Người vẽ tranh trên lá
Lá xanh chuyển vàng rồi về với đất, đó là quy luật của tự nhiên. Nhưng, từ chiếc lá tươi xanh thành xương lá và rồi tạo ra những bức tranh ngũ hổ cùng các loại tranh dân gian chứa trong đó muôn vàn tình ý mang đậm bản sắc vốn có của tranh Việt là một nghệ thuật hội họa mà không phải ai cũng có được...
Định mệnh với chiếc xương lá bồ đề
Lá bồ đề trong dân gian luôn gắn liền với hình ảnh từ bi thánh thiện, nói tới lá bồ đề, người ta luôn nghĩ đến ý nghĩa, nét đẹp riêng.Tại Việt Nam, tranh dân gian vẽ trên chất liệu tre, vải vốn đã rất khó, thì việc đưa hội họa trên lá bồ đề khó gấp bội lần.Thế nhưng, với biệt tài vẽ tranh trên xương lá bồ đề, chị Dương Hương Nhiên (33 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) đã tạo nên những tác phẩm thủ công độc đáo và khác biệt.
Ý tưởng vẽ tranh trên lá đến với chị rất tình cờ.Cách đây hơn 3 năm, chị được người bạn gửi tặng xương lá bồ đề làm trang trí hộp quà. Trông chiếc lá đơn điệu, chị Nhiên nảy ra ý định sáng tạo dấu ấn cá nhân lên đó. Sau khi tìm hiểu, chị nhận ra niềm đam mê và thú vị khi vẽ tranh dân gian lên xương lá.
Cây bồ đề vốn có đặc tính dễ trồng, nên lá dùng vẽ tranh đa phần chị lấy từ cây mà chị tự chăm sóc.Đối với những bức tranh cần phải có lá khổ lớn hơn, chị Nhiên nhờ bạn chọn ra những chiếc lá bồ đề tươi già ở chùa Bái Đính, Ninh Bình rồi gửi vào.Khi có lá tươi, chị đem ngâm nước cho đến khi lá rã phần diệp lục.Sau đó lấy bàn chải nhỏ tỉ mẩn tách phần thịt lá ra khỏi xương lá hoàn toàn rồi phơi khô. Xương lá phơi khô có thể giữ nguyên bản hoặc nhuộm màu tùy thích, dùng để decor, làm quà tặng, hay trang trí trong nhà... Theo kinh nghiệm của chị Nhiên, nên chọn lá già để đường gân được rõ và dẻo dai hơn.
Xương lá là chất liệu đặc thù với muôn vàn mắt lá rỗng, những đường gân gồ ghề. Vì thế, vẽ lên xương lá sẽ hoàn toàn khác biệt với việc thể hiện trên các mặt phẳng như giấy, gỗ, vải hay sỏi... Cần thật sự tập trung và tốn kha khá lá để làm chủ được cọ vẽ.
Khổ lá giới hạn, những đường gân lá mỏng tang, bạn có thể hình dung cách để tạo nên bức tranh xương lá gói gọn trong hai từ: tỉ mỉ và nhẫn nại. Bởi chỉ một sơ sẩy nhỏ, một chấm màu lem hay một đường gân lá rách sẽ hỏng cả tác phẩm.
“Mình dùng xương lá bồ đề làm chất liệu để vẽ tranh. Ban đầu đây thật sự là một thử thách vì gân lá rỗng lại gồ ghề, cũng không xóa đi vẽ lại được nên chỉ cần run tay lem màu là mất cả chiếc lá. Nhưng rồi mình cũng có được thành quả, màu vẽ mình sử dụng màu acrylic”, nhớ lại những ngày đầu tự mày mò, tìm hiểu, chị Nhiên vẫn đong đầy cảm xúc như thế.
Nhưng, chị Nhiên chưa bao giờ nghĩ rằng đây sẽ là cái nghề để mình mưu sinh. Với nữ họa sĩ trẻ, đây chính là đam mê, niềm vui khi được ngày ngày cầm cọ vẽ, thực hiện những nét chấm phá, pha màu đậm nhạt lên lá bồ đề đã là niềm hạnh phúc.
Cầm trên tay một chiếc xương lá thật, tay sờ vào từng đường gân, mạch lá, nhìn rõ từng mắt lá li ti, mới thấy tự nhiên tinh tế và kì diệu biết bao. Bức vẽ với những đường nét duyên dáng và thanh thoát, phô bật nét nguyên sơ trong trẻo của từng đường gân thiên nhiên, khác biệt so với bất kì bức tranh nào khác mà bạn có.
Trong quá trình vẽ tranh trên xương lá, chị Nhiên nhận được nhiều câu hỏi như tranh xương lá có bền không, có bị bay màu theo thời gian hay không? Câu trả lời là với tranh vẽ trên xương lá, đóng khung cách ẩm tốt sẽ bảo quản được lâu bền và không bay màu theo thời gian nên có thể trưng mãi. Thêm nữa, xương lá nhìn mỏng manh nhưng có độ dẻo dai nhất định nên ngay cả khi không đóng khung, chỉ cần bạn cẩn thận nâng niu bảo quản thì vẫn giữ được lâu.
Với cách bảo quản độc đáo, đóng khung cách ẩm thì những chiếc lá mỏng tang như cánh chuồn vẫn có thể tồn tại theo tháng năm mà không lo mục ruỗng. Chị còn tạo ra những chiếc khung đèn thủ công theo dáng lá. “Vẽ đã lâu, làm khung còn lâu hơn, tuy nhiên thành quả thật sự xứng đáng. Mình ưng ý nhất là hiệu ứng phát sáng rực rỡ của những bức vẽ có mặt trăng khi lên đèn”, chị Nhiên cho biết.
Vốn yêu thích tranh dân gian, chị luôn mong muốn mang lại sự mới mẻ, độc đáo khi thể hiện lại trên xương lá.Bởi vậy, để làm nổi bật sự tuyệt diệu của tranh, nữ họa sĩ còn đóng tranh trong những chiếc hộp đèn 3D vô cùng tỉ mỉ mà không nề hà khi phải tốn gấp đôi thời gian với khung tranh thông thường.Tùy vào độ cầu kỳ của sản phẩm, mỗi bức tranh vẽ trên xương lá bồ đề có giá bán dao động từ 500.000 đến hơn 1 triệu đồng.
Nét vẽ “xuất thần” đưa Ngũ Hổ vào xương lá bồ đề
Đối tượng trong tranh của chị Hương Nhiên cũng rất đa dạng, từ vẽ cá chép vượt vũ môn, tranh chân dung theo yêu cầu, tranh phong cảnh, ẩm thực, tranh Hàng Trống... Năm Dần nói chuyện hổ, năm nay chị nhận được nhiều đơn đặt hàng về tranh Ngũ Hổ.
Ngũ Hổ là bức tranh nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống. Một bức tranh Ngũ Hổ có kích thước 71x 60cm x 60cm nhưng khi tái hiện qua những chiếc lá bồ đề, chị Hương Nhiên đã thu nhỏ bức tranh dân gian này với khổ 15-17cm. Mỗi bức tranh tùy thuộc vào độ khó mà thời gian hoàn thiện khác nhau. Như bức Ngũ Hổ chị Nhiên cần 2-3 ngày mới hoàn thiện vì có độ phức tạp rất cao.
“Tranh Ngũ Hổ khi vẽ trên lá bồ đề với kích cỡ chỉ khoảng gấp rưỡi lòng bàn tay mà vẫn phải thể hiện đầy đủ chi tiết dù là nhỏ nhất chính là thử thách mà tôi phải vượt qua.Với khổ lá giới hạn, việc sắp xếp bố cục sao cho hợp lý thật sự cũng là một điều rất thú vị”, chị tâm sự.
Cầm trên tay bức tranh Ngũ Hổ bằng chất liệu đặc biệt, người xem vẫn nhận thấy được bố cục cân đối trên mặt lá, màu sắc rực sáng, hội đủ 5 màu ngũ hành. Từ vẻ mặt, chòm râu, ánh mắt, khí thế toát lên sự mãnh liệt của 5 “ông” hổ. “Ông” hổ vàng ngồi uy nghi ở giữa, xung quanh là 4 “ông” hổ khác với màu đen, đỏ, xanh, trắng. “Ông” thì ngồi, “ông” đứng, “ông” thì cưỡi mây lướt gió... tất cả toát lên sự đường bệ, oai phong của loài mãnh chúa sơn lâm.
Với mong muốn gìn giữ bản sắc Việt, qua bức tranh Ngũ Hổ trên xương lá bồ đề, chị Nhiên mong muốn các sản phẩm của mình sẽ có cơ hội theo những vị khách đến với cộng đồng quốc tế. “Nhắc tới lá bồ đề, nhiều người thường nghĩ ngay đến Ấn Độ. Đó cũng là một trong những lý do mà Nhiên muốn những tác phẩm của mình được đưa ra thế giới, để họ biết rằng, Việt Nam mình cũng có lá bồ đề và thậm chí xương lá bồ đề còn dùng để vẽ nên những bức tranh dân gian độc đáo, đẹp và ý nghĩa”, chị bộc bạch.
Trong mỗi bức tranh được những người khách Việt kiều mua để tặng bạn bè, chị Nhiên luôn đính kèm một bức thư được thiết kế từ lá bồ đề, trên đó là nét chữ duyên dáng gồm cả tiếng Anh và tiếng Việt nhưng câu từ ngay dòng đầu đã là khẳng định “chủ quyền”: “Bạn đang cầm trên tay bức tranh vẽ tay trên xương lá tự nhiên, một sản phẩm thủ công từ Việt Nam”.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nguoi-ve-tranh-tren-la--i649075/