Người uy tín của đồng bào Chơro ở Xuân Bắc

Với đồng bào dân tộc Chơro ở khu định canh - định cư (ĐC-ĐC) tổ 10 và 11, ấp 8, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), người có uy tín Văn Bé (49 tuổi) luôn được tín nhiệm cao và được xem là 'điểm tựa' vững chắc.

Ông Văn Bé (bìa trái) hướng dẫn đồng bào Chơro xịt thuốc cỏ cho vườn mía của gia đình. Ảnh: Đ.Phú

Ông Văn Bé (bìa trái) hướng dẫn đồng bào Chơro xịt thuốc cỏ cho vườn mía của gia đình. Ảnh: Đ.Phú

Đồng bào Chơro trong khu ĐC-ĐC này còn gọi ông Văn Bé với cái tên thân thương chú Một, như người đứng đầu trong một đại gia đình lớn.

Kiên trì bám làng

Khu ĐC-ĐC của đồng bào dân tộc Chơro tại 2 tổ 10 và 11 chỉ rộng vài hécta, nằm lọt thỏm trong những rẫy mía, bắp, mì bạt ngàn của ấp 8, xã Xuân Bắc và cách xa ngọn núi Gia Lào (Chứa Chan) của huyện Xuân Lộc vài cây số theo đường chim bay. Đúng như những gì nhiều người mô tả, già làng Văn Bé đón tiếp chúng tôi rất thân thiện.

Ông Văn Bé kể, để hình thành nên khu ĐC-ĐC này, vào thời điểm năm 1985, cha của ông là ông Văn Nhắc, đã cùng 6 đồng bào Chơro ở làng Chơro ấp Thọ Trung (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, nay tất cả đã mất) như: Ba Quy, Văn Sổ, Thổ Gọn… tìm đường vào đây khai hoang đất để tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống. Mỗi người lúc đó chỉ khai khẩn khoảng một hécta để tỉa lúa, bắp, trồng mì vì không còn đất để khai hoang thêm.

“Hiện tại, tôi đang thuê 60 hécta đất của người dân trong xã để sản xuất và tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục đồng bào Chơro trong ấp và người dân trong xã. Thu nhập bình quân của vợ chồng tôi tuy chỉ khoảng 300-400 triệu đồng/năm nhưng vẫn được xã, huyện, tỉnh khen nên rất hạnh phúc” - ông Văn Bé tâm sự.

Sau một thời gian ngắn, ông Văn Nhắc và các hộ dân: Ba Quy, Văn Sổ, Thổ Gọn… chuyển gia đình từ làng dân tộc Chơro ở ấp Thọ Trung về đây sinh sống, đồng thời mời gọi thêm nhiều người Chơro ở các nơi khác đến lập nghiệp. Nhờ vậy, vùng đất hoang ở 2 tổ 10 và 11 ngày càng có thêm nhiều hộ Chơro về nhập cộng đồng.

“Năm 12-13 tuổi, cũng như nhiều cậu bé Chơro khác, tôi chỉ biết theo người lớn đi rẫy, đi rừng. Sau đó mới được chính quyền nhờ thầy cô giáo ở bên ngoài vào làng dạy phổ cập nên mới biết đọc, biết viết” - ông Văn Bé cho biết.

Tuy vậy, ông Văn Bé và những người bạn cùng trang lứa sớm tạo lập được cuộc sống ổn định hơn so với thế hệ cha anh. Nhờ sức vóc, siêng năng lao động và giỏi tính toán, tích lũy, họ đã cùng nhau xây dựng khu ĐC-ĐC với 64 hộ đồng bào dân tộc Chơro ngày càng tốt hơn.

“Thời đó, cứ siêng năng là người dân trong và ngoài xã mời tới làm thuê cho họ. Mùa mưa thì họ thuê làm cỏ, trồng cây; mùa nắng thì họ thuê làm đất, thu hoạch nông sản. Cứ chịu khó là có việc làm quanh năm” - ông Văn Bé bày tỏ.

Năm 19 tuổi, ông Văn Bé lấy bà Điểu Thị Diệp (sinh năm 1975), một thiếu nữ Chơro nghèo trong khu ĐC-ĐC, về làm vợ. Ông Văn Bé được cha chia cho 3 sào đất khi tách hộ ra riêng. Để lo cho gia đình nhỏ của mình, vợ chồng ông bắt đầu những chuỗi ngày tháng làm thuê.

Ông Văn Bé (thứ 2 từ phải qua) thường gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc Chơro ở khu định canh - định cư ấp 8, xã Xuân Bắc.

Ông Văn Bé (thứ 2 từ phải qua) thường gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc Chơro ở khu định canh - định cư ấp 8, xã Xuân Bắc.

Trọng chữ tín

Vùng đất Xuân Bắc có Nông trường mía Thọ Vực nổi tiếng, bước chân làm thuê của vợ chồng ông Văn Bé không chỉ dừng lại ở những rẫy mía bạt ngàn của Nông trường Thọ Vực mà đi khắp các vùng mía khác để làm thuê.

“Năm 2010, ông Văn Bé được chính quyền và cộng đồng Chơro trong ấp 8 bầu chọn là người có uy tín. Ông cũng là người có uy tín đầu tiên của khu ĐC-ĐC ấp 8 và là người có uy tín duy nhất của xã. Ông luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào của địa phương; tích cực vận động đồng bào khu ĐC-ĐC dân tộc Chơro tại ấp 8, xã Xuân Bắc tin vào đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chịu khó lao động, ổn định cuộc sống” - Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc TRẦN VĂN TRÌNH cho biết.

Với tính thật thà, trách nhiệm, luôn biết nghĩ cho người thuê công nên vợ chồng ông Văn Bé không thiếu việc làm. Cũng từ công việc làm thuê, vợ chồng ông thấy công việc làm thuê của đồng bào dân tộc Chơro trong khu ĐC-ĐC của mình thường được người thuê trả công thấp nên quyết định đứng ra nhận khoán việc từ các chủ đất, sau đó mời gọi đồng bào trong khu ĐC-ĐC của mình và các vùng lân cận cùng làm để họ được trả ngày công cao hơn. Bên cạnh đó, vợ chồng ông còn mạnh dạn thuê lại đất của nhiều hộ dân để tự sản xuất.

“Làm cho chú Một mình không sợ thất nghiệp, lại được tiền công cao. Nhất là khi nhà kẹt tiền thì có chú giúp đỡ” - ông Văn Thuận (50 tuổi, ngụ tổ 10, ấp 8, xã Xuân Bắc) bày tỏ.

Nhờ vợ chồng ông Văn Bé chỉ bày cho cách thức cân bằng sức khỏe trong quá trình lao động, có trách nhiệm với cả người thuê và chủ đất, nhiều người Chơro trong khu ĐC-ĐC được chủ đất trong và ngoài xã thuê làm vườn, làm rẫy nên có thu nhập ổn định lo cho gia đình.

“Năm 2019, tôi đưa một nhóm thợ đi làm thuê cho người ta ở tỉnh Bình Thuận và bị họ “quỵt” mất tiền công. Để có tiền trả công cho thợ, tôi phải bán một sào đất. Bởi với tôi, chữ tín rất quan trọng” - ông Văn Bé kể lại.

Ông Văn Bé bày tỏ, cuộc sống của đồng bào dân tộc Chơro tại 2 tổ 10 và 11, ấp 8, xã Xuân Bắc hiện nay ổn định, tập trung lo cho con cái học hành. Ông chỉ mong nơi đây có thêm nhà văn hóa cộng đồng Chơro và con đường trải nhựa để làm đẹp thêm bức tranh nông thôn mới kiểu mẫu trong nay mai của xã Xuân Bắc.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202406/nguoi-uy-tin-cua-dong-bao-choro-o-xuan-bac-2aa6049/