Người vẽ bản đồ tác chiến tấn công vào 'cánh cửa thép' Xuân Lộc

Trong khuôn khổ tọa đàm 'Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng', các nhân chứng lịch sử nói về ý nghĩa của công tác vẽ đồ bản tác chiến tấn công vào 'cánh cửa thép' Xuân Lộc và mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Chiều 21/4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Đại học Công nghệ Giao thông vận tải tổ chức buổi tọa đàm, giao lưu với chủ đề: “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng”.

Khán giả có cơ hội giao lưu với 4 nhân chứng lịch sử, những người lính trực tiếp tham gia các trận đánh quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Họ là Tiến sĩ, bác sĩ Đàm Duy Thiên - người làm công tác đồ bản thuộc Trung đoàn 266, Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn - nguyên Phó Chánh Văn phòng, Quân ủy Trung ương, Đại tá Lê Hạt - nguyên Chủ nhiệm Khoa Quân sự địa phương (Học viện Quốc phòng) và Đại tá Nguyễn Đức Nghinh, Cựu chiến binh Sư đoàn 341.

Sau 50 năm vẫn nhớ như in địa bàn Xuân Lộc

Những câu chuyện từ quá khứ ôn lại dấu mốc hào hùng của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Nhân chứng lịch sử nói về ý nghĩa của công tác vẽ đồ bản tác chiến tấn công vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc và mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Trước đó, để ngăn chặn bước tiến công của Quân giải phóng, địch tập trung ở Xuân Lộc một sư đoàn bộ binh, một liên đoàn biệt động quân, một thiết đoàn xe tăng thiết giáp, 4 tiểu đoàn pháo binh và lực lượng sẵn sàng ứng trợ đặc biệt.

Những câu chuyện từ quá khứ ôn lại những dấu mốc hào hùng của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Những câu chuyện từ quá khứ ôn lại những dấu mốc hào hùng của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Đại tá Lê Hạt nhớ lại cuộc chiến ở Xuân Lộc cực kỳ quyết liệt, diễn ra trong 12 ngày đêm. Quân ta giằng co khốc liệt với địch, giành đi đánh lại và cũng hy sinh nhiều.

Tiến sĩ, bác sĩ Đàm Duy Thiên kể về công tác vẽ bản đồ tác chiến đầy cam go, khó khăn. Khi ấy, ông là một trong những chiến sĩ trẻ nhất của đơn vị, dáng người cũng nhỏ bé.

"Nhiều người nghĩ với vóc dáng nhỏ bé đó, khi đi hành quân 40-50 km, tôi không sống được. Chúng tôi dè sẻn từng bi đông nước, không dám uống nước trên đường vì sợ nhiễm chất độc hóa học. Vốn có năng khiếu hội họa, tôi được cấp trên cho đi bồi dưỡng rồi gắn bó với công tác vẽ bản đồ. Thời đó, quân ta đánh đến đâu được phát bản đồ đến đấy. Việc nhớ địa hình, địa danh rất khó nhưng đến tận bây giờ, sau hơn 50 năm, tôi vẫn nhớ như in địa bàn Xuân Lộc, từ đường sá, rừng, sông, nơi bố trí lực lượng...", ông Đàm Duy Thiên kể.

Ông nói thêm, một khi chiến sĩ làm công tác bản đồ không may bị địch bắt, cả đơn vị có thể bị xóa sổ, ảnh hưởng tới chiến dịch. Thời đó cũng không có bàn ghế, dụng cụ để vẽ bản đồ. Mọi công tác chủ yếu làm dưới hầm.

Tiến sĩ, bác sĩ Đàm Duy Thiên chia sẻ tại tọa đàm.

Tiến sĩ, bác sĩ Đàm Duy Thiên chia sẻ tại tọa đàm.

"Trong vẽ bản đồ, sai 1 ly tương đương với sai 12km ngoài thực địa. Lính pháo binh đi cùng người vẽ bản đồ để lấy tư liệu, sau đó lên đài quan sát lập tọa độ. Công cụ vẽ bản đồ rất đơn sơ, chủ yếu nhờ trinh sát, tình báo và đòi hỏi trí tưởng tượng tốt của người vẽ", TS Đàm Duy Thiên nói. Vì địch di chuyển liên tục, bản đồ tác chiến nhiều lần phải tẩy đi xóa lại, đơn vị cũng chiến đấu linh hoạt.

Từ tấm bản đồ do ông vẽ, Ban chỉ huy Trung đoàn 266 dễ dàng xác định đúng hướng tấn công, đúng mục tiêu của các đơn vị để có quyết định kịp thời, chính xác cho trận đánh.

Lo lắng, nhưng không được sợ

TS Đàm Duy Thiên khẳng định với một chiến sĩ trẻ tham gia vào chiến dịch lớn, cảm giác hồi hộp, lo lắng không tránh khỏi. Tuy nhiên, ông dặn bản thân không được sợ hãi.

"Tôi từng gửi thư về cho bố mẹ, dặn bố mẹ coi như con đi xa, chắc không về được với. Lúc đó tôi lo lắng nhưng không sợ hãi. Với ý chí tiến quân để giải phóng miền Nam, chúng tôi đi đến đâu cũng hát, làm thơ, động viên nhau mạnh mẽ", ông kể.

Bản đồ trận Xuân Lộc do cựu chiến binh Đàm Duy Thiên hoàn thiện.

Bản đồ trận Xuân Lộc do cựu chiến binh Đàm Duy Thiên hoàn thiện.

Tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn khẳng định chiến thắng ở Xuân Lộc hay chiến dịch Hồ Chí Minh là kết quả của cả quá trình, phản ánh cuộc chiến toàn dân, toàn diện.

Cuối sự kiện, thay mặt lãnh đạo NXB Chính trị quốc gia Sự thật, TS. Nguyễn Công Dũng, Ủy viên Hội đồng Biên tập - Xuất bản - khẳng định lãnh đạo NXB đã chỉ đạo tập trung tái bản có chọn lọc những tác phẩm kinh điển, tài liệu quý về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa Xuân 1975.

NXB cũng đặt hàng các bài viết mới từ các nhân chứng lịch sử, các tướng lĩnh, nhà khoa học, từ đó tổng hợp, biên soạn các ấn phẩm mới, với nhiều góc nhìn đa chiều, phản ánh trung thực, sinh động và sâu sắc về tầm vóc, ý nghĩa thời đại và tính thời sự của chiến thắng lịch sử.

TS. Nguyễn Công Dũng, Ủy viên Hội đồng Biên tập - Xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

TS. Nguyễn Công Dũng, Ủy viên Hội đồng Biên tập - Xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Một số đầu sách tiêu biểu như Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản hùng ca chiến thắng thời đại Hồ Chí Minh, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Về Đại thắng mùa Xuân 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Gia đình, bạn bè và đất nước (hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình)đang nhận được sự quan tâm đặc biệt và phản hồi tích cực từ bạn đọc cả nước.

Ngọc Ánh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-ve-ban-do-tac-chien-tan-cong-vao-canh-cua-thep-xuan-loc-post1735953.tpo