Người Trung Quốc: 'Đưa tôi 5 triệu Nhân dân tệ, tôi sẽ đẻ ba con'

Thay đổi bất ngờ của Bắc Kinh trong chính sách dân số liệu có thể giúp vá lỗ hổng trong cơ cấu dân số của Trung Quốc trong trung hạn và dài hạn?

Ngày 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Tập Cận Bình, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhóm họp và xem xét “Quyết định về tối ưu hóa chính sách sinh sản, thúc đẩy phát triển dân số cân bằng về dài hạn” và chính thức cho phép các cặp vợ chồng nước này sinh con thứ ba.

Theo đó, chính sách mới cùng biện pháp hỗ trợ được kỳ vọng sẽ cải thiện cơ cấu dân số, thực hiện chiến lược quốc gia nhằm ứng phó với già hóa dân số và duy trì lợi thế nhân lực của Trung Quốc. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng yêu cầu xem xét và thảo luận về các vấn đề kết hôn, sinh con, nuôi dạy, giáo dục con cái, tăng cường các chiến dịch giáo dục về hôn nhân và thai sản.

Năm 2016, Trung Quốc đã bỏ chính sách một con được áp dụng trong gần 40 năm. Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, Trung Quốc chưa thể thành công trong việc thuyết phục các gia đình sinh hai con, trong khi lực lượng lao động đang có dấu hiệu già hóa và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Thay đổi trong chính sách ba con được Trung Quốc kỳ vọng có thể cải thiện tỷ lệ tình trạng sinh đẻ thấp và làm tiến trình già hóa dân số chậm lại. (Ảnh minh họa. Nguồn: Alarmy)

Thay đổi trong chính sách ba con được Trung Quốc kỳ vọng có thể cải thiện tỷ lệ tình trạng sinh đẻ thấp và làm tiến trình già hóa dân số chậm lại. (Ảnh minh họa. Nguồn: Alarmy)

Theo tổng điều tra dân số mới đây, sau 10 năm, dân số Trung Quốc đã tăng hơn 72 triệu và hiện đang ở mức 1,41 tỷ người. Tuy nhiên, là mức tăng thấp nhất kể từ khi Bắc Kinh tiến hành điều tra dân số lần đầu tiên từ năm 1953 và sẽ còn giảm trong tương lai.

Bằng chứng là Trung Quốc chỉ ghi nhận 12 triệu ca sinh trong năm 2020, đánh dấu mức giảm năm thứ tư liên tiếp và thấp nhất kể từ năm 1961. Tỷ lệ sinh của nước này cũng chỉ còn 1,3 trẻ em/phụ nữ - nếu tỷ lệ này thấp hơn 1,5 trong thời gian nhất định, Trung Quốc có thể bị coi là rơi vào “bẫy sinh thấp”.

Từ tranh cãi…

Ngay lập tức, sự thay đổi bất ngờ về chính sách dân số này đã trở thành một chủ đề thảo luận tại Trung Quốc. Trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo, từ khóa #Chính-sách-ba-con-đến-rồi đã có tới 3 tỷ lượt theo dõi, với nhiều người tự hỏi rằng liệu chính sách này có quá muộn hay chăng.

Một tài khoản Weibo viết: “Tôi là thành quả của chính sách một con. Tôi đã chăm sóc cha mẹ mình. Thử hỏi tôi lấy đâu ra sức để nuôi dạy thêm hai đứa trẻ nữa?” Một tài khoản Weibo khác khẳng định: “Đưa tôi 5 triệu Nhân dân tệ (tương đương hơn 780.000 USD), tôi sẽ đẻ ba con”.

Tuy nhiên, không ít người tỏ ra vui mừng trước thay đổi chính sách mới của Trung Quốc. Cô Su Meizhan, một nhà quản lý nhân sự tại Bắc Kinh và đang mang thai con thứ ba, rất hạnh phúc trước thông tin này: “Tôi sẽ không phải trả tiền phạt mà vẫn có hộ khẩu.”

Cô Yolanda Ouyang, một nhân viên 39 tuổi cho một tập đoàn nhà nước ở tỉnh Quảng Tây, đã từng phải “giấu” việc có con thứ ba trong hai năm liền vì lo sợ bị mất việc. Vì thế, sự thay đổi nói trên đã khiến cô hạnh phúc bất ngờ, bởi “cuối cùng con tôi cũng có thể ra ngoài vui chơi”.

Giới chuyên gia cũng tỏ ra chia rẽ trong câu chuyện này.

Chuyên gia xã hội học Yifei Li tại Đại học New York ở Thượng Hải nhận định: “Mọi người cân nhắc về thai sản không phải bởi giới hạn hai con, mà bởi chi phí đắt đỏ trong nuôi dạy con cái ở Trung Quốc”.

Giáo sư Wang Feng tại Đại học California Irvine, chuyên gia về dân số học châu Á, đi xa hơn khi cho rằng Bắc Kinh đang nhẽ ra phải từ bỏ chính sách sinh đẻ từ lâu. Theo ông, “thứ Trung Quốc cần không phải là một chính sách mới, mà một xã hội tốt và công bằng hơn”.

Tháp dân số Trung Quốc năm 2020 cho thấy thực trạng về già hóa dân số tại cường quốc châu Á. (Nguồn: PopulationPyramids)

Tháp dân số Trung Quốc năm 2020 cho thấy thực trạng về già hóa dân số tại cường quốc châu Á. (Nguồn: PopulationPyramids)

Song Giáo sư Stuart Gietel Basten, Giám đốc Trung tâm về già hóa dân số tại Đại học khoa học kỹ thuật Hong Kong, cho rằng thông báo này không hề vô nghĩa: “Nó đã xóa đi sự bất hợp lý xung quanh quan ngại về tỷ lệ sinh đẻ thấp và giới hạn sinh đẻ. Đây cũng là bước tiến quan trọng nhằm xóa bỏ các hành động phạm pháp đối với phụ nữ như triệt sản hay phá thai”.

…tới hoài nghi

Báo New York Times (Mỹ) cho rằng chính sách mới của Bắc Kinh phản ánh nỗi lo số người già tăng nhanh ở Trung Quốc, khiến tình trạng thiếu lao động trầm trọng thêm, đồng thời gây sức ép với nền kinh tế trong tương lai gần. Quan trọng hơn, đảo ngược hoàn toàn đạo luật trước đó là cách Trung Quốc phủ nhận chính sách gây tranh cãi mà chính phủ nước này đã bảo vệ từ lâu.

Báo The Hindu (Ấn Độ) tỏ ý hoài nghi, cho rằng theo như tháp dân số Trung Quốc ít nhất trong 5 năm qua tuyên bố mới của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khó giải quyết lỗ hổng trong cơ cấu dân số của Trung Quốc hiện nay.

“Tôi là thành quả của chính sách một con. Tôi đã chăm sóc cha mẹ mình. Thử hỏi tôi lấy đâu ra sức nuôi dạy thêm hai đứa trẻ nữa?”.

Trong khi đó, The Guardian (Anh) nhấn mạnh rằng trước khi chính thức công bố, Trung Quốc đã thử nghiệm chính sách “ba con” tại tỉnh Hắc Long Giang ở Đông Bắc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng kết quả của cuộc thử nghiệm trên đã không được như mong muốn. Thậm chí, một số đề xuất đã đến lúc Bắc Kinh từ bỏ chính sách kế hoạch hóa gia đình.

Tờ này cũng lưu ý rằng già hóa dân số đang trở thành bài toán khó của Đông Bắc Á. Chính quyền Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc đều nỗ lực khuyến khích các cặp đôi tiến hành sinh đẻ. Trước Bắc Kinh, Tokyo và Seoul đã triển khai hình thức hỗ trợ chi phí và chế độ thai sản.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguoi-trung-quoc-dua-toi-5-trieu-nhan-dan-te-toi-se-de-ba-con-146920.html