Người vẽ vẻ đẹp 'nguyên thủy' của phụ nữ

Sau 60 năm vẽ với nhiều đề tài, bắt đầu từ năm 1962, họa sĩ Kim Thái (sinh năm 1943) đã dành nhiều thời gian hơn để vẽ vẻ đẹp của phụ nữ. Bà gọi đó là những hình ảnh về 'phụ nữ nguyên thủy'.

Chân dung họa sĩ Kim Thái.

Chân dung họa sĩ Kim Thái.

Họa sĩ Kim Thái vẽ nhiều và vẽ thường xuyên, nhưng bà hiếm khi làm triển lãm cá nhân, vì thế, những bức tranh trong triển lãm “Em Tuyết”, được lựa chọn từ 500 bức tranh, trưng bày tại Hakio - Let’s Art, Quận 3, TPHCM, từ ngày 20/3/2023 là một bất ngờ với công chúng yêu mỹ thuật.

Họa sĩ Kim Thái là vợ của điêu khắc gia Lê Công Thành (sinh năm 1932, mất năm 2019), ông là nghệ sĩ hàng đầu của điêu khắc Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20. Tác phẩm làm Lê Công Thành tôn vinh vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ. Vì vậy, khi ngắm nhìn những bức tranh giàu tính nữ của họa sĩ Kim Thái, có thể thấy tinh thần của chồng bà phảng phất trong từng đường nét. Cũng như nhìn tác phẩm của điêu khắc Lê Công Thành, cũng thấy những nét họa từ vợ. Theo Nhà Nghiên cứu Mỹ thuật/ Họa sĩ Nguyễn Quân: “Kim Thái là một nữ họa sĩ tiêu biểu của thế hệ mình, với phong cách, chủ đề “Độc và Bạo” khi đó

Họa sĩ Kim Thái chia sẻ, cả tuổi thơ của bà là niềm đam mê vẽ kéo dài, với những bức tranh thấm đượm vẻ thơ ngây. Một ngày, khi có thông báo từ Trường Mỹ nghệ tuyển sinh đợt 1, bà nghĩ sẽ tham gia bằng được. Ngày ấy, may mắn bà gặp được một người thầy dạy vẽ, từ miền Nam ra Bắc tập kết, làm việc ở Xưởng Phim truyện. Người ấy, bà gọi là “bác”, rất quý mến bà, và nhận kèm cặp. Bà bắt đầu những nét vẽ nghiêm ngắn bằng que đo, quả rọi, phác thảo bằng chì,... để hiểu thế nào là hình họa, nắm các quy luật mỹ thuật một cách bài bản, từ đó có kiến thức đi thi. Dự thi, bà đã đỗ vào Trường Mỹ nghệ. Là học viên khóa đầu tiên, bà được phân vào khoa vẽ vải hoa lá, thêu, may cắt sáng tạo áo quần cho thiếu nhi. Trong quá trình học, khao khát được ký họa, vẽ tranh, vẽ người lại trỗi lên trong bà. Khi ấy, nhà điêu khắc Lê Công Thành đang dạy ở Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, cũng về Trường Kỹ nghệ dạy học. Mỗi khi Kim Thái đi ngang cửa, ông lại bảo bà dừng lại để cho xem bài vẽ. Bà đưa bài cho ông xem, được ông khen, bà rất vui. Và rồi bà quyết định chuyển sang Trường Mỹ thuật Yết Kiêu học.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành và họa sĩ Kim Thái từng triển lãm cùng nhau tại Hà Nội. Bà không còn nhớ thời gian, chỉ nhớ là ở Hàng Buồm và một lần nữa ở Ngô Quyền là hai lần. Triển lãm ở Hàng Buồm nhận được sự tán thưởng từ công chúng, bán được hết tác phẩm. Đến lần thứ hai, lúc đầu không ai mua, đến khi chuyển sang nhà triển lãm tiếp theo, một nhà sưu tập từ Phần Lan đến xem, nhìn hình ảnh mẹ và bé cùng tình yêu thương quấn quýt của mẹ con dành cho nhau, nhà sưu tập này đã mua hết cả bộ.

Qua mỗi bức tranh, dù Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Quân nhận xét là “Độc và Bạo”, họa sĩ Kim Thái vẫn chọn cho mình phong cách mang hơi thở nhẹ nhõm, bình an, trong vắt với màu sắc tươi vui hài hòa. Bà vốn luôn yêu cái đẹp từ thiên nhiên đến tinh thần con người, nên tranh của bà cũng luôn lấp lánh ánh sáng cùng màu sắc tươi vui. Họa sĩ Kim Thái tâm sự: “Khi vẽ, tinh thần thể hiện qua tranh và suy nghĩ từ bên trong tôi là một”.

Bộ tranh trong triển lãm “Em Tuyết” lần này gồm những bức tranh được bà vẽ trong vài năm gần đây. “Hình tượng “Em Tuyết” biểu hiện cho cái đẹp của phụ nữ Việt Nam. Không phải thể hiện sự giàu sang, hay tiểu thư của phụ nữ, cũng không phải hình ảnh phụ nữ tri thức, cũng không phải phụ nữ cổ điển, mà cũng không phải hiện đại, đó là hình ảnh một người phụ nữ lao động cực nhọc mà vẫn tràn đầy vẻ đẹp. “Ấn tượng về người phụ nữ đẹp khỏe khoắn trong lao động là hình ảnh ấn tượng mãi bên trong tôi” – họa sĩ Kim Thái chia sẻ.

Việt Quỳnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-ve-ve-dep-nguyen-thuy-cua-phu-nu-5712895.html