An tiếp tục quảng bá thương hiệu, kiện toàn các tổ, HTX trồng rau sạch, tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh, thành phố như Huế, Đà Nẵng để giúp người dân có thêm thu nhập từ trồng rau, cải thiện cuộc sống.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153665