Người uy tín góp sức bảo đảm an ninh vùng cao
Là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tiềm ẩn một số yếu tố phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), thời gian qua, huyện Sơn Động có nhiều cách làm sáng tạo để phát huy vai trò, tiếng nói của những người uy tín, cao tuổi trong giữ vững an ninh, củng cố đoàn kết cộng đồng.
Giải quyết mâu thuẫn từ cơ sở
Xã Giáo Liêm (Sơn Động) có 75% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, phong tục, tập quán, lối sống có sự khác biệt. Do đó nếu không làm tốt việc xây dựng khối đại đoàn kết rất dễ dẫn đến những mâu thuẫn ảnh hưởng đến ANTT và đời sống nhân dân. Thấy được vai trò của những người có uy tín, đầu năm 2024, xã đã thành lập mô hình “Người cao tuổi và người hoạt động tín ngưỡng có uy tín tham gia bảo đảm ANTT”. Đây là mô hình đầu tiên xuất hiện trên địa bàn huyện. Mô hình có 13 thành viên sinh sống ở 4 thôn, đều là những người gương mẫu, được bà con tin tưởng.
Ngay sau khi thành lập, các thành viên đã giúp cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an xã giải quyết nhiều vụ việc. Ông Vi Văn Phúc (SN 1956), dân tộc Nùng, một người tích cực tham gia các hoạt động của mô hình nói: “Chúng tôi hiểu rõ đặc điểm, tính cách, văn hóa của đồng bào nên khi tham gia giải quyết các vụ việc thuận lợi hơn. Có khi chỉ cần trò chuyện, tuyên truyền, giải thích cũng có thể hóa giải được những mâu thuẫn. Điển hình là vừa qua có hai gia đình nghi ngờ lẫn nhau xuất phát từ yếu tố mê tín dị đoan. Mâu thuẫn có nguy cơ bùng phát, phức tạp hơn nếu không được giải quyết kịp thời. Qua nắm bắt tình hình, các thành viên của mô hình kiên trì đến nhà hai bên để khuyên giải. Sau một thời gian, hai gia đình đã nhận ra đúng sai, xóa bỏ mâu thuẫn, trở lại cuộc sống bình thường”.
Đánh giá về hoạt động của mô hình, Trung tá Nông Văn Nam, Phó trưởng Công an xã Giáo Liêm cho biết, các thành viên cung cấp cho Công an xã nhiều thông tin giá trị để làm rõ những vụ việc về ANTT. Điển hình là từ nguồn tin của mô hình, Công an xã xử lý một đối tượng đốt pháo nổ, vận động một số người giao nộp vũ khí nguy hiểm… Những đóng góp này đã giúp lực lượng công an nắm bắt tình hình địa bàn, đối tượng chính xác, nhanh chóng. Khi cần giải quyết những vấn đề, vụ việc, các thành viên đều tích cực, chủ động, phát huy lợi thế để góp tiếng nói, giúp ổn định tình hình địa phương.
Theo thống kê, huyện Sơn Động có gần 13 nghìn hộ và hơn 50 nghìn nhân khẩu là dân tộc thiểu số (chiếm 62,45% dân số toàn huyện). Từng dân tộc có những nét văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng, riêng biệt gắn liền với văn hóa truyền thống. Trong những cộng đồng, nhóm đồng bào đều có những người uy tín. Những năm qua, họ tham gia vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực góp sức bảo đảm ANTT trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Tiểu biểu trong đó mô hình “Người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia giữ gìn ANTT” ở xã Đại Sơn. Ông Nông Văn Thái (SN 1952), dân tộc Nùng, Trưởng ban điều hành mô hình trao đổi: “Xuất phát từ yêu cầu bảo đảm ANTT, năm 2023, mô hình được thành lập với 11 thành viên. Ngay sau khi ra mắt, chúng tôi đã cùng với lực lượng công an huyện, xã giải quyết nhiều vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Trên địa bàn xã trước đây có một số đối tượng hoạt động tà đạo, lôi kéo những người khác tham gia. Các thành viên mô hình đã đến từng gia đình tuyên truyền, nói rõ về hành vi sai trái đó, đồng bào sau đó nhận ra và từ bỏ, không tham gia nữa. Đối tượng cầm đầu cũng tự giác chấp hành quy định, không còn hoạt động”.
Nhiều mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, thanh, thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông, tụ tập gây rối, có biểu hiện sử dụng ma túy… cũng được các thành viên mô hình thông báo đến Công an xã. Từ đó lực lượng công an có biện pháp đấu tranh, giải quyết, tình hình ANTT ở các thôn và xã ổn định trở lại, bà con yên tâm lao động, sản xuất.
Tiếp tục củng cố
Hiện nay, toàn huyện Sơn Động có 116 người uy tín trong vùng dân tộc thiểu số được suy tôn, bình chọn và có quyết định công nhận của Chủ tịch UBND huyện. Công an huyện thống kê 100% người uy tín đều tham gia vào các mô hình tự quản về ANTT, phòng cháy, chữa cháy… ở các thôn, xã. Tại các xã Đại Sơn, Yên Định, Giáo Liêm xây dựng được mô hình người uy tín trong vùng dân tộc thiểu số tham gia bảo đảm ANTT.
Bước đầu, các mô hình này được duy trì và hoạt động hiệu quả, nổi bật là việc vận động nhân dân dân tộc tặng cây, hiến đất làm đường, các công trình phúc lợi xã hội; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt quy định pháp luật, giữ vững ANTT, phòng, chống tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội… Trao đổi với Trung tá Hoàng Hồng Quân, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện được biết, thực hiện chủ trương phát huy vai trò của người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời gian qua, huyện đặc biệt quan tâm, đề cao vai trò của đội ngũ người có uy tín. Những người này là lực lượng nòng cốt, “cầu nối” hữu hiệu đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống và lan tỏa hiệu quả công tác bảo đảm ANTT trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Người có uy tín tham gia xử lý nhiều vụ việc ngay khi mới nảy sinh, không để xảy ra điểm nóng về ANTT, góp sức đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân. Nhiều người trở thành tấm gương sáng như ông Bàn Vũ Quyền, dân tộc Dao ở xã Dương Hưu; ông Đinh Văn Chanh, dân tộc Tày ở xã Hữu Sản; ông Nịnh Văn Cạng, dân tộc Sán Chí ở xã Lệ Viễn; ông Bàn Văn Cường, dân tộc Dao ở thị trấn Tây Yên Tử… Từ kết quả đó, Công an huyện tiếp tục củng cố đội ngũ người có uy tín, tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho họ. Tranh thủ phát huy vai trò của người uy tín, coi đây là cánh tay nối dài hiệu quả của cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an. Vận động người uy tín phối hợp chặt chẽ để chủ động phòng ngừa, phát hiện từ sớm, từ xa những vụ việc ANTT.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nguoi-uy-tin-gop-suc-bao-dam-an-ninh-vung-cao-084436.bbg