Người 'truyền lửa' cách mạng cho thế hệ trẻ

Năm nay, dù đã bước qua tuổi 'thất thập cổ lai hy', sức khỏe có lúc không được tốt nhưng Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ (nay là Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Cần Thơ), Trưởng ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ gần như đã dành trọn cuộc đời mình làm nhiều việc ý nghĩa cho đồng đội năm xưa và thế hệ trẻ hôm nay.

Đại tá Võ Tấn Dũng tại buổi kể chuyện lịch sử cho sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ.

Đại tá Võ Tấn Dũng tại buổi kể chuyện lịch sử cho sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ.

Với chất giọng mạnh mẽ nhưng ấm áp cùng với nụ cười phúc hậu, Đại tá Võ Tấn Dũng (hay còn gọi là Tư Dũng) kể cho tôi nghe về “cơ duyên” đến với công việc “truyền lửa” cách mạng cho thế hệ trẻ.

Lần đầu tiên ông giao lưu, kể chuyện truyền thống là đợt hoạt động tuyên truyền kỷ niệm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/2006) với Đoàn phường Bình Thủy (quận Bình Thủy).

Gần 20 năm qua, ông vẫn mang tâm huyết của mình để “truyền lửa” với gần 200 cuộc khắp các địa bàn quận, huyện của thành phố Cần Thơ. Khi thì tổ chức tại đoàn phường, lúc tại các trường học, cơ quan, đoàn thể... với hàng chục nghìn lượt người tham dự.

Ban đầu ông cũng gặp không ít khó khăn về phương thức giảng dạy, nên ông quyết tâm học vi tính và ông đã tự thiết kế slide một giáo trình cho bài giảng. Ông tự vẽ, viết, làm hiệu ứng, tiếng nổ, âm thanh, rồi trích phim scan trên máy tính... để tạo sự hấp dẫn cho người xem.

Đại tá Võ Tấn Dũng kể chuyện lịch sử tại Trường Cao đẳng Cần Thơ.

Đại tá Võ Tấn Dũng kể chuyện lịch sử tại Trường Cao đẳng Cần Thơ.

Em Nguyễn Ánh Linh, sinh viên lớp AK46, Giáo dục mầm non, Trường Cao đẳng Cần Thơ cho biết, phương pháp truyền đạt kiến thức về lịch sử của chú Tư Dũng cho chúng em rất lôi cuốn, hấp dẫn và không nhàm chán, làm cho chúng em hiểu rõ thêm về lịch sử. Với lại, chú Tư Dũng sử dụng phương pháp trình chiếu bằng những video clip để cho chúng em thấy rõ hơn về chiến tranh, sử dụng những âm thanh, tiếng súng, tiếng pháo nổ để cho chúng em có được cảm giác như đặt mình vào cuộc chiến tranh đó. Chúng em vừa nghe, vừa xem rất dễ hiểu và rất thích.

Để các bạn trẻ ngày càng yêu thích hơn về lịch sử truyền thống và tránh bị nhàm chán, ông Tư Dũng đã phải nỗ lực rất nhiều, từ chuyện tự trang bị cho mình những kiến thức lịch sử và cập nhật những tin tức thời sự, nhất là phải hoàn thiện “giáo án” cho chính mình.

Cùng với đó là 9 bộ tài liệu đã hoàn chỉnh như: Trận đánh 6 ngày đêm giữ căn cứ Vườn Mận của Biệt động Cần Thơ; Chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 tại Cần Thơ...

Thiết thực hơn, ông còn học thuộc tác phẩm “Lịch sử nước ta" của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 208 câu để đọc trong những dịp giao lưu, kể chuyện truyền thống.

“Nhớ lại hồi nhỏ mình được các chú, các bác kể cho mình nghe những câu chuyện như vậy, thì bây giờ mình kể lại cho các em, các cháu nghe. Thế hệ mình đã già rồi thì mình có những vốn kiến thức gì về lịch sử thì kể lại cho thế hệ trẻ hiểu thôi. Với tinh thần còn sức khỏe là còn tiếp tục đi giao lưu, đi kể chuyện cho các em, các cháu nghe, nhất là các cháu nhỏ” - Đại tá Võ Tấn Dũng chia sẻ.

Với vai trò là Trưởng ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ, nhằm nêu cao tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, từ năm 2006 đến nay, ông Tư Dũng đã vận động xây dựng, sửa chữa được hơn 10 căn nhà tặng các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, mỗi căn nhà từ 20 đến 35 triệu đồng; tổ chức thăm, tặng quà cho hàng chục hội viên mắc bệnh hiểm nghèo.

Ông Trần Văn Chín, khu vực 4, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ là đồng đội của ông Tư Dũng cho biết: Trước đây, cái nhà của tôi luôn bị dột nát, nhưng từ khi được đồng chí Tư Dũng đứng ra vận động sửa chữa lại cái nhà cho tôi. Hiện nhà cửa được kín đáo, không còn cảnh dột nát nữa, tôi rất yên tâm. Hằng năm, đồng chí Tư Dũng cũng đến thăm, chia sẻ động viên nhau trong cuộc sống. Tình đồng đội anh em giúp đỡ lẫn nhau, lo cho nhau như anh em trong nhà.

Ngoài ra, ông Tư Dũng còn giúp Ban Quân lực, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Cần Thơ giải mã cho các đơn vị biệt động như: 291, 292, 293, 294, 823, 824… qua đó, đã tổ chức thu thập thông tin được gần 700 trường hợp là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố Cần Thơ và gia đình có công cưu mang biệt động ở vùng ven và nội thành.

“Đồng chí Tư Dũng đã chủ công làm được khu di tích căn cứ Vườn Mận đó là một thành quả rất lớn. Rồi sưu tầm lại anh em hơn 300 người đã hy sinh, bây giờ còn nữa nhưng vẫn chưa tìm được hết. Đó là sự nhiệt tình của đồng chí Tư Dũng, sau khi nghỉ hưu về mà còn làm được thì thân nhân gia đình liệt sĩ họ rất phấn khởi” - Đại úy Nguyễn Huy Phúc, nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Cần Thơ cho biết.

Nghỉ hưu là để nghỉ ngơi, nhưng đối với ông Tư Dũng là luôn tâm nguyện sẽ dành trọn những năm tháng tuổi già của mình để tiếp tục “truyền lửa” cho các thế hệ trẻ và giúp đỡ những đồng đội còn gặp nhiều khó khăn. “Ngọn lửa” tâm huyết ấy gần như không bao giờ ngừng “cháy” trong lòng người Cựu chiến binh năm xưa.

PHƯƠNG BẰNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguoi-truyen-lua-cach-mang-cho-the-he-tre-post874381.html