Người Trung Quốc tiêu tiền nhiều kỷ lục trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
Những con số khả quan này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức...
Hoạt động đi lại và chi tiêu ở Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua đã thiết lập kỷ lục mới - một tín hiệu khả quan trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang trên đà giảm tốc.
Số liệu do Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố tuần này cho thấy đã có 501 triệu lượt hành khách đi lại trong biên giới Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng mức chi của du khách tăng 7%, đạt 677 tỷ nhân dân tệ, tương đương 93 tỷ USD.
Mức chi tiêu bình quân hàng ngày của mỗi du khách trong mỗi chuyến đi là 168,9 nhân dân tệ (23,2 USD) - theo ước tính của hãng tin CNN dựa trên số liệu chính thức, tăng nhẹ từ mức 166,8 nhân dân tệ (22,9 USD) của năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn khoảng 5% so với mức 176,9 nhân dân tệ (24,3 USD) ghi nhận vào 2019 - năm trước khi xảy ra đại dịch Covid.
Các chuyến đi xuyên biên giới, cả ra và vào Trung Quốc, đạt bình quân 1,795 triệu lượt mỗi ngày trong suốt kỳ nghỉ - theo dữ liệu từ Cơ quan Xuất nhập cảnh Quốc gia (NIA). Con số này cao hơn một chút so với mức bình quân 1,79 triệu lượt/ngày cùng kỳ năm 2019. Sự tăng trưởng này chủ yếu do số du khách nước ngoài tăng, với lượng du khách ngoại quốc ra vào Trung Quốc trong kỳ nghỉ tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2024, Trung Quốc đã đưa ra chương trình miễn thị thực cho hàng chục quốc gia nhằm thúc đẩy du lịch và tiêu dùng.
Các rạp chiếu phim ở Trung Quốc cũng chứng kiến lượng khách tăng mạnh trong kỳ nghỉ vừa qua, sau một năm 2024 đầy ảm đạm.
“Với hiệu ứng nghỉ lễ và sự hỗ trợ chính sách, các lĩnh vực như du lịch nội địa, phim ảnh, thiết bị gia dụng và hàng điện tử đều chứng kiến sự tăng trưởng tốt”, một báo cáo của Citi nhận định.
Đã có 187 triệu lượt khách đi xem phim tại các rạp chiếu ở Trung Quốc trong kỳ nghỉ, một con số kỷ lục. Doanh thu phòng vé nhờ đó cũng đạt mức cao chưa từng thấy 9,5 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,32 tỷ USD - theo dữ liệu từ Cục Điện ảnh Trung Quốc (CFA).
Những con số khả quan này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức, từ an ninh việc làm bấp bênh ở giới trẻ cho tới cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Để chống lại áp lực suy giảm tăng trưởng, Bắc Kinh đã ưu tiên thúc đẩy nhu cầu trong nước, cải thiện tâm lý đang ảm đạm của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Các số liệu về đi lại và chi tiêu trong kỳ nghỉ Tết vừa qua có thể mang lại sự tự tin mới cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang chật vật vực dậy nền kinh tế. Nhưng không rõ liệu đà tăng đó có thể duy trì được hay không.
“Chúng ta không nên lạc quan quá mức với các số liệu tốt về kỳ nghỉ. Đó có thể chỉ là một sự giải phóng sức mua sau năm 2024 ảm đạm”, một báo cáo của ngân hàng HSBC nhận định.
Chẳng hạn, doanh thu của các rạp chiếu phim tăng mạnh có thể bắt nguồn một phần từ các chính sách thúc đẩy tiêu dùng của Chính phủ Trung Quốc. Hồi tháng 12, CFA mở một chiến dịch trợ giá phim ảnh, trong khi chính quyền một số địa phương như Bắc Kinh và Quảng Đông đã phát voucher rạp chiếu phim cho người dân trước kỳ nghỉ lễ.
Hồi tháng 1, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố chi 81 tỷ nhân dân tệ, tương đương 11,1 tỷ USD, cho chương trình đổi hàng cũ lấy hàng mới, áp dụng với ô tô và thiết bị gia dụng như nồi cơm điện và máy giặt.
Trên trường quốc tế, Trung Quốc cũng đang đối mặt với áp lực lớn, nhất là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần này đánh thuế quan bổ sung 10% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Đáp trả Washington, Bắc Kinh đã áp thuế quan từ 10-15% lên một số hàng hóa Mỹ.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong một cuộc họp Hội đồng Nhà nước vào hôm thứ Tư, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ vững niềm tin và phối hợp nỗ lực để giải quyết các vấn đề kinh tế của đất nước, đồng thời ứng phó với các thách thức bên ngoài.