Người vẽ Tết trên phố
Để phố thêm xuân, lòng người thêm Tết, ngoài kia, vẫn có những người âm thầm vẽ nên sắc diện cho thành phố, cần mẫn gieo xuân trên từng trang giấy đỏ. Họ vẽ Tết cho phố, cũng là vẽ Tết cho mình.
5 giờ sáng, anh Trần Hồng Lĩnh – CLB thư pháp Nét Xưa đã lụi cụi trở dậy chuẩn bị cho một ngày mới của mình. Cũng như bao “thầy đồ” khác, những ngày Tết luôn là những ngày bận rộn với anh. Anh Lĩnh kể, bận rộn nhất mà cũng chộn rộn nhất là những ngày Giáp Tết, độ chừng sau khi đưa Ông Táo về trời, các “thầy đồ” trẻ như anh lại được dịp “bày mực tàu giấy đỏ” để mang Tết đến cho thành phố:
"Cha ông mình từ ngàn đời đã có truyền thống hiếu học, yêu chữ, trọng người có học viết chữ đẹp nữa, nên có phong tục gọi là “minh niên khai bút”. Ngày xưa thì người xin chữ thường gặp thầy đồ sẽ mang đến trầu, cau, trái cây, hay một lễ vật như 1 con gà, 1 đôi bánh để xin chữ.
Còn bây giờ thì phong tục này được đơn giản hóa đi. Chỉ cần người có lòng thì mang hộp trà đến, rồi ngồi lại dùng trà với thầy chia sẻ năm nay mình gặp chuyện gì, thì thầy sẽ cho chữ dựa trên những tâm tư mà người xin chữ vừa chia sẻ", anh Trần Hồng Lĩnh chia sẻ.
Anh Lĩnh cho biết, đây là năm thứ 6 anh tham gia vào hoạt động của Phố Ông Đồ dọc theo đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai, Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh. Bao năm qua, phố Ông Đồ luôn được xem là không gian văn hóa Tết độc đáo của thành phố này. Cả một con phố dài chưa đầy 1 cây số nhưng thu hút rất đông người đến thưởng lãm.
Đó không chỉ là nơi có đào mai khoe sắc, có tiếng khèn, tiếng trống rộn ràng, có người người nô nức du xuân, mà nơi đó còn là khoảng sân nhỏ với “lều chỏng” con con “rất Tết” của những “ông đồ”, những người đang giữ gìn nét chữ Việt và tục cho chữ những ngày đầu năm.
"Bây giờ thì lứa tuổi đi xin chữ ngày Tết cũng trẻ hóa hơn. Những năm gần đây thì phong trào các bạn trẻ mặc lại các trang phục truyền thống dân tộc như áo dài ngũ thân, hay các bạn chơi lại các vật phẩm cổ phong như văn phòng tứ bảo,…thì đây là các bạn đã tìm hiểu và gìn giữ rồi", anh Lĩnh nói.
Cũng giống như anh Trần Hồng Lĩnh, “thầy đồ” Trần Hiền cũng gắn bó với công việc này được hơn 10 năm. Nhớ lại những ngày đầu chập chững vào nghề, anh Hiền vẫn không quên được cảm xúc đó, vừa hồi hộp, vừa háo hức. Anh kể, mỗi lần có ai đó hỏi mình làm công việc gì, anh cười nói làm nghề “vẽ chữ”, “cho chữ”, ai cũng cảm thấy ngồ ngộ vì nói đến thư pháp, nói đến “cho chữ” người ta chỉ nghĩ đến những ông đồ già với chữ Hán, chữ Nôm mà ngày nay không còn nhiều người biết đến, anh thì… còn trẻ măng.
Vậy mà, thầy “đồ trẻ” này cũng theo nghề được ngót nghét chừng ấy năm, nét chữ thì cũng “phượng múa rồng bay” không kém bất kỳ một “bậc tiền bối” nào.
Chọn một góc nhỏ nơi nhà văn hóa thanh niên, hôm nay, anh Hiền đến phố Ông đồ rất sớm. Chẳng hiểu sao, đã 10 cái Tết trôi qua, 10 năm “cho chữ”, với bao nhiêu người, vậy mà, với “thầy đồ” trẻ này, cái rạo rực vẫn tươi mới như ngày nào.
Vừa nhanh tay sắp xếp lại mớ giấy đỏ, mài thêm chút mực, anh Hiền tâm sự: "Tết thì năm nay người ta đến xin chữ cũng đông đúc, thấy là đông đúc hơn mọi năm. Năm nay thì người ta làm ăn không được, hay nghĩ tới mình xíu thì xin chữ Bình An, xin chữ này đến nỗi mà liễn, thiệp là không còn đủ để cho chữ này. Thì Ông Đồ cũng là cái nghề nắm bắt, là cho chữ thì cũng theo thời thế, thời thế sinh ra chữ. Hay chung chung thì người ta xin chữ như Tài, Lộc, Thịnh Vượng cho năm mới sung túc hơn chẳng hạn."
“Thời thế sinh con chữ” - anh Hiền nhắc với chúng tôi như vậy. Có lẽ, đó cũng là cái duyên để đưa chàng trai trẻ đến với nghề, để rồi bao nhiêu năm đồng hành, gắn bó, trở trăn, bền bĩ, nghề vận vào người trở thành cái nghiệp.
Tranh thủ lúc sớm chưa có khách, rót vội chén trà mời chúng tôi, anh Hiền trầm ngâm. Anh kể, những ngày bắt đầu học viết thư pháp, anh còn chưa hiểu được nhân tình thế thái, việc ngồi lại mà lắng nghe tâm tình của người đến xin chữ, hiểu và xuất ra được một chữ sao cho vẹn nghĩa trọn tình kỳ thực là rất khó. Nhưng rồi dần dà, anh tập cho mình thói quen điềm tĩnh, quan sát, lắng nghe nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn, mở lòng nhiều hơn trước mọi biến động của thời cuộc, những trúc trắc của tâm hồn, để rồi anh nhận ra “vẽ chữ cho người” đích thị là “họa lại cuộc sống nhân gian”.
Nghề cầm bút “cho chữ” của các “ông đồ” trẻ đều không phải là nghề chính, con đường đến với thư pháp của mọi người không ai giống ai, có người là huấn luyện viên yoga, có người là kiến trúc sư, có người chỉ mới là sinh viên.
Cũng hoạt động trong CLB Thư pháp TPHCM, anh Mai Đức Cường vốn có xuất thân là một kiến trúc sư. Từ nhỏ, Đức Cường đã yêu thích nét đẹp văn hóa của phương Đông qua những bộ phim, những họa tiết, phù điêu, trang phục và kiến trúc… Đức Cường dí dỏm: “Hồi đó, còn nhỏ xíu mà giống như mấy cụ già, mê mấy điều hoài cổ dữ lắm”.
Vì thích, vì mê, rồi đâm ra “nghiện” lúc nào không hay. Cường bỏ hẳn nghề kiến trúc sư – niềm mơ ước của bao bạn bè đồng trang lứa, để chuyển hẳn sang vẽ tranh thủy mặc cùng nghiên cứu thư pháp.
Anh Cường cho biết, những ngày đầu, anh gặp vô vàn khó khăn, bởi chỉ có đam mê thôi chưa đủ. Viết thư pháp cũng là một cái nghề, đòi hỏi người viết phải có những kỹ năng nhất định. Đây là giai đoạn “khủng hoảng” nhất với anh vì cả nhà không ai ủng hộ.
Nhưng, chàng trai trẻ khi ấy đã dũng cảm một mình bước qua những khó khăn, quyết bám trụ với nghề, dẫu biết nghề viết thư pháp không phải lúc nào cũng có thể kiếm tiền.
Thuận lợi trên con đường đi đến thư pháp hơn, anh Nguyễn Đăng Học - CLB Thư pháp Quận 5, TP.HCM vừa được sự ủng hộ của người thân trong gia đình, vừa có thời gian sinh sống và làm việc ở môi trường nước ngoài, anh Đăng Học đã nghiên cứu và rất thành công trong hành trình gìn giữ nét đẹp truyền thống cha ông.
Anh Nguyễn Đăng Học chia sẻ: "Tôi nghĩ là tôi may mắn hơn các bạn học thư pháp cùng thời là vì tôi có thời gian sinh sống ở nước ngoài, được tiếp xúc với các nền thư pháp khác nhau nên tôi tìm hiểu, nghiên cứu và chắc lọc ra những điều có ích nhất cho thư pháp Việt."
Xuất hiện trong bộ áo dài duyên dáng, cùng giấy đỏ, mực tàu được sắp xếp ngay ngắn, một góc nhỏ gợi nhớ Tết xưa, nhưng không phải là hình ảnh “ông đồ” quen thuộc nữa, đây là một “bà đồ” cũng với tuổi đời còn rất trẻ. Khác với những gì mọi người thường nghĩ về một người “cho chữ”, “bà đồ” Thảo Trâm lại càng làm đẹp hơn cho nét thư pháp Việt được trao đến tận tay người xin chữ bởi đôi bàn tay nhung mềm.
Chị Thảo Trâm kể, do yêu mến con chữ, lại là một người hướng về cái đẹp của Chân - Thiện - Mỹ nên chị đã bén duyên với nghề cầm cọ vẽ chữ cũng tròn nửa thập kỷ. Sau ngần ấy thời gian gắn bó, chị chẳng những rèn chữ ngày một thanh thoát hơn, mà còn cản thấy tâm hồn mình cũng được “mài giũa” thêm nhẫn nại và từ tốn: "Bản thân mình thì không thích việc quên đi cái nguồn cội, nên mình tìm đến các bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, mà tính cách của mình cũng truyền thống nữa nên mình tìm đến thú vui là chơi chữ.
Rồi thêm từ ngày xưa thì hình ảnh bà đồ cũng ít xuất hiện quá, người ta chỉ nhắc đến ông đồ mà thôi, và mình cũng không muốn giống người ta, nên mình quyết định đi học bộ môn này. Bộ môn này thật sự đã giúp mình rèn được sự kiên nhẫn và đặc biệt là sự trầm tĩnh bên trong. Nó cũng rất tương đồng với bộ môn Thiền vậy."
Hoài niệm những ngày đầu còn run tay khi viết chữ, những dòng thư pháp cứ chênh vênh, không đều nét, mực đậm nhạt khác nhau, chị Thảo Trâm chớp đôi mắt thật chậm, thở một hơi thật dài như tả lại y nguyên cái chạnh lòng khi không có mấy ai đến để xin chữ của “bà đồ” lúc tập tễnh vào nghề.
Song dần dà, người ta cũng đặt để niềm tin và ngày càng có nhiều người đến để tìm gặp chị Thảo Trâm cũng như các “bà đồ” khác mà xin chữ. Với chị, dù người cho chữ là nam hay nữ, người xin chữ có nhiều hay thưa, thì khi đặt bút phải dành trọn tâm tư của mình vào trong nét mực. Người ta yêu chữ, yêu cái tâm của người viết chữ là chỗ đó. Đó cũng truyền thống, là sự tử tế và là cái đạo, là cái tâm của người làm nghề.
Cầm trên tay bức tranh thư pháp với con chữ vừa nhận được, anh Lê Hoài Phong, một bạn trẻ sinh sống tại TP.HCM vui mừng vì “xin” được chữ ưng bụng: "Mình rất là ưng ý với cái chữ mình vừa xin và nhận được. Nói thật nếu Tết mà không có phố ông Đồ như thế này thì Tết sẽ bớt đi phần nào đó nhộn nhịp và ý nghĩa tại vì đó là một truyền thống văn hóa dân tộc từ xưa đến nay rồi. Và mình cũng cảm thấy rất là vui vì người trẻ như mình bây giờ vẫn gìn giữ được những nét văn hóa xưa như là tục cho chữ của ông Đồ này đây."
Không ngại đường xa, khi hay tin phố ông Đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM mở cửa đón khách, anh Phan Duy Dương sinh sống tại Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có mặt từ rất sớm để xin về cho bản thân và gia đình những câu đối, những con chữ đầy ý nghĩa với mong ước cầu mong một năm đủ đầy, sum túc, gia đình đề huề:
"Trong năm mới thì mình mong muốn cho bản thân và gia đình mạnh khỏe, mình thì cũng xin công danh sự nghiệp. Và cái câu đối này nó cũng rất là hay đó là nó nói về cái việc hành thiện cũng như là khuyên mình nên trau dồi việc đọc sách hằng ngày để phát triển bản thân."
Phố ông Đồ năm nào cũng mở cửa để mọi người tham quan, vui xuân từ rất sớm, nhưng sớm hơn cả sự chuẩn bị này có lẽ chính là hành trang của những ông đồ, bà đồ - những người “vẽ” nên bức tranh xuân với đầy đủ những gam màu: trầm ấm của truyền thống, dịu dàng của ngòi bút, thanh thoát của nét chữ, tử tế của lòng người.
Mỗi nét chữ cho đi, một lời hay được gửi gắm là thêm một lần giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc lại được trao truyền giữa nhịp sống hiện đại hôm nay. Tết đến, lòng người cũng chộn rộn hơn, phố phường cũng trở nên dịu ngọt. Để phố thêm xuân, lòng người thêm Tết, ngoài kia, những “ông đồ” trẻ vẫn âm thầm vẽ nên sắc diện cho thành phố, cần mẫn gieo xuân trên từng trang giấy đỏ. Họ vẽ Tết cho phố, cũng là vẽ Tết cho mình.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nguoi-ve-tet-tren-pho-post1076762.vov