Người truyền cảm hứng, khát vọng khởi nghiệp
Bỏ qua công việc kỹ sư xây dựng ở thành phố với mức lương ổn định, từ năm 2021, anh Vương Đắc Lộc (sinh năm 1988, ở làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) đã về quê tìm hướng khởi nghiệp từ 2 hecta nho Hạ Đen.
Mạnh dạn đi ngược lại với xu thế bỏ làng lên thành phố tìm việc, anh Vương Đắc Lộc đã trở thành người truyền cảm hứng, khát vọng khởi nghiệp cho thanh niên trong vùng với ý tưởng xây dựng mô hình vườn nho sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệm.
Đất không phụ công người
Những ngày đầu xuân, chúng tôi về thăm mô hình trồng nho Hạ Đen của anh Vương Đắc Lộc. Trong không gian bạt ngàn những thân nho, tôi thực sự choáng ngợp trước sự đầu tư quy củ, bài bản của mô hình mà anh đã ấp ủ suốt 3 năm qua. Sau ba năm khởi nghiệp, anh Lộc chững chạc hơn so với những ngày còn làm việc ở thành phố. Với anh, quãng thời gian ấy là bước ngoặt của cuộc đời vì trước đây có nằm mơ anh cũng không nghĩ mình sẽ trở về quê phát triển nông nghiệp. Ba năm cũng là chừng ấy thời gian anh chưa có giấc ngủ ngon, chưa một lần thôi lo lắng, suy nghĩ về con đường mình đã và đang đi.
Vừa đưa khách tham quan vườn nho đang sinh trưởng, phát triển tốt, anh Lộc vừa hào hứng kể: Năm 2020, qua phương tiện thông tin đại chúng, anh được biết Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang nhận chuyển giao công nghệ trồng và chăm sóc giống nho Hạ Đen từ Viện Khoa học Nông nghiệp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là giống nho có những ưu điểm vượt trội so với các loại nho bản địa tại nước ta như sinh trưởng khỏe, nhanh cho thu hoạch, năng suất cao. Chính vì nhận ra tiềm năng phát triển của giống nho này, anh đã quyết tâm lên Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang để học hỏi. Sau khi “tầm sư học đạo”, anh thấy thực sự đây là giống cây phát triển hiệu quả trên mảnh đất quê nhà.
Thế nhưng, luôn có sự khác nhau giữa dự định, quyết tâm với thực tế. Đầu năm 2021, anh Lộc bắt đầu trồng thử nghiệm giống nho Hạ Đen, tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết, vườn nho của anh bắt đầu bị sâu bệnh tấn công, nào nấm, sương mai, thán thư, gỉ sắt... Chấp nhận vụ đầu thất bại, anh đã cải tạo đất, xây dựng hệ thống nhà màng cùng hệ thống tưới tiết kiệm để vườn nho đạt hiệu quả cao. Để tạo ra những trái nho sạch, an toàn, anh đã sử dụng loại thuốc có nguồn gốc sinh học, ủ phân từ đậu tương, ốc bươu vàng, đưa vào hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tăng cường, nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho cây. Nỗi lo này chưa qua, nỗi lo khác lại ập đến khi anh phải đối mặt với vấn đề giá cả. “Điệp khúc “được mùa mất giá” luôn ám ảnh, đeo bám người nông dân Việt suốt nhiều năm nên tôi đã tìm cách tiếp cận mới để đưa sản phẩm nho ra thị trường, đó là bán hàng qua mạng. Khi mở ra hướng này, trong vụ thứ 2, chỉ trong vòng 1 tuần giới thiệu, vườn nho của tôi đã được rất nhiều người tiêu dùng đón nhận. Trung bình mỗi vụ nho, tôi bán ra thị trường gần 1 tấn. Với giá từ 140.000 đồng - 160.000 đồng/kg, mỗi năm tôi thu về hàng trăm triệu đồng. Khi đó nhiều người mới tin vào quyết định của tôi và chính bản thân tôi cũng thấy con đường đi của mình là đúng đắn” - anh Lộc chia sẻ.
Mở ra hướng mới trong phát triển du lịch
Nối tiếp sự thành công của mô hình trồng nho Hạ Đen, năm nay, anh Lộc thu-yết phục người dân cho thuê gần 20 hecta ruộng trũng để trồng sen. Theo anh, muốn đạt hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp cao hơn thì không chỉ cần tiêu thụ tốt sản phẩm hoa quả, mà còn cần hướng đến du lịch sinh thái - điều đã và đang được nhiều địa phương thực hiện, mang lại giá trị kinh tế cao. “Đồng trũng quê tôi rất nhiều mà thanh niên lại không mặn mà với nông nghiệp. Bởi vậy, tôi đã thuyết phục và được Viện Nghiên cứu rau, quả đầu tư giống trồng sen. Trong tương lai, tôi muốn phát triển mô hình trồng sen, trồng nho theo hướng đẩy mạnh du lịch để thu hút du khách. Với lợi thế xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai) rất gần với trung tâm Thủ đô, việc áp dụng mô hình du lịch là rất khả thi” - anh Lộc chia sẻ.
Cũng theo anh Lộc, anh quyết tâm khởi nghiệp từ đồng đất bởi chứng kiến nhiều trường hợp thanh niên trong làng bỏ quê ra thành phố và nước ngoài để tìm kiếm công việc. Anh nghĩ, nếu cứ kéo dài thực trạng này, sẽ không còn nhiều thanh niên làm nông nghiệp nữa. Nặng lòng với quê hương, anh Lộc muốn phát triển, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, bởi như thế sẽ động viên, khuyến khích những người trẻ thay đổi suy nghĩ, khẳng định quan điểm “không phải cứ ra ngoài là có cơ hội phát triển hơn ở nhà”. Thực tế cho thấy, hơn 3 năm qua, mô hình của anh Lộc đã trở thành một điểm sáng ở xứ Đoài. Rất nhiều lãnh đạo các cấp, các ngành về tham quan, động viên và đặc biệt là có nhiều nông dân, trong đó có những thanh niên, về học hỏi kinh nghiệm. Với phương châm giúp nhau làm giàu, anh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, cách thức để biến vùng quê xứ Đoài trở thành hình mẫu phát triển kinh tế nông nghiệp của Thủ đô.
Tấm gương giàu quyết tâm, ý chí
Là người thường xuyên hỗ trợ anh Vương Đắc Lộc trong việc trồng nho Hạ Đen, anh Hoàng Văn Cương (Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2022, hiện đang sống tại huyện Phú Xuyên) cho biết, xuất phát điểm là người không có chuyên môn về nông nghiệp nhưng anh Lộc lại vô cùng nhiệt huyết và khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. “Chúng tôi đang liên kết với nhau để nhân rộng giống nho Hạ Đen tại Thủ đô. Những thành quả mà chúng tôi đạt được chính là minh chứng cho sức trẻ và lòng nhiệt tình của thế hệ trẻ Thủ đô hôm nay trong sáng tạo phát triển kinh tế nông nghiệp. Con đường phía trước chắc chắn sẽ còn nhiều gian nan nhưng điều quan trọng là chúng tôi có niềm tin, có quyết tâm” - anh Cương nói.
Chị Bùi Thị Hoàng An, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Cộng Hòa cho biết: “Vương Đắc Lộc là tấm gương của một thế hệ trẻ Thủ đô năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Số lượng thanh niên tìm đến học hỏi mô hình của anh Vương Đắc Lộc ngày một nhiều, cho thấy những mô hình, cách làm cụ thể rất dễ truyền cảm hứng và có sức lan tỏa rất lớn. Tôi tin, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều thanh niên quay trở lại khởi nghiệp từ nông nghiệp, làm giàu từ chính đồng đất quê mình”.
Nhiều lần về thăm mô hình trồng nho của anh Lộc, anh Trần Văn Nam, Trưởng phòng Trồng trọt, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), nhận xét, đây là mô hình được đầu tư quy củ, bài bản, khoa học. “Hiện nay, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang phát triển theo hướng vừa có thể bán được sản phẩm nông nghiệp, vừa gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa. Đây cũng là điều mà anh Lộc đã và đang ấp ủ, triển khai. Tôi tin trong tương lai, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao vì xã Cộng Hòa rất gần với trung tâm thành phố, lại có nhiều di tích, làng nghề truyền thống mang đặc trưng của xứ Đoài” - anh Nam nhìn nhận.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nguoi-truyen-cam-hung-khat-vong-khoi-nghiep-660980.html