Người vẽ tấm bản đồ trên báo ngày 30-4-1975

Một ngày đầu tháng 4-2025, con trai họa sĩ Lê Đức Tuấn vui mừng gọi điện thông báo với tôi rằng, anh đã mua được vài tờ Báo Quân đội nhân dân cũ, số ra đầu tháng 5-1975, trong đó có tờ báo ra ngày 1-5, cập nhật sớm tình hình ngày Sài Gòn hoàn toàn giải phóng.

Số báo ngày 1-5-1975 được in đỏ nổi bật, khác hẳn những số báo hầu như chỉ được in đen-trắng của Báo Quân đội nhân dân thời bấy giờ. Nội dung trang 1 khá cô đọng, được trình bày nổi bật, ở trên cùng là bức ảnh “Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam” (chụp năm 1969). Bên trái bức ảnh là dòng chữ “Chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đã toàn thắng đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975”. Phía dưới là dòng tiêu đề đỏ nổi bật chạy toàn trang bài viết “Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn toàn giải phóng”. Bên dưới là toàn văn Mệnh lệnh của Bộ chỉ huy các LLVT nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam (tiếp sang trang 2) và bài xã luận mang tựa đề “Đỉnh cao thắng lợi huy hoàng” cùng bản đồ các mũi tiến công giải phóng Sài Gòn.

Họa sĩ Lê Đức Tuấn với số báo Quân đội nhân dân ngày 1-5-1975.

Họa sĩ Lê Đức Tuấn với số báo Quân đội nhân dân ngày 1-5-1975.

Để có được tờ báo này, con trai họa sĩ đã phải tìm kiếm nhiều năm vì số báo đặc biệt này còn lại rất ít. Nhiều người sưu tập cũng không bán lại. Với nhiều người, tờ báo mang giá trị lịch sử, giá trị sưu tầm và giá trị thông tin về một ngày đặc biệt của toàn thể người dân Việt Nam. Với gia đình họa sĩ Lê Đức Tuấn (cựu họa sĩ Báo Quân đội nhân dân, là tác giả cuốn “Nhật ký bằng tranh” đã được phía Hoa Kỳ trao trả Việt Nam), tờ báo còn mang ý nghĩa cá nhân bởi bản đồ các mũi tiến công giải phóng Sài Gòn được trình bày trang trọng trong số báo này do ông và họa sĩ Nguyễn Sơn vẽ, trình bày.

Cầm tờ báo đã nhuốm màu thời gian, họa sĩ Lê Đức Tuấn không khỏi xúc động. Ông chỉ cho các cháu của mình về 5 mũi tiến công của ta vào giải phóng TP Sài Gòn. Đây là 5 cánh quân chủ lực của ta đánh chiếm 5 mục tiêu chủ yếu-những cơ quan đầu não quan trọng nhất trong guồng máy chiến tranh và kìm kẹp nhân dân miền Nam của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Được phân công vẽ bản đồ chiến sự giải phóng Sài Gòn, ngay từ chiều 30-4-1975, họa sĩ Lê Đức Tuấn và họa sĩ Nguyễn Sơn đã bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Ban đầu, các ông dựa trên thông tin được gửi về để vẽ bản phác thảo chiến dịch. Ông Nguyễn Sơn vẽ phần bản đồ Sài Gòn, còn ông Lê Đức Tuấn vẽ các mũi tiến công. Sau phần phác thảo, những người theo dõi chiến dịch kỳ cựu của tòa soạn cùng xem, cho ý kiến rồi các ông chỉnh sửa và ra được bản cuối cùng như báo đăng.

Nhớ lại 50 năm trước, người họa sĩ già vừa hồi tưởng những ngày lịch sử huy hoàng của dân tộc, vừa hào hứng kể cho các cháu của mình nghe: “Hôm ấy là một trong những ngày làm báo đáng nhớ nhất cuộc đời ông. Cả kíp trực làm việc trong không khí hồ hởi, lâng lâng sung sướng, tự hào về ngày toàn thắng. Ai cũng hiểu được rằng, chiến thắng này được đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu của biết bao người. Chiến thắng này cũng là ước muốn của bao thế hệ người dân nước Việt. Vì thế ai cũng muốn làm tốt nhất phần việc của mình để số báo đầu tiên sau ngày giải phóng phải trang trọng nhất, khí thế nhất, hay, đẹp và chuẩn xác nhất. Ông đã tìm hiểu thật kỹ để vẽ các mũi tiến công thật chuẩn xác, tô màu đỏ mạnh mẽ cho các mũi tiến công của ta với mong muốn ai xem bản đồ cũng có thể hình dung nhanh nhất, đúng nhất về khí thế của quân ta trong chiến thắng quan trọng này”.

Được biết, bản đồ các mũi tiến công giải phóng Sài Gòn này cũng được Báo Nhân Dân sử dụng, đăng trên số báo cùng ngày. Sau ngày hôm đó, một số báo chí trong và ngoài nước cũng sử dụng lại tấm bản đồ. Tấm bản đồ hiện được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phóng to, đặt ở vị trí trang trọng tại gian trưng bày về Chiến thắng 30-4-1975.

Bài và ảnh: QUỲNH ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/nguoi-ve-tam-ban-do-tren-bao-ngay-30-4-1975-826411