Người trồng tiêu Quảng Trị có nguy cơ trắng tay vì hạn hán
Hàng loạt vườn tiêu thiếu nước tưới nên khô héo, vàng lá, rụng quả dẫn đến mất mùa kéo theo thu nhập của nhiều hộ dân suy giảm.
Hạn hán kéo dài khiến hơn 1.400 ha hồ tiêu ở tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt vườn tiêu khô héo, vàng lá, rụng quả dẫn đến mất mùa, thu nhập của nhiều hộ dân suy giảm.
Ông Phan Trọng Lư, 67 tuổi, ở thôn Lễ Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh đã có hơn 25 năm trồng cây tiêu. Năm nay, nắng nóng kéo dài kèm gió Tây Nam hanh khô, thổi mạnh khiến vườn tiêu 1.500 gốc của ông Lư rụng lá, rụng quả, chết dần. Ông Phan Trọng Lư cho biết, gia đình tích cực chăm sóc, tưới nước giếng khoan, nhưng đến khi đậu quả thì cây chết dần.
“Trong 25 năm tôi trồng tiêu thì đây là lần đầu tiên gặp hạn hán, cây rụng nhiều và chết. Tôi có 2 vườn tiêu thì hiện 1 vườn mất 50% diện tích còn 1 vườn bị mất trắng. Bình thường những năm trước trồng và thu hoạch tiêu rất dễ nhưng năm hạn nặng nên trồng được nhưng thu hoạch rất khó, sản lượng thu hoạch còn 50%”, ông Lư chia sẻ.
Ông Lê Văn Viễn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gio Linh cho biết, đầu năm nay, nhiều vườn tiêu trên địa bàn nhiễm bệnh, cây tiêu héo rũ. Đến đầu mùa hè lại gặp hạn nặng, cây tiêu chết hàng loạt. Theo ông Lê Văn Viễn, tiêu vàng lá, chết khô, sản lượng thu hoạch giảm hơn một nửa, nhiều gia đình mất trắng.
“Huyện đã có nhiều biện pháp, chủ trương, khuyến khích và hỗ trợ cho người dân để thực hiện các biện pháp bơm tưới, phục hồi vườn hồ tiêu. Nhưng với tình hình nắng hạn như hiện nay, hệ thống bơm tưới của người dân và hỗ trợ của huyện không đáp ứng nổi nhu cầu nước của cây hồ tiêu”, ông Viễn cho hay.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh hiện có 2.500 ha cây tiêu thì hơn 1.400 ha đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nắng hạn, gần 150 ha tiêu chết hoàn toàn. Theo bà Nguyễn Hồng Phương, đơn vị đã cử cán bộ xuống hướng dẫn người dân khôi phục vườn tiêu.
“Một số cây tiêu đã bị khô, số còn lại còn bị bệnh tuyến trùng khiến cây chết nhanh. Diện tích tiêu chưa chết đa số bị vàng chiếm tới gần 50% diện tích hồ tiêu toàn tỉnh. Trong thời điểm khô hạn này, không có giải pháp trồng trọt nào áp dụng được, Cục đang hướng dẫn người dân chuẩn bị vật tư để đầu mùa mưa sẽ chăm sóc, phục hồi lại cây”, bà Phương lý giải./.