Người từng tiếp xúc 3 trường hợp nhiễm virus corona cần làm gì lúc này?

3 người Việt Nam được xác định nhiễm virus corona đã có hành trình di chuyển bằng nhiều phương tiện và tiếp xúc với nhiều người. Vậy những người từng có tiếp xúc với bệnh nhân cần phải làm gì?

Nữ bệnh nhân trở về từ Vũ Hán đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa- Ảnh: Thanh Tuấn

Nữ bệnh nhân trở về từ Vũ Hán đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa- Ảnh: Thanh Tuấn

Sau khi trở về Việt Nam từ TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) trên chuyến bay CZ8315 của hãng Southern China vào ngày 17-1 vừa qua, 3 bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (nCoV) đã có hành trình di chuyển về quê nhà ở các tỉnh Vĩnh Phúc và Thanh Hóa. Trong lộ trình này, họ đã tiếp xúc với nhiều người lạ và người thân quen trước khi được cách ly, điều trị.

Trước những lo ngại về nguy cơ nhiễm bệnh khi từng tiếp xúc với nguồn lây (3 bệnh nhân), trao đổi với Báo Người Lao Động tối 30-1, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khuyến cáo tại thời điểm này những người tiếp xúc với 3 bệnh nhân nói trên và có hành trình di chuyển cùng họ cần tự theo dõi sức khỏe. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết để kiểm tra một người có nhiễm nCoV hay không chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng nCov đó là kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.

Hệ thống xét nghiệm virus corona tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Hệ thống xét nghiệm virus corona tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh. Ca bệnh cần nhập viện theo dõi và cách ly hoàn toàn. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh vì vậy chủ yếu điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có).

Đến nay, tại Việt Nam hiện đã ghi nhận tổng cộng 5 trường hợp mắc, bao gồm 2 trường hợp là 2 cha con người Trung Quốc cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (người con đã được điều trị khỏi bệnh) và 3 trường hợp người Việt Nam dương tính với nCoV. Cả 3 bệnh nhân mới này sức khỏe ổn định và đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài các trường hợp dương tính, hiện có 65 trường hợp nghi ngờ đã được xét nghiệm loại trừ; 32 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly theo dõi, điều trị, chờ kết quả xét nghiệm; 43 trường hợp tiếp xúc gần đang được theo dõi sức khỏe. Hiện, các cơ sở y tế đang cách ly và quản lý chặt chẽ những người tiếp xúc gần, phòng chống lây nhiễm.

Làm thế nào có thể bảo vệ bản thân và người thân?

Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

- Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

- Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ.

- Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.

- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.

- Đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.

Chuyên gia y tế cho rằng khẩu trang y tế thông thường đủ khả năng phòng viêm phổi do virus nCoV. Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.

N.Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/nguoi-tung-tiep-xuc-3-truong-hop-nhiem-virus-corona-can-lam-gi-luc-nay-20200130213959949.htm