Người 'truyền lửa' đam mê thư pháp
Người 'truyền lửa' đam mê thư pháp
Anh Chung chia sẻ, ngay từ nhỏ anh đã rất thích Văn học Trung đại, khi được học tác phẩm “Chữ người tử tù” của tác giả Nguyễn Tuân, càng khơi gợi thêm cho anh niềm đam mê với chữ Hán Nôm và nghệ thuật thư pháp. Những năm tháng học chuyên ngành Khoa học xã hội và Văn hóa du lịch, trường Đại học Hùng Vương, được học và tiếp xúc càng khiến anh đam mê hơn nghệ thuật viết thư pháp.
11 năm gắn bó với nghệ thuật viết chữ thư pháp, với anh, học thư pháp không hề dễ dàng, vì khó nhất là phải làm chủ được cây bút, nhấn nhá đậm nhạt, giúp toát lên được cái hồn, thông điệp mà mình gửi gắm qua nét bút. Người học phải có sự kiên nhẫn, chịu khó và nhất là đam mê. Nghệ thuật thư pháp viết bằng chữ Hán Nôm đòi hỏi người viết phải rất tinh tế, chữ phải có hồn, có thần. Nét chữ cứng như thép mà dẻo như mây; nhẹ nhàng như gió thoảng mà vẫn mạnh mẽ, kiên cường. Viết chữ là rèn tâm, rèn người...
Ngoài giờ lên lớp tại trường Đại học, anh còn dạy chữ Hán Nôm, viết thư pháp, học viên từ các cháu nhỏ đến người cao tuổi. Anh bộc bạch: “Thời gian đầu đòi hỏi người học phải tự mài giũa tính kiên nhẫn, luyện viết thật nhiều và quan trọng hơn hết là đam mê từng nét chữ dân tộc. Tôi muốn giới thiệu, quảng bá và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc đến mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Có nhiều người quan tâm đến thư pháp xin học khiến tôi cảm thấy rất vui khi “thú chơi” tao nhã của cha ông vẫn được “giữ lửa” trong đời sống hiện đại.”
Hiện nay, trong các hoạt động văn hóa, lễ hội và ngày đầu xuân… rất nhiều người tìm đến anh xin chữ. Ngoài những giờ lên lớp, anh vẫn thường nhận lời tham gia các sự kiện để “cho chữ”, các hoạt động truyền lửa đam mê thư pháp cho người trẻ, các chương trình hoạt động ngoại khóa trong trường học trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202202/nguoi-truyen-lua-dam-me-thu-phap-182952