Người trồng thanh long cần 'trợ lực' để tái sản xuất
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, giá vật tư nông nghiệp, chi phí thuê nhân công ngày càng tăng cao đã làm người dân khó khăn càng thêm khó khăn.
Thanh long vẫn khó tiêu thụ
Tính đến nay, toàn tỉnh phá bỏ khoảng 1.000ha thanh long, trong đó có gần 100ha đã chuyển đổi sang cây trồng khác, phần còn lại người dân chưa sản xuất mới”.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An, tính đến ngày 01/6/2022, toàn tỉnh có trên 10.640ha thanh long, bằng 91,33% so cùng kỳ năm 2021. Diện tích cho trái khoảng 10.183,5ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và TP.Tân An. Hiện nay, giá thanh long (mua tại vườn) khá thấp. Cụ thể, giá thanh long ruột đỏ từ 4.000-6.000 đồng/kg, ruột trắng từ 2.000-3.000 đồng/kg.
Mặc dù ngành chức năng và chính quyền địa phương khuyến cáo nhà nông cố gắng giữ lại vườn thanh long nhưng do giá giảm và năng suất thấp nên diện tích cây thanh long trên địa bàn tỉnh tiếp tục bị thu hẹp. Nhiều nhà vườn đốn bỏ cây thanh long chuyển sang trồng cây ăn trái khác.
Cuối tuần qua, anh Nguyễn Thành Nam (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) thuê xe cơ giới cùng 2 nhân công nhổ bỏ hơn 3.000 gốc thanh long. Dây thanh long trên các trụ trong vườn đang xanh mướt và ra trái thuận mùa nhưng chủ vườn đành phá bỏ và nhổ trụ lên vì không đủ khả năng đầu tư tiếp. Anh Nam cho biết, liên tiếp 7 vụ thanh long vừa qua của gia đình, đợt nào cũng bị rớt giá thê thảm, chỉ từ 500 - 4.500 đồng/kg. Tiền bán thanh long không đủ trả chi phí điện xông đèn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc. Mỗi đợt đầu tư lỗ hàng chục triệu đồng.
“Với tình hình như hiện nay, tiếp tục làm sẽ tiếp tục lỗ nên tôi quyết định chặt bỏ thanh long, chuyển qua trồng cây khác” - anh Nam cho biết thêm.
Cũng như anh Nam, ông Nguyễn Văn Chưa (ngụ cùng địa phương) cùng con trai phá bỏ hơn 2.000 gốc thanh long. Theo ông Chưa, gần 10 năm trước, khi thanh long có giá, ông tập trung vốn liếng để đầu tư trồng vườn thanh long này. Mấy năm đầu được giá, thanh long là nguồn thu chính của gia đình nhưng 2 năm trở lại đây, thanh long rớt giá liên tục, bị thua lỗ nặng, ông quyết định ngừng đầu tư.
Còn anh Nguyễn Thanh Bình (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) chia sẻ, 2 năm qua, anh chỉ tưới nước vừa để giữ độ ẩm và bón ít phân để duy trì vườn với hy vọng giá tăng trở lại, thế nhưng giá thanh long ngày càng “lao dốc”. Nhiều vườn thanh long trái chín nhưng không có người đến mua hoặc mua giá rẻ, chỉ từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Thấy vậy, anh Bình quyết định phá hết thanh long trong vườn. Chặt xong dây, anh thuê xe nhổ trụ, dọn sạch vườn để trồng cây khác.
Anh Bình bộc bạch: “Đối với 1ha thanh long, mỗi vụ, nông dân phải tốn khoảng vài chục triệu đồng chi phí đầu tư (tiền điện, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và công chăm sóc. Với giá bán chỉ từ 1.000-3.000 đồng/kg, thậm chí không ai mua thì chủ vườn càng làm càng thua lỗ thêm”.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn thông tin: Hiện nay, chủ trương của huyện vẫn là tập trung khôi phục, phát triển cây thanh long. Trong đó, chú trọng phát triển thanh long hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao từng bước chuẩn hóa chất lượng thanh long, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu.
Tính đến nay, toàn tỉnh phá bỏ khoảng 1.000ha thanh long, trong đó có gần 100ha đã chuyển đổi sang cây trồng khác, phần còn lại người dân chưa sản xuất mới. Theo nhiều nông dân đang bỏ trống đất, hiện nay, họ vẫn bỏ trống đất do nhiều nguyên nhân, trong đó 2 nguyên nhân được nhiều người dân đưa ra, một là họ chưa biết phải chuyển sang trồng cây gì khác và hai là họ không có vốn để tái sản xuất.
Vẫn đang băn khoăn chưa biết trồng cây gì khác sau khi phá bỏ thanh long, ông Võ Văn Bé (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển sang cây trồng khác. Vì hầu như trồng cây gì thì cũng không ổn định được đầu ra. Ngoài ra, vị trí đất của gia đình tôi lại nằm xa đường giao thông nên các loại máy móc cũng khó di chuyển vào, việc cải tạo đất gặp nhiều khó khăn”.
Còn anh Nguyễn Quang Phương (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) nói: “Tôi định sẽ trồng lại thanh long. Tuy nhiên, chi phí đầu tư trồng lại khá cao, trung bình để trồng mới 1ha thanh long, phải đầu tư từ 30 - 40 triệu đồng nhưng sau khi thua lỗ 2 năm liên tục, hiện giờ tôi không có khả năng để đầu tư trồng lại mới. Nhiều khả năng tôi sẽ cày và sạ lúa trong vụ này”.
Cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ
Bên cạnh những người dân lựa chọn phá bỏ thanh long, vẫn còn nhiều nông dân đang nỗ lực khôi phục những vườn thanh long với hy vọng sẽ sớm phục hồi, ổn định nguồn thu nhập cho gia đình. Hiện nay, nhiều nông dân tích cực chăm sóc, tỉa cành, bón thêm phân hữu cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng canh tác thanh long theo hướng VietGAP để cho ra đời nông sản sạch, hướng tới thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, đối với những vườn thanh long già cỗi, người dân đốn bỏ trước đó, thì nay họ gầy dựng lại từ việc cải tạo đất cho đến đóng trụ để ốp nhánh cây con vào trụ nhằm tạo lập vườn thanh long mới sẽ hồi sức, phát triển cho trái vào vài năm tới đây.
Bà Nguyễn Thị Hoa (ấp Cầu Ông Bụi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) đã có gần 20 năm trồng thanh long, chia sẻ: “Gia đình tôi trước giờ đã quen trồng thanh long, vùng đất này cũng thích hợp trồng loại cây này. Giờ vườn thanh long già cỗi, dù giá cả chưa được ổn định nhưng gia đình tôi vẫn quyết phục hồi lại vườn thanh long bởi đã có kinh nghiệm, hiểu đặc tính của loại cây trồng này nên việc canh tác sẽ thuận lợi; còn nếu chuyển đổi sang trồng cây khác mà không có kinh nghiệm canh tác thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn”.
Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Hiện nay, tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, trong đó thanh long là 1 trong 4 loại cây trồng được hỗ trợ. Theo đó, hỗ trợ 70% giá giống thanh long sạch bệnh cho các đối tượng đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng/ha. Đồng thời, hỗ trợ 50% giá thuê máy móc, thiết bị cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số phục vụ sản xuất; mức hỗ trợ tối đa không quá 5 triệu đồng/ha/vụ. Hoặc hỗ trợ 40% chi phí mua máy móc, thiết bị cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số phục vụ sản xuất; mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/máy móc hoặc thiết bị.
Tuy nhiên, điều kiện được hỗ trợ theo các mức trên phải có quy mô diện tích tối thiểu của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 10ha. Ngoài ra, giống cây trồng phải nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng. Các trang thiết bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số phải nằm trong danh mục khuyến khích ưu tiên hỗ trợ, có dự án hoặc hợp đồng tiêu thụ, cam kết thu mua của doanh nghiệp về sản phẩm đầu ra.
“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp các ngành liên quan triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi từ sơ chế thô sang sơ chế, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp; tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp cung cấp thông tin đầu mối cung ứng nông sản trên các sàn thương mại điện tử; đồng thời, phối hợp đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử. Ngành xây dựng, triển khai kinh tế số trong nông nghiệp; xây dựng và cấp mã số vùng trồng, mã đóng gói; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại,...
Song song đó, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ kết nối với Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh. Sở phối hợp Sở Công Thương khuyến cáo, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tập huấn, phổ biến, hướng dẫn các địa phương, đơn vị các thủ tục, quy định đối với quản lý chất lượng nông sản của các thị trường xuất khẩu” - ông Truyền cho biết thêm./.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp các ngành liên quan triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi từ sơ chế thô sang sơ chế, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp; tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp cung cấp thông tin đầu mối cung ứng nông sản trên các sàn thương mại điện tử; đồng thời, phối hợp đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguoi-trong-thanh-long-can-tro-luc-de-tai-san-xuat-a136958.html