Người Trung Quốc không dám chi tiêu vì làn sóng Covid-19 mới

Tiêu dùng nội địa - vốn là động lực tăng trưởng kinh tế lớn của Trung Quốc - bị tác động mạnh bởi các biện pháp phòng dịch gắt gao của giới chức Bắc Kinh.

Theo CNBC, sau khi Trung Quốc thắt chặt các biện pháp nhằm kiểm soát làn sóng dịch Covid-19 mới, chỉ số đo chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 2 năm.

Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài từ ngày 3/4 đến 5/4, các hạn chế đi lại và lệnh phong tỏa khiến người Trung Quốc khó đi du lịch. Theo dữ liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, so với kỳ nghỉ lễ hồi năm 2019, chi tiêu cho du lịch trong năm nay chỉ phục hồi 39,2%.

Tốc độ phục hồi đã giảm mạnh so với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hồi đầu năm. So với đầu năm 2019, chi tiêu du lịch dịp Tết năm nay tăng 56,3%.

 Người tiêu dùng ngần ngại chi tiêu do làn sóng Covid-19 mới và các biện pháp chống dịch gắt gao của Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Người tiêu dùng ngần ngại chi tiêu do làn sóng Covid-19 mới và các biện pháp chống dịch gắt gao của Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Ngần ngại chi tiêu

Thượng Hải - thành phố lớn nhất tại Trung Quốc - là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng Omicron. Giới chức Thượng Hải vừa mở rộng phạm vi phong tỏa ra khu vực phía đông thành phố, đồng thời gia hạn phong tỏa đối với khu vực phía Tây, sau khi kế hoạch phong tỏa từng phần chưa thể làm giảm số ca mắc Covid-19 mới.

Khoảng 193 triệu người ở Trung Quốc hiện sống trong những khu vực bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Theo báo cáo của ông Ting Lu - nhà kinh tế trưởng tại Nomura, các khu vực này chiếm khoảng 22% GDP của đất nước.

"Chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc có thể cứu sống nhiều người, nhất là những người cao tuổi", ông nhận định.

"Nhưng nền kinh tế sẽ phải gánh một khoản chi phí không lồ", ông Ting Lu cảnh báo. Ngoài ra, theo ông, các biện pháp chống dịch của Trung Quốc cũng hạn chế khả năng được điều trị y tế đối với những bệnh nhân bị mắc bệnh khác ngoài Covid-19.

"Mùa xuân năm 2020, mọi người đều tin rằng Covid-19 sẽ kết thúc vào mùa hè. Nhưng giờ, chúng tôi cho rằng làn sóng Omicron không sớm kết thúc. Điều này làm gia tăng sự không chắc chắn và khiến giới đầu tư lo ngại", vị chuyên gia nhận định.

Thượng Hải - thành phố lớn nhất tại Trung Quốc - là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng Omicron. Ảnh: Reuters.

Thượng Hải - thành phố lớn nhất tại Trung Quốc - là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng Omicron. Ảnh: Reuters.

Hiện, các nhà máy tại Trung Quốc duy trì hoạt động bằng cách bố trí cho công nhân ăn, ngủ, nghỉ tại nhà máy. Theo giới quan sát, ngành công nghiệp dịch vụ của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hôm 6/4, Shanghai Disney Resort cho biết các công viên giải trí và khách sạn vẫn đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

Theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, doanh thu trong kỳ nghỉ lễ vừa qua đã giảm 30,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 18,78 tỷ NDT (2,93 tỷ USD). Số chuyến du lịch lao dốc 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 75,4 triệu lượt, tương đương 68% mức trước đại dịch.

Theo trang đặt phòng Trip.com, hầu hết du khách đặt phòng nghỉ tại vùng nông thôn hoặc những điểm du lịch gần nhà.

Kém lạc quan

Làn sóng Covid-19 mới cũng giáng đòn vào lĩnh vực thương mại điện tử, dù Trung Quốc vốn là nơi mà mua sắm trực tuyến thịnh hành.

Theo Cục Bưu điện Quốc gia, số kiện hàng được nhận và chuyển phát trong kỳ nghỉ lễ đã giảm khoảng 13% so với một năm trước đó. Hiện, vẫn chưa rõ nguyên nhân là các vấn đề về hậu cần hay nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm.

Theo Caixin, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong ngành dịch vụ của Trung Quốc đã lao dốc vào tháng 3 với tốc độ nhanh nhất trong vòng 2 năm.

"Các doanh nghiệp thường xuyên than phiền rằng những biện pháp chống dịch gắt gao đã làm gián đoạn hoạt động và ảnh hưởng tới nhu cầu của khách hàng", Caixin nhận định.

Các doanh nghiệp thường xuyên than phiền rằng những biện pháp chống dịch gắt gao đã làm gián đoạn hoạt động và ảnh hưởng tới nhu cầu của khách hàng

Caixin

Theo dữ liệu, đây là tháng thứ 3 liên tiếp các công ty dịch vụ không muốn thuê thêm nhân viên.

Mức độ lạc quan của các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ cũng lao dốc. Theo Caixin, họ lo ngại về việc "hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng trong bao lâu bởi đại dịch và cuộc chiến ở Ukraine”.

Theo cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Trung Quốc, hơn một nửa doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc đã cắt giảm dự báo doanh thu hàng năm do làn sóng dịch Covid-19 mới.

Cuộc khảo sát cho thấy 54% doanh nghiệp thành viên được khảo sát đã hạ dự báo doanh thu năm 2022 do đợt bùng phát Covid-19 mới. Hơn 80% nhà sản xuất thừa nhận hoạt động sản xuất chậm lại và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Nếu các hạn chế chống Covid-19 của Trung Quốc vẫn được áp dụng trong năm tới, một nửa số doanh nhân được hỏi cho biết sẽ giảm đầu tư. Gần 75% thừa nhận rằng việc duy trì những hạn chế khiến doanh thu và lợi nhuận lao dốc.

Gần 20% nhà sản xuất cho biết sẽ chuyển sản xuất hoặc hoạt động ra khỏi Trung Quốc nếu các hạn chế chống dịch nghiêm ngặt vẫn được duy trì.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-trung-quoc-khong-dam-chi-tieu-vi-lan-song-covid-19-moi-post1307754.html