Người vi phạm chống đối CSGT ngày càng liều lĩnh, manh động

Liên tiếp những vụ chống đối, tấn công CSGT xảy ra gần đây với mức độ ngày càng manh động, liều lĩnh.

Sự chống đối CSGT đã phản ánh một thực trạng đáng lo ngại trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Sự chống đối CSGT đã phản ánh một thực trạng đáng lo ngại trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Gần 60% vụ chống đối đâm thẳng xe vào CSGT

Ngày 15/8, tại Bệnh viện Việt Đức, Trung úy Nguyễn Hoàng (Đội CSGT, Công an TX Phú Thọ) đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn phải điều trị lâu dài bởi những vết thương nghiêm trọng: Đứt 2 xương sườn, xuyên thấu rách phổi tụy và lá lách.

Tối 7/8, Trung úy Hoàng cùng Tổ TTKS Công an TX Phú Thọ lập biên bản vi phạm, tạm giữ xe của đối tượng Vương Hồng Thái về lỗi điều khiển xe máy không đội MBH, không GPLX, nồng độ cồn là 0,053 mg/lít khí thở. Quá trình lập biên bản vi phạm, đối tượng Thái chấp hành. Nhưng khi đi bộ về nhà cách đó khoảng 500m, do đã sẵn men rượu bia trong người, Thái cảm thấy tức tối, nên đã lấy một con dao trong bếp quay trở lại, lén đâm thẳng vào lưng Trung úy Hoàng đang ngồi lập biên bản vi phạm giao thông.

Trước đó, ngày 27/7, khi Tổ tuần tra CSGT Công an huyện Kông Chro, Gia Lai dùng xe chuyên dụng chặn một ô tô đã hết niên hạn chở gỗ lậu bỏ chạy suốt 10km, tài xế xe này đã tông thẳng vào xe CSGT, khiến Đại úy CSGT Nguyễn Đức Nhã bị hất văng vào lề đường, gãy hai xương sườn, chấn thương nặng.

Tại Hà Nội, khi Tổ công tác CSGT đang xử lý người phụ nữ điều khiển xe máy chở 3 người không đội MBH ở quận Hà Đông thì bị chồng của chị ta nhặt cục bê tông lớn đập vào đầu khiến Đại úy Mai Hồng Sơn bị thương. Còn tại Hải Phòng, vụ việc một thiếu niên không đội MBH, chạy xe máy quá tốc độ tông trực diện vào một Thượng úy CSGT khiến nạn nhân bị hất văng, bất tỉnh cũng đã khiến dư luận bàng hoàng.

Thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, từ năm 2018 đến nay đã xảy 72 vụ chống lại lực lượng CSGT trong khi thi hành công vụ, làm 2 người hy sinh, 27 người bị thương. Đáng lo ngại, tính manh động của các vụ việc tăng lên rất nhiều. Trước đây, người vi phạm thường xin xỏ để được bỏ qua vi phạm, rồi ngăn cản việc thi hành công vụ sau đó mới đến chống đối. Nhưng hiện nay, 58% đối tượng dùng phương tiện đâm thẳng trực diện vào CSGT đang thi hành công vụ.

Tăng cường cảnh giới, chú trọng phạt nguội

Lãnh đạo Cục CSGT thăm hỏi Trung úy Nguyễn Hoàng (Đội CSGT, Công an TX Phú Thọ) tại Bệnh viện Việt Đức

Lãnh đạo Cục CSGT thăm hỏi Trung úy Nguyễn Hoàng (Đội CSGT, Công an TX Phú Thọ) tại Bệnh viện Việt Đức

Liên quan đến vấn đề này, Trung tá Vũ Đình Trụ, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, CSGT thực hiện nhiệm vụ TTKS đều đã trải qua các lớp nghiệp vụ, có thẻ tuần tra và Phòng CSGT Phú Thọ còn có cả bộ câu hỏi, cũng như tình huống giả định để phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ xử lý các tình huống phát sinh. “Nhưng như trường hợp của Trung úy Hoàng, khi lập biên bản và giữ phương tiện, đối tượng đã chấp hành lỗi, ký biên bản vi phạm, nhưng lại bất ngờ thủ dao quay lại tấn công CSGT. Đây là một tình huống rất khó lường. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Phòng CSGT Công an tỉnh đã tiếp tục quán triệt tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ CSGT trên địa bàn tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa cảnh giới, không để tình trạng đáng tiếc xảy ra”, Trung tá Trụ cho biết.

Trung tá Bùi Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 10, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội chia sẻ thêm, một số người tham giao thông kém hiểu biết về pháp luật, cứ bị CSGT xử phạt, giữ xe là bức xúc mà không nghĩ rằng CSGT đang xử lý vi phạm là để đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ và những người xung quanh. “Thử đặt tình huống CSGT không giữ xe của người say rượu, người này vẫn điều khiển xe trên đường thì sẽ nguy hiểm thế nào?”.

“Trong quá trình TTKS, nhiều trường hợp, các cán bộ, chiến sỹ CSGT phải rất kiềm chế, có trường hợp thấy vi phạm nhưng chỉ chụp lại biển số xe để xác minh, phạt nguội, ông Tiến nói.

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT, yêu cầu đặt ra trong khi thực hiện nhiệm vụ là cán bộ chiến sỹ CSGT phải có nghiệp vụ giỏi, tư thế, tác phong đúng mực, kỹ năng xử lý tình huống đúng pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc với nhân dân. Việc dừng phương tiện, kiểm tra, xử lý phải đảm bảo đúng quy trình; quy định của pháp luật.

“Hiện, Cục CSGT đang sử dụng kết nối công nghệ thông tin như camera giám sát để ghi lại quá trình làm nhiệm vụ của CSGT, vừa để kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, chiến sỹ vừa ghi lại hình ảnh chống đối của người vi phạm để xử nghiêm theo quy định”, Thiếu tướng Đức cho biết.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM):
Có quyền khiếu nại nhưng không được chống đối

Hiện, một số trường hợp vi phạm, CSGT lập biên bản nhưng người vi phạm không ký. Việc ký hay không là việc của người vi phạm, người vi phạm có quyền khiếu nại quyết định hành chính của CSGT, thậm chí khởi kiện ra tòa, nhưng không có quyền lăng mạ, xúc phạm, chống lại lực lượng CSGT làm nhiệm vụ.

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật)
Chống người thi hành công vụ là tình tiết tăng nặng

Tùy từng mức độ, hành vi cụ thể, các đối tượng chống đối, tấn công CSGT làm nhiệm vụ này sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, giết người... và phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Tình tiết chống người thi hành công vụ luôn là một tình tiết định khung tăng nặng.

Văn Huế

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-vi-pham-chong-doi-csgt-ngay-cang-lieu-linh-manh-dong-d431476.html